09/11/2021 16:55
Doanh nghiệp Việt Nam với cơ hội mới trên thị trường sau dịch
Bất chấp những thách thức mà Việt Nam đã trải qua trong đợt dịch lần 4 và gần đây, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp vẫn giữ vững niềm tin rằng tương lai của kinh tế Việt Nam sớm tươi sáng trở lại.
Bất chấp những thách thức mà Việt Nam đã trải qua trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 và gần đây, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp vẫn giữ vững niềm tin rằng tương lai của kinh tế Việt Nam sớm tươi sáng trở lại.
Đồng thời, khi những thách thức của COVID-19 qua đi, sẽ có rất nhiều cơ hội dành cho những ai chuẩn bị tốt, nắm bắt kịp thời những cơ hội mới trên thị trường trong và ngoài nước.
Phân tích cụ thể, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chỉ ra rằng Việt Nam đã tạo ra sự ổn định về kinh tế vĩ mô và xã hội, chính điều này sẽ là điểm mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và phục hồi tốc độ tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực. Hơn thế nữa, khi hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư luôn bị hấp dẫn bởi những môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn và họ có thể dự đoán được.
Cùng với những lợi thế khác, những câu chuyện về tăng trưởng kinh tế, mức độ tương tác giữa Chính phủ với cộng đồng trong và ngoài nước sẽ khuyến khích lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận thị trường. Việt Nam cũng đang đi đúng hướng trong hoạt động cải cách nội bộ chất lượng với luật pháp và chính sách tốt, nhất là hướng đến tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dường như sẽ tạo ra không ít trở ngại cho con đường phục hồi của kinh tế Việt Nam. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn sẽ theo dõi kỹ lưỡng chiến lược của Chính phủ trong chèo lái nền kinh tế vượt qua cơn bão và điều này sẽ tác động đến quyết định đầu tư của họ trong thời gian tới.
Dự báo về tốc độ phục hồi kinh tế Việt Nam, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá nhờ những yếu tố cơ bản vững chắc, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần dần trong ít nhất 6 tháng tới cho đến khi đà tăng trưởng mạnh hơn vào nửa cuối năm 2022; trong đó, nhiều nhà máy tại khu công nghiệp phía Nam có thể phục hồi chậm hơn so với những khu vực khác do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Mặt khác, kinh tế Việt Nam đang dần mở cửa trở lại một số lĩnh vực đầu tiên sau thời gian giãn cách xã hội như du lịch, khách sạn, tổ chức sự kiện... nhưng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, cũng như thực hiện nghiêm ngặt biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Điều này, khiến tâm lý người tiêu dùng còn một số quan ngại nhất định trong giai đoạn "bình thường mới," nên dẫn tới ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong chuỗi giá trị.
Một số công ty sử dụng nhiều lao động đã giảm quy mô sản xuất, kinh doanh do đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, có thể phải đối mặt với những thách thức mới trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, có những lĩnh vực vẫn được hưởng lợi trong đại dịch COVID-19 như thương mại điện tử với mức tăng trưởng 18%, đạt doanh thu hơn 11 tỷ USD trong năm 2020 và đang dự báo vẫn sẽ đạt tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021.
Thị trường thương mại điện tử có nhiều cơ hội tiếp tục phát triển khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua sắm, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia và ký kết cũng dự báo sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu ở đa dạng ngành hàng, gồm hải sản, cà phê, quần áo, giày dép, thiết bị cơ khí... sớm phục hồi và phát triển với nhiều cơ hội mới.
Ghi nhận ý kiến cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong những tháng gần đây. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang rất kỳ vọng lấy đà tăng trưởng sẽ trở lại trên cơ sở đồng hành, hỗ trợ từ bộ, ngành và Chính phủ.
Tiến sỹ Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết kết quả từ một khảo sát cho thấy, có gần 16% doanh nghiệp phải đóng cửa do không có doanh thu và vốn lưu động. Đồng thời, gần 35,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải tạm ngừng hoạt động với lý do đứt gãy chuỗi cung ứng; hầu hết doanh nghiệp thiếu lao động do người lao động di cư về quê... Dù vậy, vẫn có thể nhận thấy tinh thần tích cực và sự tự tin vượt qua thách thức của cộng đồng doanh nhân.
"Kể từ khi Chính phủ thay đổi chính sách về dịch COVID-19 từ tháng 10/2021, nền kinh tế đã nhanh chóng mở cửa trở lại và quá trình chuyển đổi sang kỹ thuật số đã bắt đầu. Hiện tại, Chính phủ đang lên kế hoạch cho một gói hỗ trợ mới để phục hồi kinh tế, đồng thời cũng đã áp dụng công nghệ trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19. Dự kiến, sẽ có nhiều giải pháp hơn nữa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sẽ hỗ trợ kiểm soát tình hình và phục hồi kinh tế nhanh chóng trong thời gian sớm nhất," Tiến sỹ Trương Gia Bình chia sẻ thêm.
Còn theo các chuyên gia khác, thời gian để các lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi và có những trọng tâm mới trong chiến lược sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu.
Trên thực tế, từ việc chỉ tập trung vào sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, cũng như sự sống còn của doanh nghiệp, hiện nay các lãnh đạo doanh nghiệp đã trở lại với tư duy phát triển, trong khi một số người cũng đã bắt đầu tập trung vào những cơ hội tăng trưởng mới.
Advertisement
Advertisement