19/11/2018 11:45
Doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để né chiến tranh thương mại, lợi bất cập hại?
Cuộc chiến thương mại khiến các công ty Trung Quốc tìm đến Việt Nam, tạo ra nguy cơ bị Mỹ áp thuế nếu hàng hóa bị nghi ngờ về nguồn gốc.
Tháng trước, giám đốc điều hành Jiang Bin của GoerTek, nhà sản xuất tai nghe không dây Airpods cho Apple tại Sơn Đông, Trung Quốc, tuyên bố sẽ chuyển sản xuất sang Việt Nam. Theo ông Jiang Bin, lý do dẫn đến quyết định này là do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Không chỉ có GoerTek, theo Jim Weber, Giám đốc điều hành Brooks Running của Warren Buffett tiết lộ với SCMP, thương hiệu giày này được lên kế hoạch cho một động thái tương tự.
GoerTek, nhà sản xuất tai nghe không dây Airpods cho Apple tại Sơn Đông, Trung Quốc, sẽ chuyển sản xuất sang Việt Nam. |
Nhưng trong khi Việt Nam nhận được đầu tư từ Trung Quốc, các nhà kinh tế và giới doanh nhân Việt Nam có một cái nhìn trái chiều về vấn đề này. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét rằng, Việt Nam sẽ có lợi nếu các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao của đất nước, chẳng hạn như Samsung của Hàn Quốc.
Riêng việc đầu tư vào ngành hàng may mặc sẽ ít có lợi hơn. “Ngành công nghiệp này vẫn nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc có lợi nhất khi (các công ty Trung Quốc) chuyển nhà máy của họ sang Việt Nam”, bà Phạm Chi Lan phát biểu với báo SCMP.
Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 Thân Đức Việt nhận định rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc vừa mang lại lợi ích và cũng gây tác động tiêu cực cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp cùng ngành nghề trong nước. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại, May 10 đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn từ khách hàng Mỹ. Tuy nhiên, ông Việt bày tỏ mối lo ngại về tác động của một loạt các công ty Trung Quốc chuyển hoạt động sang Việt Nam để né thuế của Mỹ.
“Các công ty này sẽ trực tiếp cạnh tranh với chúng tôi về lực lượng lao động. Vì vậy, họ sẽ tạo ra áp lực lớn đối với chúng tôi”, ông Thân Đức Việt nói.
Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Msa-Hapro, bà Phạm Thị Liễu cũng có cùng nhận định trên: "Khi (các doanh nghiệp Trung Quốc) đến đây, họ sẽ thu hút lao động bằng cách tăng lương cho công nhân". Trong khi đó, Msa-Hapro không nhận được nhiều lợi ích từ cuộc chiến thương mại, vì khách hàng chủ yếu đến từ châu Âu.
Mức lương tối thiểu của Việt Nam có xu hướng thấp hơn Trung Quốc, tùy thuộc vào khu vực sẽ dao động từ 2,76 triệu đồng (120 USD) đến 3,98 triệu đồng (170 USD) mỗi tháng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu hàng tháng của công nhân ở Quảng Đông, ngược lại, là 2.200 nhân dân tệ (315 USD), trong khi Thượng Hải là 2.240 nhân dân tệ (350 USD), theo SCMP.
Về vấn đề doanh nghiệp từ Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam, các nhà phân tích cho biết, các công ty Trung Quốc có thể khiến cho Việt Nam gặp rủi ro, nếu Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu khi nghi ngờ hàng hóa đó thực chất có nguồn gốc Trung Quốc.
Dệt may là ngành chịu nhiều áp lực nếu doanh nghiệp cùng lĩnh vực chuyển sản xuất sang Việt Nam. |
Hồi tháng 5, Mỹ đã áp thuế đối với nhôm và thép của Việt Nam, với lý do Trung Quốc đang sử dụng Việt Nam nhằm tránh thuế chống bán phá giá. SCMP dẫn ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế nhận cho rằng, việc doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam có thể mang lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ người lao động, khi họ được tăng thu nhập. Nhưng nó sẽ tạo ra rủi ro rất lớn vì nó có thể dẫn đến việc chính phủ Mỹ nghi ngờ và điều tra nguồn gốc hàng hóa Việt Nam.
Bà Phạm Chi Lan cho biết, trong trường hợp đó, không chỉ các công ty Trung Quốc, mà cả các công ty Việt Nam cũng sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.
Chuyên gia về Việt Nam, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Úc, cũng nhận định rằng rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam là có thật. Theo ông, trong khi chính quyền Trump tăng thuế quan, những quốc gia cố gắng xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi sự trả đũa của Mỹ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp