01/12/2023 07:47
Doanh nghiệp địa ốc lo… 'mòn vốn'
Sản phẩm hoàn thiện nhưng không thể triển khai bán hàng, dự án tắc nghẽn do vướng pháp lý, thời gian triển khai kéo dài dẫn đến đội chi phí… là những nguyên nhân khiến dòng vốn của doanh nghiệp bị bào mòn.
Cạn vốn do chưa được bán hàng
Dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp ở đường Bến Nghé (quận 7, TP.HCM) dù đã thi công xong phần móng, hầm và tầng 1, nhưng chưa được chấp thuận mở bán. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Gotec Việt Nam nhiều lần đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM ra thông báo chấp thuận nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại hình thành trong tương lai nhưng chưa được giải quyết, nguyên nhân được cho là do quá trình xác minh nguồn gốc đất của dự án chưa hoàn thiện.
Vấn đề ở đây là quá trình xác minh đã kéo dài hàng năm và theo lãnh đạo Gotec Việt Nam, việc dự án bị “om”, không được bán hàng trong nhiều năm khiến doanh nghiệp thiệt hại cả nghìn tỷ đồng. Nếu không sớm được cấp thông báo đủ điều kiện bán nhà để đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp sẽ không còn tiền để chi trả các loại chi phí cũng như duy trì hoạt động và khi đó, mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều do các đối tác sẽ ngừng hợp đồng, yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại…
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, đã gần 10 năm kể từ ngày hoàn thiện, dự án Lotus Residence tại quận 7, TP.HCM do Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn (Anh Tuấn Group) làm chủ đầu tư vẫn không thể ra hàng. Tình trạng này kéo dài không chỉ khiến doanh nghiệp thiệt hại về tài chính, mà mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng cũng ngày càng căng thẳng khi thời gian gần đây, một số khách hàng mua đất tại dự án kéo đến trụ sở Công ty gây áp lực, đòi quyền lợi.
Ông Dương Tuấn Tú, Tổng giám đốc Anh Tuấn Group cho biết, nguồn gốc đất do chủ đầu tư tự đền bù và được UBND TP.HCM giao đất. Dự án đã được Sở Xây dựng Thành phố duyệt mẫu nhà và chủ đầu tư đã thi công hoàn thiện hạ tầng được 7 năm, nhưng đến nay người mua đất vẫn không được xây dựng nhà ở do chủ đầu tư chưa được đóng tiền sử dụng đất, cho dù rất muốn.
“Dự án đã nằm bất động nhiều năm nay, những lô đất trị giá tiền tỷ trong dự án đến nay chỉ để cho cỏ mọc, lãng phí rất lớn. Trong khi đó, để thực hiện dự án, chủ đầu tư phải đi vay vốn ngân hàng với lãi suất cao. Dự án không được xây dựng thì làm sao bán được hàng, doanh nghiệp làm sao có tiền trả nợ cũng như duy trì bộ máy? Gần đây, nhiều khách hàng bức xúc, kéo đến Công ty căng băng-rôn đòi quyền lợi. Vì vậy, điều mong mỏi nhất của doanh nghiệp lúc này là có con số cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, qua đó hoàn thành cam kết với khách hàng”, ông Tú giãi bày.
Ở một trường hợp khác, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tầm trung tại TP.HCM cho hay, hơn 1 năm qua, doanh nghiệp này không có nguồn thu từ các hoạt động bán hàng. Đáng lo hơn, thời gian gần đây, doanh nghiệp liên tục nhận được đơn xin hoãn thanh toán không phạt lãi của khách hàng, thậm chí không ít khách hàng xin thanh lý hợp đồng, nhận lại tiền đóng trước đó, chấp nhận chịu phạt.
“Mỗi tháng trôi qua, doanh nghiệp phải gồng gánh nhiều khoản chi phí, từ lãi vay ngân hàng, công nợ nhà cung cấp, hoa hồng môi giới…, cho đến các khoản thường kỳ bắt buộc để duy trì vận hành bộ máy như chi cho văn phòng làm việc, lương và phúc lợi nhân viên… Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, chúng tôi sẽ buộc phải đóng cửa”, vị lãnh đạo này buồn bã nói.
Ngừng hoạt động vì… hết tiền
Trong tuần qua, Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) - có trụ sở tại phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM ra thông báo về việc cơ cấu lại bộ máy tổ chức nhân sự.
Theo đó, HDTC sẽ tạm dừng hoạt động vì nguồn tài chính đang vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để trả lương cho cán bộ, nhân viên. Để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, Hội đồng quản trị HDTC thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố Công ty trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc HDTC Đinh Chí Minh thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại trụ sở và các chi nhánh của Công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc kể từ ngày 26/11/2023 cho đến khi có thông báo mới.
Theo Tổng cục Thống kê, bất động sản là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất trong 10 tháng đầu năm 2023, cụ thể có 1.067 doanh nghiệp giải thể trên cả nước, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 3.850 doanh nghiệp, giảm 50,2%.
Theo tìm hiểu, HDTC được biết đến là một trong những doanh nghiệp bất động sản quy mô khá lớn, sở hữu danh mục đầu tư trên dưới 30 dự án khắp cả nước. Thế nhưng, có nhiều dự án dù đã bán cho khách hàng nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện như cam kết, dẫn đến khiếu kiện, chẳng hạn tại dự án Khu đô thị mới An Phú - An Khánh 131 ha (quận 2), tranh chấp giữa HDTC và khách hàng đã kéo dài nhiều năm, tới nay vẫn chưa ngã ngũ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, bất động sản là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất trong 10 tháng đầu năm 2023, cụ thể có 1.067 doanh nghiệp giải thể trên cả nước, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 3.850 doanh nghiệp, giảm 50,2% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường đang chứng kiến sự “ra đi” của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Hiện có khoảng 20% sàn giao dịch bất động sản đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ, chỉ còn hoạt động cầm chừng với một vài nhân sự nòng cốt…
“Phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho thấy, các biện pháp hỗ trợ vẫn chưa đủ mạnh để tạo chuyển biến thực sự. Do đó, rất cần có thêm các giải pháp cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ Chính phủ, các bộ, ngành và cả hệ thống ngân hàng để có thể vực dậy thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, tổng cầu chỉ có thể được cải thiện rõ rệt khi các biện pháp điều hành kinh tế của Chính phủ quyết liệt và thực sự phát huy tác dụng”, ông Đính nói.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá, thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức mà nguyên nhân đến từ cả yếu tố bên ngoài lẫn nội tại thị trường, từ sức cầu yếu, lệch pha cung - cầu, giảm đà tăng trưởng..., tới lạm phát, lãi suất còn cao, tác động từ xuất khẩu, đầu tư, du lịch tăng chậm...
“Lĩnh vực bất động sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế, đóng góp trực tiếp khoảng 10% GDP và gián tiếp khoảng 2-3% vào tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần có giải pháp quyết liệt hơn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt cần tập trung ở cả yếu tố cung và cầu để thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024, bên cạnh củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tới”, ông Lực nhấn mạnh.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp