Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Doanh nghiệp bất động sản bị áp lực bởi trái phiếu sắp đáo hạn

Chứng khoán

21/11/2022 17:07

Theo số liệu cập nhật của FiinRatings, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 ở mức 21,85 nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới nhất, tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings ghi nhận hoạt động phát hành vắng bóng trong tháng 10 với chỉ một đợt chào bán 210 tỷ đồng của Công ty Núi Pháo (được bảo lãnh bởi Masan).

Sự thiếu vắng 2 nhóm chủ lực là bất động sản và ngân hàng, theo FiinRatings, là do gặp bất lợi từ môi trường lãi suất tăng cao, Nghị định 65 và sự "quay đầu" của nhà đầu tư đối với trái phiếu sau những sự kiện vi phạm.

(Nguồn HNX, FiinRatings. Dữ liệu được tổng hợp từ 1557 mã trái phiếu từ 323 doanh nghiệp phát hành trong ngành BĐS)

Trong bối cảnh phát hành mới gần như đóng băng, thị trường lại chứng kiến hoạt động mua lại gia tăng. Điều này làm cho dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15.800 tỷ trong tháng 10, với giá trị mua lại và đáo hạn lần lượt là 5.810 và 10.230 tỷ đồng.

Ngoài ra, một phần giá trị trái phiếu thâm hụt còn đến từ các phương án "hàng đổi hàng" và chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay như một biện pháp tái cấu trúc nợ được thực hiện trong thời gian qua.

Trái phiếu nhóm công ty địa ốc đang là tâm điểm của giới đầu tư. Quy mô đang lưu hành của nhóm này lên đến 445.000 tỷ đồng, tức chiếm gần 34% trong tổng trong tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ và gần 50% tổng giá trị trái phiếu của các tổ chức doanh nghiệp phi tài chính.

"Hoạt động rút trước hạn và mua lại trái phiếu gây không ít khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Nó lại góp phần giảm áp lực từ số dư trái phiếu sẽ đáo hạn còn lại", FiinRatings nhận định.

Số liệu cập nhật của tổ chức này cho thấy tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21.850 tỷ đồng. Theo FiinRatings, tuy số dư không lớn nhưng chiếm đa số bởi các doanh nghiệp chưa niêm yết và hầu như không có thông tin tài chính về tổ chức phát hành.

Kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện trong thời gian sớm, nhất là các trái phiếu nếu được phân phối thứ cấp đến các nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, áp lực vẫn duy trì ở mức đáng kể từ năm 2023 là 119,05 nghìn tỷ đồng và năm 2024 là 111,81 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo đánh giá của tổ chức xếp hạng này, thị trường chứng kiến nhiều hình thức tái cấu trúc nợ khác nhau và được áp dụng ngày càng nhiều bởi các tổ chức phát hành.

Một số phương án phổ biến bao gồm gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới; Chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới; Chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản.

Đây là một dấu hiệu khá tích cực cho vấn đề thanh khoản hiện nay của thị trường bởi biện pháp này giúp giải quyết vấn đề áp lực dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn trước làn sóng yêu cầu tất toán trước hạn của trái chủ.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khả năng đảo nợ trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản khá thấp do nhà đầu tư nắm giữ chủ yếu là cá nhân đang bị hạn chế rất nhiều do niềm tin đang bị ảnh hưởng cũng như do các quy định chặt chẽ hơn của NĐ 65/2022 NĐ-CP và do các hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng. Mặt khác, dòng tiền từ hoạt động bán hàng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng và tín dụng thắt chặt. Do đó, một số rủi ro đáng chú ý về nợ xấu và tăng lãi suất của thị trường từ khả năng đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.

Mức lãi suất mới trong nhiều giao dịch gần đây cũng đã phản ánh xu hướng lãi suất tăng cao trong thời gian qua (dao động ở mức 12-13%, tức cao hơn 4-5% so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn).

Dù vậy, nhà đầu tư cũng nên lưu ý đến chất lượng tín dụng hay khả năng trả nợ của tổ chức phát hành, trong đó có những yếu tố rủi ro mới như khi trái chủ được chuyển đổi sang bất động sản tương ứng nhưng yếu tố pháp lý dự án vẫn còn chưa chắc chắn, theo Zing.

Một điểm sáng khác là nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc thực hiện huy động vốn vay quốc tế, bổ sung nguồn lực mới trong bối cảnh huy động trái phiếu trong nước ảm đạm.

Thống kê của FiinRatings cho thấy 10 giao dịch được công bố gần có giá trị gần 2 tỷ USD. Chẳng hạn, Masan Group huy động 600 triệu USD, VPBank là 500 triệu USD, SeABank đạt 200 triệu USD. Nhóm chứng khoán có Bản Việt và VNDirect được cấp tín chấp lần lượt 105 triệu và 75 triệu USD, hay những cái tên lớn khác như F88, VinFast, Novaland, Lộc Trời, Be Group.

Đơn vị xếp hạng trong nước tin rằng điều này cũng cho thấy niềm tin của các tổ chức tài chính nước ngoài vào sự tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam nếu như thông tin và hồ sơ tín dụng rõ ràng.

Hoạt động huy động vốn vẫn có thể diễn ra và mức độ rủi ro được phản ánh vào lãi suất. Các khoản vay ngoại tệ cũng đã góp phần giải quyết vấn đề áp lực đáo hạn nợ và nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement