08/07/2020 10:03
Điều chưa biết về 82 năm thăng trầm của Tập đoàn Samsung
82 năm với xuất phát điểm không phải là ngành chủ lực như hiện nay, Samsung đã từng bước vươn lên và là anh lớn trong kinh tế Hàn Quốc.
Những năm 1950, Hàn Quốc từng là một trong những đất nước nghèo nhất châu Á. Nhưng chỉ trong vòng vài thập kỷ, rất nhiều chaebol – tập đoàn gia đình đã tạo nên những thương hiệu hàng đầu và thậm chí còn là bộ mặt của cả nền kinh tế, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia giàu mạnh nhất thế giới.
Để đạt tới những thành tựu đó, không thể không nhắc đến BIG4: Samsung, Hyundai, SK và LG. Trong số đó, Samsung được coi là anh cả của các chaebol Hàn Quốc. Tập đoàn này có đóng góp lớn nhất vào cú lột xác ngoạn mục mang tên Kỳ tích sông Hán.
82 năm với xuất phát điểm không phải là ngành chủ lực như hiện nay, Samsung đã từng bước vươn lên, khẳng định thương hiệu và uy tín của mình.
Từ ông chủ cửa hàng cá khô
Tập đoàn Samsung (tiếng Hàn có nghĩa là “tam tinh”, 3 ngôi sao) – tập đoàn đa quốc gia khổng lồ của Hàn Quốc có tổng hành dinh được đặt tại khu phức hợp Samsung Town ở quận Seocho , thủ đô Seoul.
Tập đoàn Samsung hiện sở hữu rất nhiều công ty con, chuỗi hệ thống bán hàng cùng các văn phòng đại diện trên phạm vi toàn cầu, hầu hết đều đang hoạt động dưới tên thương hiệu Samsung.
Theo trang Thông tin Hàn Quốc, đây là tập đoàn tài phiệt đa ngành có quy mô và tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất tại Hàn Quốc nói riêng và đồng thời cũng là một trong những thương hiệu công nghệ đắt giá bậc nhất trên thế giới hiện nay.
Rất nhiều người từng nghe đến thương hiệu Samsung, hoặc sử dụng các sản phẩm điện tử gia dụng của Samsung. Nhưng ít ai biết rằng, tiền thân của Samsung vốn không phải là về lĩnh vực điện tử.
Với sự tan rã của Daewoo, Samsung hiện nay là tập đoàn có quy mô lớn nhất tại Hàn Quốc.
Lee Byung Chul là người sáng lập ra tập đoàn Samsung, một trong những người đi tiên phong có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc nói chung cũng như trong suốt quá trình phục hồi, vươn mình của nền kinh tế Hàn Quốc nói riêng.
Tuổi 20 của Lee Byung Chul là chuỗi ngày mất phương hướng. Một phần bởi bản thân ông sinh trưởng trong gia đình giàu có. Ông không định hình được mình thực sự thích gì, muốn làm gì. Mọi việc Byung Chul làm, ban đầu đều rất hào hứng nhưng rồi lại nhanh chóng bỏ ngang giữa chừng mà không mang lại kết quả gì. Việc học cũng vậy, 4 lần bỏ học liên tiếp khiến ông chẳng có tấm bằng trọn vẹn nào.
Lee Byung Chul không phải là một người học giỏi. Năm 12 tuổi, khi học Trung học, ông thường nằm trong thứ hạng 35-40 trong tổng số 50 học sinh của lớp. Trong hồi ký của Lee Byung Chul, ông nói: “Chỉ có toán học luôn đứng đầu lớp nên tôi rất tự tin”.
Năm 1934, Lee Byung Chul quyết định kinh doanh.
Vào thời điểm đó, những người nông dân mất đất đã biến thành những nông dân làm thuê và các cuộc đình công tại các nhà máy không ngừng diễn ra. Hơn một nửa gạo và ngũ cốc sản xuất tại bán đảo Triều Tiên đã được chuyển đến Nhật Bản.
“Một cá nhân có giàu đến mức nào đi chăng nữa, nếu toàn xã hội nghèo đói thì hạnh phúc của cá nhân đó không được đảm bảo. Việc làm cho xã hội cùng phát triển chính là kinh doanh…” (Trích trong tự truyện của Lee Byung Chul)
Lee Byung Chul đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi kinh doanh là gì. Trải qua các thời kỳ đen tối của lịch sử càng làm củng cố vững chắc niềm tin với Lee Byung Chul.
Một trong những điều mà Lee Byung Chul không ngừng tự hỏi mình: “Trước khi kiếm tiền, hãy tự hỏi tại sao chúng ta cần phải kiếm tiền”.
Mục đích của doanh nghiệp không thể trở thành một công ty để riêng bản thân mình sống tốt. Quốc gia và xã hội phải được đặt lên trước, sau đó mới là doanh nghiệp. Những cá nhân không đặt lợi ích của quốc gia, xã hội lên trước lợi ích doanh nghiệp thì không thể gọi là doanh nhân. Làm thế nào những người làm nghề cho vay nặng lãi, những người bán hàng rong, những người đầu cơ và những người kiếm tiền bằng hành vi lừa đảo lại có thể trở thành những doanh nhân?”
Nhiều người nhắc đến yếu tố vận may trong thành công của Lee Byung Chul. Nhưng rất khó để định hình hay giải thích rõ ràng về điều này. Có một điều chắc chắn mà bản thân Lee Byung Chul cũng thừa nhận, đó là: Ông thành công nhanh hơn người khác và cũng phá sản nhanh hơn bất cứ ai. Tuy nhiên, điều quan trọng là ông đã biết rút kinh nghiệm từ những lần vấp ngã và đứng dậy để làm lại từ đầu.
Lĩnh vực đầu tiên của Lee Byung Chul là nhà máy xay lúa. Ông đã cùng hai người quen thành lập (1936) tại thành phố Masan. Khu vực nông nghiệp ở Gyeongnam được tập trung tại đây nên việc kinh doanh rất tốt.
Vào thời điểm này, Lee Byung Chul và các cộng sự đã bắt tay vào thương vụ lúa mạch (giao dịch mua bán ngũ cốc ở một mức giá nhất định, ngày nay có thể gọi là cổ phiếu). Vận may không mỉm cười khi Lee Byung Chul đã mất hai phần ba số vốn trong năm đầu tiên. Tuy vậy, đến năm sau, Byung Chul đã khôi phục lại số vốn bỏ ra và kiếm được lợi nhuận. Khi công việc bắt đầu có tiến triển khả quan thì tình đồng nghiệp với những người đã hợp tác làm ăn lại chuyển biến xấu.
Cũng trong thời gian này, Lee Byung Chul bước đầu thành công trong ngành vận tải hàng hóa chở ngũ cốc của nhà máy xay bột. Ông mua lại công ty xe tải do người Nhật quản lý và đưa vào quỹ đạo.
Ở tầm tuổi của Lee Byung Chul khi ấy, đây được coi là hành động liều lĩnh, là bước đi táo tạo. Ông mượn tiền từ ngân hàng lương thực, tiền thân của Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, mua đất ở khu vực đồng bằng Gimhae và trở thành chủ sở hữu 2 triệu pyeong ở tuổi 27 (1937). Phần lớn tiền mua đất đều vay từ ngân hàng.
Chẳng có ai mãi mãi gặp vận may hay cũng không có ai cả đời sống trong sự đen đủi. Lee Byung Chul cũng không tránh khỏi quy luật đó. Mùa hè năm 1937, khi đang say men thành công, một thông báo giáng xuống như sét đánh ngang tai.
Nhật Bản đã công bố ngừng cho vay ngân hàng như một phần của biện pháp khẩn cấp. Đối với những người mua bất động sản bằng tiền của người khác, việc siết chặt quy chế cho vay không khác gì cú đánh chí mạng.
Giá đất giảm mạnh bất ngờ và không thể trả lại số tiền vay từ ngân hàng nên đã xảy ra một sự hỗn loạn.
Lee Byung Chul buộc lòng bán toàn bộ đất đai đang sở hữu với giá rẻ và sắp xếp lại công ty xe tải. Như Byung Chul từng nói, thì “Mọi thứ đã trở lại điểm xuất phát”. Cũng chính lúc này, ông nhận ra bài học “Công việc kinh doanh nhất định phải phù hợp với thời gian và tình hình”.
Sau cú ngã mang tên đầu tư đất đai, Lee Byung Chul sắp xếp dự án ở Masan, lên đường đi tham quan Busan, Bình Nhưỡng, Sinuiju, Wonsan, Heungnam, Trung Quốc, Bắc Kinh, Thượng Hải trong vòng hai tháng.
Chuyến đi này là dịp để ông lấy lại cân bằng sau cú sốc, đồng thời tìm kiếm một dự án mới.
Nửa năm sau đó, gần chợ Seomun ở Daegu đã treo một bảng hiệu có tên là Samsung. Đó là ngày 1/3/1938, ngày bắt đầu hình thành nên tập đoàn Samsung.
Thất bại đến với bất cứ ai nhưng không phải ai cũng có kết cục giống nhau, quan trọng là cách đối mặt và vượt qua vấn đề. Đối với Lee Byung Chul, thất bại trong kinh doanh vẫn đáng giá hơn nhiều so với việc lang thang vật vờ vô định như trước đó ông đã từng sống. Thất bại chỉ là một trở ngại và không phải là một bức tường không thể vượt qua được.
Sau này, Lee Byung Chul nhận định:
“Không thể có sự lãng phí trong bất kỳ thời khắc nào của cuộc sống. Giả sử người thất nghiệp đã dành thời gian đi câu cá trong 10 năm mà không làm gì cả. 10 năm đó có lãng phí hay không, điều đó phụ thuộc vào việc người đó làm gì sau 10 năm. Cho dù thời gian có trôi qua một cách vô ích thì cũng sẽ còn lại cái gì đó, tùy thuộc vào mỗi người. Vấn đề không phải là lãng phí thời gian mà là làm thế nào để chấp nhận nó và sống bằng trải nghiệm quý giá.”
Quay trở lại việc mở công ty vào năm 1938. Đây là một công ty buôn bán nhỏ với vỏn vẹn 40 công nhân nằm ở Su-dong (bây giờ là Ingyo-dong), số vốn đầu tư ban đầu là 30.000 KRW. Doanh nghiệp này buôn bán các mặt hàng tạp hóa và mì sợi do công ty sản xuất. Trong số các mặt hàng Samsung Sanghoe (Samsung Thương Hội) kinh doanh có cả cá khô xuất khẩu sang Mãn Châu và Bắc Kinh.
Công ty làm ăn phát đạt, nên Lee Byung Chul đã chuyển văn phòng công ty tới Seoul năm 1947.
Khi chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên nổ ra, Lee Byung Chul buộc phải rời Seoul và sau đó mở một nhà máy tinh chế đường ở Busan tên là Cheil Jedang. Đây là nhà máy sản xuất đường đầu tiên của Hàn Quốc và là nhà sản xuất đầu tiên của tập đoàn Samsung.
Khi chiến tranh kết thúc, ông sáng lập ra Cheil Mojik và xây dựng nhà máy ở Chimsan-dong, Daegu. Đó là nhà máy len sợi lớn nhất nước và công ty đã tiến thêm một bước để trở thành một công ty lớn.
Samsung đa dạng hóa trong nhiều lĩnh vực và Lee Byung Chul đã giúp Samsung trở thành công ty đi đầu trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán, bán lẻ.
Vào cuối những năm 1960, Samsung bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp điện tử, thành lập các công ty chuyên về lĩnh vực điện tử như Samsung Electronics Devices, Samsung Electro-Mechanics, Samsung Corning, Samsung Semiconductor & Telecommunication, chế tạo sản phẩm tại thành phố Suwon. Sản phẩm đầu tiên của công ty là TV đen trắng.
Steve Jobs và lời đề nghị giúp đỡ duy nhất dành cho Lee Byung Chul
Cuộc gặp gỡ bất ngờ gần 40 năm về trước giữa chàng thanh niên trẻ tuổi Steve Jobs và nhà sáng lập Samsung đã không mang lại sự hợp tác nào. Trái lại, những lời khuyên của Lee Byung Chul đã thúc đẩy Jobs xây dựng công ty trở thành đối thủ của Samsung bây giờ, công ty Apple.
Việc Steve Jobs nhận được sự giúp đỡ của một người Hàn Quốc là điều không nhiều người biết đến. Nhưng có một điều chắc chắn đó là chuyến thăm Lee Byung Chul vào năm 1983 của Steve Jobs đã làm thay đổi vị doanh nhân người Mỹ này.
Tháng 11/1983, Steve Jobs ghé thăm Lee Byung Chul, lúc này người sáng lập Samsung đã 74 tuổi. Vào thời điểm đó, Samsung đang dẫn đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn như phát triển 256KRAM đầu tiên trên thế giới, vì vậy Steve Jobs, người cần cung cấp chất bán dẫn, đã nhanh chóng tìm hiểu để hợp tác làm ăn.
Theo lời phó chủ tịch Lee Hyung Do của Samsung Electro-Mechanics, người hỗ trợ chủ tịch Lee Byung Chul, Steve Jobs đã xin lời khuyên kinh doanh từ Lee Byung Chul.
Khi ấy, Jobs chưa có Apple hùng mạnh như ngày nay, chưa có iPhone, mới chỉ là chàng trai 28 tuổi “sở hữu công nghệ xuất sắc và đầy tự tin”.
Theo đó, ba quy tắc kinh doanh mà Lee Byung Chul đã truyền đạt cho Jobs như sau: “Thứ nhất, kiểm tra xem công việc của mình đang làm có giúp gì cho nhân loại hay không; thứ hai, cần xem trọng nhân tài; và thứ ba, hãy xem trọng quan hệ cùng phát triển với các công ty khác”.
Sau câu nói này, Lee Byung Chul từ chối hợp tác với Steve Jobs, bởi mối bận tâm lớn nhất của chủ tịch Samsung lúc này là thúc đẩy hoạt động sản xuất chất bán dẫn – ngành mà Samsung vừa bước chân vào nhưng đã đặt mục tiêu trở thành số 1 thế giới. Khi ấy, bản thân Lee Byung Chul cũng khó có thể lường trước được ngành bán dẫn sẽ lớn mạnh như vậy trong vài năm sau.
Hàng chục năm sau đó, Jobs đã từ bỏ sự tự cao tự đại và điều hành Apple theo một phong cách khác với trước đây. Nhờ đó mà Apple phát triển thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Triết lý của Lee Byung Chul đã tan chảy, hòa quyện với phong cách quản lý của Jobs.
Cú hích chuyển mình mạnh mẽ sau khi Lee Byung Chul qua đời
Năm 1987, chủ tịch Lee Byung Chul qua đời, đây cũng là thời khắc lịch sử chứng kiến sự chuyển giao thế hệ, tạo nên cú nhảy vọt của Samsung, trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc.
2 tuần sau khi cha qua đời, Lee Kun Hee, con trai thứ 3 của Lee Byung Chul lên tiếp quản đế chế Samsung.
Nếu như Lee Kun Hee kế tục và phát triển Samsung thành một doanh nghiệp hàng đầu thế giới thì Lee Byung Chul chính là người đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ấy của Lee Kun Hee.
Nhận thấy không thể tiếp tục duy trì việc phát triển đa dạng hóa sản phẩm mà nguồn lợi thu về không như mong muốn, Lee Kun Hee đã thay đổi chiến lược.
Ông chuyển trọng tâm kinh doanh của Samsung từ một công ty sản xuất các sản phẩm đa dạng, giá trị thấp sang những sản phẩm có giá trị thặng dư cao hơn. Mục tiêu hướng đến là sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra sản phẩm cao cấp.
Trong vòng 10 năm, kể từ năm 1993 đến 2003, Lee Kun Hee đã đưa tập đoàn điện tử Samsung lên vị trí số một của Hàn Quốc và vươn tầm thế giới.
Tại sao Lee Kun Hee được kế vị?
Lee Kun Hee là con trai thứ ba của Lee Byun Chul, vậy tại sao ông lại được cha truyền lại vị trí chủ tịch tập đoàn mà không phải là các anh trai của mình? Đó là do cố chủ tịch Lee Byung Chul nhìn thấy tố chất lãnh đạo thiên bẩm ở cậu con trai thứ ba này.
Trong những năm 1990, tin rằng Samsung Group đã quá tập trung vào việc cho ra đời số lượng lớn các sản phẩm chất lượng kém và công ty chưa đủ sức cạnh tranh trên mặt chất lượng, Lee Kun Hee đã tìm cách thu hút tài năng từ trong và ngoài Hàn Quốc tới làm cho Samsung, tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, tăng cường tiếp thị hình ảnh mới, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý…
Nhờ Lee Kun Hee, Samsung Electronics trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới và là công ty sản xuất điện thoại di động lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau sau Nokia.
Do nhận thấy năng lực lãnh đạo xuất sắc của con trai, ông Lee Byung Chul đã phá bỏ truyền thống là để lại hoạt động làm ăn cho con cả và trao lại quyền lãnh đạo cho Lee Kun Hee, con thứ.
Mọi việc được thể hiện trong bản di chúc, được công bố sau khi Byung Chul qua đời. Đây là ngọn nguồn để thổi bùng lên những rạn nứt giữa anh em nhà họ Lee về sau trong trận chiến quyền lực, tiền tài chưa hồi kết.
Sự việc bắt đầu nóng lên từ tháng 2/2012, khi Lee Kun Hee bị anh trai và chị gái cáo buộc đã che giấu một phần cổ phiếu của tập đoàn Samsung do cha họ để lại dưới tên của những người khác. Lee Maeng Hee nói rằng sau khi cha chết vào năm 1987, Lee Kun Hee đã chiếm phần cổ phiếu này, và nghiễm nhiên tước đi tài sản đáng ra họ được hưởng.
Dựa vào đó, Lee Maeng Hee đã yêu cầu tòa án ra lệnh cho em trai trả lại ông 8.24 triệu cổ phiếu trong công ty bảo hiểm Samsung Life Insurance và một lượng lớn cổ phiếu trong Samsung Electronics , bên cạnh khoản tiền mặt trị giá 100 triệu KRW (89.000 USD). Tổng số tiền ông đòi lên tới 710 tỉ KRW (624 triệu USD).
Không chỉ Lee Maeng Hee, chị gái của Lee Kun Hee là Lee Sook Hee cũng quyết định đâm đơn kiện em trai, đòi số cổ phiếu trị giá 190 tỉ KRW (167 triệu USD) từ 2 công ty kể trên.
Lý lẽ của Sook Hee đưa ra đó là: tài sản do cha để lại phải được chia đều cho các anh chị em, chứ không thể “dấm dúi” cho một mình Lee Kun Hee hưởng. Tháng 1/2012, anh trai Lee Chang Hee cũng đòi quyền thừa kế từ Lee Kun Hee trị giá 100 tỉ KRW (88 triệu USD).
Trước cuộc chiến cam go này, Lee Kun Hee ra tuyên bố mọi thứ đã được giải quyết từ khi Lee Byung Chul còn sống, đến giờ ông sẽ không “nhả” ra một đồng nào hết.
“Thái tử” Lee Jae Yong sẽ nối dài kỳ tích kinh doanh?
Lee Kun Hee gặp nhiều vấn đề sức khỏe từ khoảng năm 2000, nên ông đã chuẩn bị từ lâu để nhường vị trí lãnh đạo cho Lee Jae Yong. Tuy tới nay chức danh vẫn là Phó chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Jae Yong được coi như đã kế nhiệm khi ông Kun Hee nằm viện từ năm 2014.
Lee Jae Yong là con trai duy nhất của ông Lee Kun Hee, hay còn biết đến với tên Jay Y. Jae Yong tốt nghiệp nhiều trường đại học danh giá, trong đó có Harvard, và được miêu tả là người chăm chỉ, biết lắng nghe, trầm lặng.
Thông thạo tiếng Nhật và tiếng Anh, quen biết rộng khắp châu Á và phương Tây, mục tiêu của ông là phát triển Samsung lên tầm quốc tế nhưng không đánh mất gốc rễ.
Từ khi làm việc ở tập đoàn, Jae Yong được dư luận biết đến rất nhiều, không phải là thành tựu kinh tế mà là những vụ bê bối, vào tù ra tội liên tục. Jae Yong có nhiều quyền lực, nhiều công trạng và nhiều mối quan hệ. Tuy nhiên cũng chính vì mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao của nhà nước mà lại vướng vòng lao lý.
Liệu rằng người con trai duy nhất của Lee Kun Hee có thể tiếp tục nối dài thành tích của tập đoàn trong tương lai như ông nội và cha mình đã làm, điều đó vẫn cần có thêm thời gian để minh chứng rõ ràng hơn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp