05/06/2023 14:14
Điện Biên ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ mắc bệnh than
Theo các bác sĩ, trường hợp trẻ nhỏ không tiếp xúc nguồn lây mà vẫn mắc bệnh than là hiếm gặp.
Ngày 5/6, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận trường hợp thứ 14 mắc bệnh than , bệnh nhân chỉ mới hơn 1 tuổi.
Theo đó, trường hợp mắc bệnh than thứ 14 được xác định là cháu Thào Thị Đ (SN 2021) có địa chỉ tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Trước đó bệnh nhân được ghi nhận có tình trạng sốt, nôn mửa, trên cánh tay trái xuất hiện nốt tím đen và ngứa.
Sau 1-2 ngày, nốt tím đen to lên và có mủ, gia đình đã đưa bệnh nhân đến nhà người quen tại huyện Tủa Chùa để bó thuốc, sau đó vẫn không đỡ. Sáng ngày 4/6, bệnh nhân Thào Thị Đ đã được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa để khám.
Chiều cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên và được chuẩn đoán viêm phổi, mắc bệnh than.
Theo lãnh đạo CDC tỉnh Điện Biên, trường hợp của bệnh nhân Thào Thị Đ là hiếm gặp vì bệnh nhân còn rất nhỏ. Trước đó, gia đình chỉ ăn thịt lợn và rau, không ăn thịt trâu bò, trong vùng không có trâu bò mắc bệnh nhiệt than và cũng không tiếp xúc với người có mầm bệnh than.
Trước đó, bệnh than trên gia súc đã xảy ra tại bản Pàng Dề A, xã Xá Nhè làm 1 con trâu và 2 con bò bị chết. Người dân không khai báo cho chính quyền địa phương mà tự giết mổ và bán sang các thôn, bản khác.
Bệnh than thể da có đặc tính là các vết loét trên da và do phơi nhiễm với các bào tử thông qua con đường chăm sóc động vật bị bệnh hoặc lông, da, sản phẩm thịt, xương của động vật bị nhiễm vi khuẩn. Thể bệnh này chiếm 95% các trường hợp bệnh than.
Khi mắc tổn thương thường gặp là ở đầu, cổ, các chi. Tổn thương ban đầu trên da có dạng sẩn ngứa, không đau, xuất hiện sau khi nhiễm bào tử 3-5 ngày. Trong vòng 24-36 giờ, chúng sẽ trở thành dạng bọng nước, bị hoại tử ở giữa, rồi khô đi để lại một vảy mục màu đen đặc trưng, kèm phù xung quanh với những bọng nước đỏ tím.
Sau khi tiếp xúc và sử dụng thịt gia súc bị nhiễm bệnh, trong các ngày từ 19 - 25/5, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa đã ghi nhận 3 ổ dịch (tại 2 xã Xá Nhè và Mường Báng), với 13 người mắc bệnh than thể da.
Bệnh than hiện vẫn là bệnh lưu hành trên đàn gia súc và trên người ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam bao gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang là những khu vực có địa hình đồi núi hiểm trở là một trong những trở ngại lớn trong việc tiếp cận thông tin liên lạc cũng như hạn chế các hoạt động giám sát và phòng chống dịch.
Mầm bệnh tồn tại bền vững và lâu dài trong môi trường như đất, nước dẫn đến nguy cơ tiếp tục lây lan cho đàn gia súc và từ đó làm tăng nguy cơ lây sang người.
Bệnh liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và vệ sinh giết mổ động vật. Tại khu vực ổ dịch, người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khả năng tiếp cận với truyền thông về các biện pháp phòng, bệnh còn hạn chế do các rào cản về địa lý, phong tục, tập quán, ngôn ngữ.
Về một số hoạt động trọng tâm thời gian tới, Bộ Y tế cho hay, tiếp tục chỉ đạo tỉnh Điện Biên và các tỉnh miền núi phía Bắc có ổ dịch than trước đây tăng cường công tác phòng chống dịch trong thời gian tới.
Tiếp tục theo dõi sức khoẻ các trường hợp tiếp xúc gần tại các ổ dịch bệnh than nêu trên.
Bệnh than là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do bào tử hoặc vi khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Bệnh lây nhiễm sang người thông qua vết thương hở ngoài da, hoặc nhiễm do ăn thịt động vật bị bệnh, hoặc hít phải bào tử vi khuẩn. Để phòng bệnh, người dân được khuyến cáo không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Người thường xuyên tiếp xúc vật nuôi bị ốm chết (không rõ nguyên nhân) nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay; tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc.
Sau khi tiếp xúc vật nuôi, mọi người phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước. Khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, cần đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa và thông báo với chính quyền địa phương để điều tra, xử lý ổ dịch.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp