Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dịch vụ vận tải hàng hóa hàng không tăng trưởng nhờ thương mại điện tử

Doanh nghiệp

19/07/2021 16:39

Khi dịch bệnh ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của ngành hàng không, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (Nội Bài Cargo, mã chứng khoán: NCT) tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng hàng phục vụ năm 2021 là 323.000 tấn, doanh thu 705 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 207 tỷ đồng.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Research and Markets, dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam chứng kiến tăng trưởng bởi nhiều yếu tố; trong đó, chủ yếu do nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khi kinh tế và thương mại thế giới bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19

Cụ thể, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không được thúc đẩy bởi sự gia tăng của thương mại điện tử từ cả hai nền tảng doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C). Các công ty thương mại điện tử lớn đang làm thay đổi, thậm chí thay thế các chuỗi cung ứng hậu cần truyền thống. 

Đơn cử đối với công nghiệp hỗ trợ, sau khi đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất trong nước như: điện tử, lắp ráp ô tô… phục hồi đã thúc đẩy lượng hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực điện tử và linh kiện. Đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng hóa phục vụ của Dịch vụ hàng hoá Nội Bài.

cdnmedia-baotintuc-vn_noi-bai-010621(1).jpg
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Cùng với đó, một yếu tố tăng trưởng sản lượng hàng phục vụ qua đường hàng không đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nhất là sau một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTAs) Việt Nam vừa ký kết trong thời gian qua. Mặt khác, hệ quả đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19 tại Trung Quốc khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng giữ nhà máy sản xuất tại Trung Quốc song đa dạng hóa bằng việc xây dựng thêm nhà máy tại nước khác như Việt Nam. Việc này tạo thêm động lực thu hút FDI vào Việt Nam. 

Trong khi phần lớn FDI đầu tư vào Việt Nam đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động xây dựng các nhà máy sản xuất sẽ giúp tăng lượng hàng hóa qua các cảng hàng không.

Mặc dù, tại thị trường miền Bắc, Dịch vụ hàng hóa Nội Bài chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ Công ty cổ phần Logistic hàng không (ALS) và Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV), tuy nhiên, là công ty con của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), doanh nghiệp này được hưởng lợi trực tiếp từ hệ sinh thái của Vietnam Airlines. 

Toàn bộ lượng hàng của Vietnam Airlines tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đều được chuyển cho Dịch vụ hàng hóa Nội Bài để phục vụ. Năm 2020, Vietnam Airlines đứng đầu trong các hãng hành không Việt Nam về thị phần vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế. 

Nửa đầu năm 2021, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà cho biết, doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của hãng, trong khi đó giai đoạn trước dịch COVID-19 chỉ chiếm 9%. Riêng tháng 6 vừa qua, doanh thu và sản lượng vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không qua Vietnam Airlines cao gấp nhiều so với hành khách. 

Ngoài ra, Dịch vụ hàng hóa Nội Bài tiếp tục vận chuyển hàng hoá cho 26 hãng hàng không trên thế giới; trong đó, có các hãng hàng không lớn trong khu vực và trên thế giới như: Asiana Airlines, Qatar Airways…

Để đáp ứng công suất và sản lượng vận chuyển, Dịch vụ hàng hoá Nội Bài đã thuê thêm nhà ga hàng hóa ACSV-CT2 giúp nâng tổng công suất phục vụ hàng hóa từ 400.000 tấn/năm lên 600.000 tấn/năm, cao nhất tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Đây là lợi thế lớn khi các đối thủ cạnh tranh, thu hút thêm khách hàng mới khi sản lượng đều đã tiệm cận công suất thiết kế.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) cũng cảnh báo rủi ro Dịch vụ hàng hóa Nội Bài có thể gặp phải; trong đó, có biến động gia thuê mặt bằng nhà ga hàng hoá. Khi toàn bộ nhà ga hàng hóa của Dịch vụ hàng hóa Nội Bài đều được thuê lại và 57,3% diện tích nhà ga được thuê từ đối thủ cạnh tranh ACSV.

Theo ghi nhận của FPTS, sau mỗi lần tái ký hợp đồng, giá thuê mặt bằng nhà ga hàng được đàm phán lại và tăng khoảng từ 2-3% do nhu cầu mặt bằng tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài ngày càng tăng cao. Điều này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn trong việc cắt giảm tăng chi phí vận hành. 

Thời gian tới, nhằm nâng cao năng lực phục vụ hàng hóa, Dịch vụ hàng hóa Nội Bài dự kiến đầu tư mới 36,7 tỷ đồng vào trang thiết bị và một số dự án công nghệ thông tin. Ngoài ra, tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phần mềm chuyển tiếp từ năm 2020 với giá trị 24,3 tỷ đồng, bao gồm các dự án đầu tư phần mềm khai thác hàng hóa, tài sản, bộ đàm kỹ thuật số và các thiết bị khác. Dự kiến, tổng mức đầu tư năm 2021 là 121 tỷ đồng.

Vừa qua, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, Dịch vụ hàng hoá Nội Bài tiếp tục duy trì mức cổ tức cao với 75%vốn điều lệ, tương đương hơn 196 tỷ đồng sẽ được chi trả cổ tức trong năm nay.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch 16/7, cổ phiếu NCT giao dịch ở mức 70.500 đồng, với hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) là 9,05.

TTXVN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement