14/08/2020 11:21
Dịch tả heo châu Phi vẫn còn, nhiều địa phương không mặn mà tái đàn
Nhiều địa phương vẫn không mặn mà với việc tái đàn, do nguy cơ dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại và nhiều khó khăn khác trong việc vay vốn.
Dịch tả heo châu Phi vẫn hoành hành
Ngày 12/8, UBND xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên phối hợp với các ngành chức năng tiến hành tiêu hủy 16 con heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi, với khối lượng trên 560 kg, báo VOV đưa tin.
Dịch tả heo châu Phi xuất hiện trở lại ở xã Mường Nhé tỉnh Điện Biên. (Ảnh minh họa). |
Trước đó, đàn heo 16 con của hộ gia đình ông Đào Hồng Ngọc, ở tổ dân cư số 2, xã Mường Nhé có biểu hiện ốm, chết. Ngày 7/8, gia đình ông Ngọc đã nhanh chóng báo cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng 1 (Hà Nội).
Đến ngày 10/8 kết quả cho thấy, các mẫu xét nghiệm đều dương tính với virus dịch tả heo Châu Phi. UBND xã Mường Nhé đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo bị mắc bệnh. Đồng thời, cấp hóa chất, vôi bội để tiến hành phun khử trùng tiêu độc chuồng trại tại hộ gia đình ông Ngọc và khu vực lân cận.
Nhiều địa phương không mặn tái đàn
Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tốc độ tái đàn heo vẫn là do dịch tả heo Châu Phi hiện rất phức tạp, chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị, trong khi chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ không áp dụng được triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đa phần người nông dân vẫn sợ dịch bệnh tái bùng phát.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi nhưng chậm công bố hết dịch. Đặc biệt, không ít địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy.
Ngoài ra, có nhiều địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại bởi dịch tả heo Châu Phi cho người dân nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất, cộng với thực trạng người chăn nuôi heo đang rất khó khăn khi tiếp cận chính sách về đất đai, tín dụng nên nhiều hộ muốn tái đàn nhưng lực bất tòng tâm vì không có vốn.
Hiện nhiều địa phương không mặn mà với các dự án đầu tư chăn nuôi heo do nguy cơ ô nhiễm mà lại không đem lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh, thành. Ảnh: Báo Nông nghiệp. |
Một nguyên nhân khác khiến việc tái đàn chăn nuôi heo gặp khó khăn theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng chia sẻ với Báo Nông Nghiệp, từ tháng 5 - 9/2019 là giai đoạn cao điểm của dịch bệnh tả heo Châu Phi, các cơ sở chăn nuôi heo không cho phối hoặc hạn chế phối giống, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020.
Từ tháng 10/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải đến cuối năm 2019 đầu năm 2020 mới tái đàn. Vì vậy, theo Cục Chăn nuôi, phải cuối quý 3, đầu quý 4/2020 mới cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Một nguyên nhân khác cũng đang là rào cản lớn đối với việc tái đàn heo là do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện đều ưu tiên giữ lại con giống phục vụ nhu cầu tái đàn nội bộ trong hệ thống của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, cho khách hàng sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vaccine nên khiến heo giống trên thị trường khan hiếm, giá cao, hiện lên tới 2,5 - 3 triệu đồng/con heo giống thương phẩm cai sữa khoảng 6,5 - 7kg.
(Tổng hợp).
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp