14/11/2017 03:30
Đề xuất thí điểm cán bộ làm việc ở nhà, tuần đến cơ quan 1-2 lần
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đã đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan.
Sáng 14/11, Quốc hội thảo luận tổ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Phát biểu tại tổ, ĐB Ngọ Duy Hiểu đã đưa ra nhận định, sau 5 năm áp dụng cơ chế đặc thù, có thể nguồn thu của TP.HCM tăng lên nhiều. Tuy nhiên vị ĐB này cũng đặt vấn đề làm thế nào để đảm bảo phát triển bền vững cho TP.HCM.
ĐB Hiểu cũng ủng hộ chủ trương tăng thu nhập cho cán bộ, đi kèm với đó nên cho TP.HCM quy định về tuyển dụng cán bộ, thu hút nhân tài, không nên thi tuyển cứng nhắc như hiện nay.
Vị ĐB đoàn Hà Nội này còn đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, không phải đến cơ quan, mỗi tuần chỉ cần đến cơ quan 1 -2 lần. Ông lập luận, có những công việc khi đến cơ quan làm chưa chắc hiệu quả cao hơn ở nhà. Trong khi đó, người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước…
Đồng tình với việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nhưng ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cân nhắc khi cơ chế đặc thù quá chú trọng vào tài chính, tăng thu để có vốn nhiều hơn. “Điều này là cần thiết, nhưng nếu quá chú trọng vào việc đó chưa chắc đã tạo được sự phát triển bền vững. Cần tăng đặc thù trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đầu tư, phải có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt ở đây”, ĐB Cường góp ý.
Vẫn theo ĐB Cường, TP. HCM có thể tăng thêm mức thu nhập cho đội ngũ cán bộ, nhưng đi kèm theo đó phải thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người, tuyển dụng người có năng lực, sàng lọc cán bộ yếu kém.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP.HCM tinh thần chung phải phù hợp với Hiến pháp. Có một số lĩnh vực phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ quyết thì sắp tới sẽ giao lại cho Thành phố thực hiện để đảm bảo nhanh, phù hợp hơn. Còn những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bô, ngành không phải Luật quy định mà thuộc Nghị định của Chính phủ thì sau Quốc hội có Nghị quyết trên Chính phủ sẽ có Nghị định để hướng dẫn tiếp tục phân cấp cho thành phố.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, TP.HCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất nước, tỷ lệ điều tiết về T.Ư cũng đứng đầu. Hiện nay, thành phố chỉ được để lại 18% tất cả các khoản thu, 82% đóng về T.Ư. Số khoản thu được để lại so với thời điểm trước năm 2017 đã bị giảm 5%.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để TP.HCM điều tiết dưới 20% thì sẽ phát triển chậm. “Thành phố là đầu tàu của cả nước, là động lực phát triển mà đi chậm thì cả các toa phía sau sẽ chậm theo. Việc quy định cơ chế đặc thù không chỉ riêng cho TP.HCM mà cho cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Advertisement
Advertisement