07/02/2018 17:43
Để xuất nhập khẩu đạt 500 tỉ USD, rau củ quả, dược liệu, thủy sản, gạo.. phải đạt trên 10 tỉ USD
Để xuất nhập khẩu đạt 500 tỉ USD thì cần vạch rõ mục tiêu để rau củ quả, dược liệu, thủy sản, gạo có quy mô đạt trên 10 tỉ USD.
Tại Hội nghị tham tán thương mại cũng như công tác thương vụ năm 2017 trong việc tìm kiếm những thị trường mới cho các sản phẩm tiềm năng của Việt Nam như tôm, xoài, vải, nhãn, thanh long, hàng dệt may... Thủ tướng đã nhắc nhở những yếu kém và hạn chế trong công tác thương vụ hiện nay.
Theo Thủ tướng, vẫn có tình trạng các tham tán chỉ lo việc nhà hơn việc nước, năng lực yếu, ngại khó ngại khổ, tâm lý ngồi. Để xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể tiến xa hơn, Thủ tướng yêu cầu các tham tán thương mại nhiệt tình và trách nhiệm hơn trong việc tìm kiếm thị trường.
Đề nghị Bộ Công Thương có biện pháp nghiêm, thuyên chuyển những tham tán không làm tròn trách nhiệm. Bởi ngoại giao kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm thị trường, cân bằng thương mại để hai bên cùng có lợi khi hội nhập là mục tiêu của Chính phủ.
Cho rằng tư tưởng ngồi chờ, thụ động còn phổ biến, Thủ tướng yêu cầu tham tán cần tập trung nhiệm vụ phục vụ doanh nghiệp, không thụ động, ngồi chờ doanh nghiệp đến nhờ mà cần chủ động tìm kiếm thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ những vướng mắc…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương đổi mới, chủ động trong công tác nhân sự, coi tham tán là nghề chuyên nghiệp. Chính phủ sẽ lắng nghe, có điều chỉnh để hoạt động thương vụ, tham tán hiệu quả hơn, song cần vượt qua tư duy nhiệm kỳ, e ngại khó khăn để có đóng góp tốt hơn cho kinh tế đất nước.
Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, Bộ Công thương đã xây dựng được 57 thương vụ và 7 chi nhánh thương vụ tại nước ngoài.
Đánh giá về hoạt động của các tham tán thương mại, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, hiện nay nhiều thương vụ đã cơ bản chủ động nghiên cứu, tìm kiếm thị trường, chính sách của nước sở tại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp Bộ đưa ra định hướng phát triển thị trường.
Cùng đó, các thương vụ cũng đã tích cực quảng bá các sự kiện xúc tiến thương mại lớn tại Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài, thông tin cho các doanh nghiệp trong nước về kế hoạch hội chợ, triển lãm tại nước sở tại.
Đặc biệt, hệ thống thương vụ đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa doanh nhân người Việt ở nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, hướng các doanh nhân người Việt ở nước ngoài tham gia đưa hàng của Việt Nam ra nước ngoài. Trong đó có việc đưa trực tiếp vào các kênh phân phối hoặc vào các khu chợ, cửa hàng của người Việt.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh vẫn có lúc hoạt động của thương vụ còn chưa bao quát hết, tính chủ động chưa cao, việc triển khai chuyên môn còn vướng mắc...
Do vậy, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2018 đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của toàn ngành Công thương. Trong đó, những nội dung mà tham tán thương mại, phụ trách thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần đặc biệt quan tâm như đổi mới công tác quản lý Nhà nước nhằm giải phóng tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng.
Mặt khác, tập trung phát triển kinh tế tư nhân nhằm tạo hiệu ứng linh hoạt và năng động. Tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Ngoài ra, cần chú trọng thị trường nội địa và quan tâm đến hội nhập theo hướng tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, thách thức.
Với việc phát huy hơn nữa tính chủ động, tham tán thương mại cần đặc biệt quan tâm đểxuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ở tất cả các thị trường, suy nghĩ, tìm tòi để kết nối cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước sở tại.
Ở những thị trường mà Việt Nam còn nhập siêu, phấn đấu để xuất khẩu của Việt Nam phải tăng nhanh hơn nhập khẩu; chú ý đến các rào cản, chính sách nước sở tại và thị trường có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu. Đặc biệt, tham tán thương mại cần nắm vững cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như luật chơi để không rơi vào thế bị động.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, tới đây tham tán thương mại Việt Nam sẽ còn nhận được nhiều đề nghị, giúp đỡ từ doanh nghiệp trong nước. Vì thế, cần đặc biệt quan tâm đến ý kiến và phản ứng của doanh nghiệp.
“Tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam còn lớn, vấn đề là phải biết cách làm. Công tác xúc tiến thương mại tới đây cần mục tiêu, trọng điểm rõ ràng. Ngoài ra, tham tán thương mại cần kết nối chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.
Advertisement
Advertisement