12/10/2023 15:20
Đề xuất đóng BHXH sau năm 2025 không được rút một lần
Chính phủ thống nhất báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án về hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, trong đó có đề xuất người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đại diện Chính phủ gửi Quốc hội tờ trình dự án Luật BHXH (sửa đổi), phục vụ kỳ họp thứ 6, khai mạc vào ngày 23/10 tới.
Qua đó, lần sửa đổi này đề xuất bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh), người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp; người lao động làm việc không trọn thời gian.
Theo tính toán của Chính phủ, dự kiến tổng số người được mở rộng tham gia BHXH khoảng 3 triệu người.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.
Đây cũng là mối quan tâm, thể hiện sự đồng tình của các đại biểu khi cho ý kiến tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nghị quyết 28 của Trung ương nêu rõ lộ trình giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu, để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm, theo TPO.
Việc giảm thời gian đóng góp phần tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia muộn, hoặc tham gia không liên tục, cũng có trường hợp làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn.
Liên quan đến việc rút BHXH một lần, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án:
Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Về bản chất, quy định này kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH13 cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu, hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu.
Tuy nhiên, sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung.
Đơn cử như, hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH, mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng.
Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt…
Trường hợp người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần thì sẽ mất đi cơ hội được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.
Theo đó, chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành.
Chính phủ nhận định, Phương án 1 có ưu điểm là dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần thời gian qua. Trong những năm đầu số người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều, nhưng từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh.
Trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia BHXH nhưng trong dài hạn thì tối ưu hơn. Do quy định này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia BHXH, nên sẽ dễ nhận được sự đồng thuận hơn của người lao động, theo VnEconomy.
Mặc dù vậy, nhược điểm của phương án là do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực, nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Đồng thời có thể tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực trong việc hưởng BHXH một lần.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp