Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đề xuất giảm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu

Chính sách - Hạ tầng

17/08/2023 14:47

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội…

Sáng 17/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đồng tình với phương án giảm thời gian đóng BHXH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lý giải, tình trạng rút BHXH một lần diễn ra vừa qua, do thời gian đóng quá dài, hiện đang ở mức 20 năm.

"Trong lúc khó khăn bởi đại dịch như vậy, giữa 20 năm sau với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt, vì thấy sau 20 năm dài quá", ông Huệ cho hay.

Theo Nghị quyết của Trung ương, thời gian đóng BHXH sẽ hướng đến 10 năm và có lộ trình, giai đoạn trung gian là 15 năm. Do vậy, theo ông Huệ, cơ quan soạn thảo có thể cụ thể thêm, ngoài đề xuất thời gian đóng 15 năm, nếu xác định thời điểm, lộ trình giảm xuống còn 10 năm nữa thì sẽ rất tốt.

Đề xuất giảm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến tỷ lệ đóng BHXH. So với mức hiện nay, theo ông, các nước trong khu vực có mức đóng thấp hơn nhiều.

Cụ thể, mức đóng hiện nay của chúng ta là 17% của doanh nghiệp, cộng với 25% người lao động, cộng các khoản khác như BHYT thì lên đến trên 32%.

Theo ông, mức đóng này rất cao, khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp khó hơn. "Doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng xuống 20%: Người lao động 5%, còn doanh nghiệp 15%. Phương án này dù rất khó, nhưng nên cân nhắc, có lộ trình giảm dần từng chút từng chút một", ông nói.

Về tình trạng trốn đóng BHXH bắt buộc, lâu nay có quy định hành vi chậm đóng, nhưng dự thảo lần này bỏ, theo ông, quy định như vậy là "rất nghiêm khắc". Ủng hộ xử lý nghiêm người trốn đóng, nhưng về chậm đóng, theo ông, nếu bỏ đi thì "chưa hợp lý", vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. "Cần khôi phục khái niệm chậm đóng, còn trốn đóng thì phải xử lý nghiêm", ông Công kiến nghị, theo TPO.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cũng cho rằng, việc sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm số năm đóng, từ 20 xuống 15 năm, sẽ tạo điều kiện để lao động hưởng lương hưu sớm hơn.

Tuy nhiên, để khuyến khích người 45 tuổi trở lên tham gia thì vẫn còn nhiều ý kiến. Với mức đóng 15 năm, lương hưu chỉ hưởng 33,75%, khiến người lao động băn khoăn. Ông đề xuất nên xem xét hỗ trợ đối tượng nghỉ hưu có thu nhập thấp không đảm bảo mức sống tối thiểu.

"Tổng Liên đoàn đề nghị có nhóm giải pháp đồng bộ hơn trong việc hỗ trợ người lao động đang gặp khó khăn trước mắt, như về tín dụng ưu đãi, phát triển thị trường lao động, dạy nghề…", ông Phan Văn Anh đề xuất phương án để giảm rút BHXH một lần.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nói, thời gian qua đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo. Các nội dung đã được lấy ý kiến rất sâu rộng, các tổ chức liên quan đến người lao động cũng như các tổ chức quốc tế cơ bản đồng tình.

Theo Bộ trưởng, cũng như việc điều chỉnh tuổi hưu trước đây, vấn đề rút BHXH 1 lần rất phức tạp, nhạy cảm. Vấn đề quan trọng đặt ra là cần hài hòa giữa vấn đề an sinh xã hội và giải quyết khó khăn trước mắt, không tạo ra sốc với người lao động.

Ông Dung cũng thông tin, có tới 75% người rút BHXH một lần ở khu vực phía nam, miền trung, đại đa phần là công nhân. Do vậy, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem phương án nào tối ưu nhất. Có thể ban hành chính sách khác để người lao động không phải rút BHXH một lần, ví dụ hỗ trợ về tín dụng. Bộ đã làm việc với ngân hàng, nhưng vẫn chưa đi đến tận cùng vấn đề.

Về lộ trình giảm thời gian đóng xuống 10 năm, theo ông, đây mong muốn nhưng rất khó thực hiện. Bởi nếu giảm xuống 10 năm thì mức lương hưu thấp quá. "Trước mắt, nhiệm kỳ này đưa xuống thời gian đóng 15 năm cho phù hợp", ông Dung nói.

Một trong những chính sách được Chính phủ đề xuất là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, trong đó quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của NSNN từng thời kỳ.

Chính phủ cho biết, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người.

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, còn 2 loại ý kiến khác nhau. Ý kiến tán thành cho rằng, quy định trên là phù hợp, nhằm hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng. Ý kiến ở chiều ngược lại đánh giá, quy định này chưa thực sự phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm là đóng - hưởng và bù đắp thu nhập.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội và một số ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia thẩm tra, góp ý đối với dự án Luật, nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ. Các cơ quan cho rằng, đây là một trong những giải pháp góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, theo VOV.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của chính sách này, nêu rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán. Chính phủ nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn…

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement