11/05/2018 18:10
Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021
Chiều 10/5, Trung ương Đảng đã thảo luận tập trung về đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) do Ban cán sự Đảng Chính phủ trình.
Nếu thực hiện từ 2021 thì những phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 sẽ xuất hiện từ năm 2025, thời điểm Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn dân số già.
Chiều 10/5, Trung ương Đảng đã thảo luận tập trung về đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) do Ban cán sự Đảng Chính phủ trình.
Phát biểu tại phiên thảo luận, các ý kiến tập trung phân tích những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đề ra, đặc biệt là thu hút, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, bảo đảm cân đối thu chi bền vững của quỹ.
Đồng tình tăng tuổi hưu
Việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu cho rằng, đây là là xu thế tất yếu trong bối cảnh nước ta hiện nay. Việc này nhằm hướng tới nhiều mục tiêu như đối phó với già hóa dân số, biến đổi của thị trường lao động, bảo đảm cân đối quỹ BHXH...
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, tuổi nghỉ hưu thực tế của Việt Nam hiện nay thấp nhất trong khu vực. Bình quân là 54,3 (nam là 55,6, nữ có 52,6 tuổi). Mức đóng BHXH bình quân là 22%, mức hưởng 70% trung bình.
Nhiều ý kiến đồng tình việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Việt Linh. |
Nam đóng bảo hiểm hiện nay bình quân là 28 năm và hưởng lương hưu là 22,5 năm, nữ đóng 23 năm hưởng 27 năm sau khi về hưu. Do đó, bài toán cân đối quỹ nếu tự thân nó thì rất khó khăn. Vì vậy, đề nghị Trung ương có quyết tâm chính trị rất lớn.
“Đây là thời cơ vàng để quyết định chủ trương này. Trước hết, về chọn thời điểm, trong tờ trình Trung ương xin cho phép bắt đầu điều chỉnh từ năm 2021. Những phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 sẽ xuất hiện từ năm 2025, thời điểm Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn dân số già”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất.
Đồng tình với quan điểm nâng tuổi hưu nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đề nghị cần phải nghiên cứu để xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với đối tượng.
“Cần tính đến các đối tượng do đặc thù nghề nghiệp, lao động độc hại, một số ngành nghề có thể do tính chất lao động thời gian làm việc, thời gian lao động rất sớm”, bà Hà nói.
Cân nhắc giảm thời gian đóng BHXH
Về BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng muốn phát triển được BHXH thì phải chú ý phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân.
Ông nói hiện nay Việt Nam còn 15,6 triệu số hộ kinh doanh cá thể, thời gian tới phải tập trung cao phát triển BHXH trong lực lượng này. Ngoài ra cần tăng sự hỗ trợ của Nhà nước cho người nghèo mua BHXH, hiện chỉ là 30%, trong khi Trung Quốc và Indonesia là 60%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nhằm hướng tới BHXH toàn dân cần tăng BHXH bắt buộc về đối tượng và quy mô. Bởi trong tổng số 53 triệu lao động hiện nay, mới chỉ có 13 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc, và chỉ có 200.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Trung ương cũng cần cân nhắc việc thay đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm tham gia BHXH xuống 10 năm như trong đề án.
“Đây là vấn đề hết sức thận trọng, sau này có 10 năm đóng bảo hiểm là đã nghỉ hưu rồi mà hiện nay là 20 năm. Đảng Đoàn Quốc hội chỉ đề nghị xuống 15 năm, mà 15 năm cũng là đột phá. Bây giờ xuống 10 năm thì tình hình quỹ của chúng ta như thế nào?
Đóng 10 năm nhưng hưởng hưu trí 22 năm, thậm chí tuổi thọ tăng hơn nữa thì cân đối quỹ như thế nào? Không nên giảm quá sâu mà cùng lắm 15 năm đã là tích cực rồi”, ông nói.
Hạn chế người hưởng BHXH một lần
Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng, điều đó làm mất đi ý nghĩa của việc đóng BHXH cũng như ảnh hưởng đến cân đối quỹ. Tỷ lệ này hiện nay là một người đóng thì một người rút.
Nếu áp dụng việc tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 thì những phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 sẽ xuất hiện từ năm 2025 . Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm có 628.000 người hưởng BHXH một lần. Tức là 2 người tham gia vào BHXH thì một người rút ra khỏi hệ thống. Điều đó làm mất đi ý nghĩa đóng BHXH được hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống của họ khi tuổi già, không trở thành gánh nặng cho xã hội.
Ông đề nghị nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận, để hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần.
Giải quyết tình trạng ‘2 sổ lương” như hiện nay
Việc trốn đóng, nợ đọng BHXH của người lao động cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tình trạng này diễn ra ở hầu hết tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế, kể cả doanh nghiệp Nhà nước.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất trình bảng lương của người lao động với cơ quan thuế cao hơn nhiều so với xuất trình sổ lương của người lao động với BHXH. Số nợ BHXH ước tính đến giữa năm 2017 là gần 15.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tăng mức phạt và có sự tham gia của cơ quan thuế. Cơ quan thuế có thể sẽ thực hiện đồng thời với thu thế và thu các khoản bảo hiểm bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, sẽ hạn chế tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH và tình trạng 2 sổ lương như hiện nay.
Advertisement
Advertisement