19/03/2018 07:41
Đế chế kinh doanh của tỷ phú Lý Gia Thành sẽ ra sao khi ông về hưu?
Tỷ phú Lý Gia Thành từ chức có thể coi như một thay đổi mang tính biểu tượng tại Hong Kong, nơi kinh tế chịu sự thống trị của nhiều tài phiệt.
Tỷ phú Lý Gia Thành, người giàu nhất Hong Kong, mới đây đã chính thức chuyển giao đế chế kinh doanh đa ngành từ bán lẻ, hạ tầng cho đến bất động sản, cho con trai lớn nhất của ông - Victor Li.
Theo Financial Times, vị tỷ phú 89 tuổi này đã xây dựng nên tập đoàn Cheung Kong từ những công việc kinh doanh ban đầu rất khiêm tốn. Khi mới bắt đầu kinh doanh vào thập niên 1950, công ty của ông Lý Gia Thành chỉ sản xuất các sản phẩm nhựa.
Đến hiện tại, tập đoàn Cheung Kong của ông đã sở hữu 52 cảng trên khắp thế giới, rất nhiều công ty năng lượng và công ty cung cấp dịch vụ công cộng, 3 mạng viễn thông di động và nhiều chuỗi bán lẻ bao gồm Superdrug và Watsons.
Tỷ phú Lý Gia Thành. Ảnh: CNBC |
Cực kỳ nổi tiếng ở Hong Kong với tài kinh doanh, trong ngày thứ Sáu vừa qua, tỷ phú Lý Gia Thành đã chính thức công bố ông sẽ về hưu, chấm dứt việc điều hành công ty CK Hutchison và công ty bất động sản CK Asset. Con trai 53 tuổi của ông - Victor Li - người đã theo ông học nghề nhiều năm, được lựa chọn để thay thế.
Kế hoạch tìm người kế vị đã được tính toán trước nhiều năm, việc ông Lý từ chức có thể coi như một thay đổi mang tính biểu tượng tại Hong Kong, nơi kinh tế bao nhiêu năm nay luôn chịu sự thống trị của rất nhiều nhà tài phiệt.
“Không ai có thể thay thể được ông Lý Gia Thành”, giáo sư ngành tài chính tại đại học Chinese University of Hong Kong - ông Joseph Fan - nhận xét. Ông nhấn mạnh sẽ còn cần thời gian để biết việc ông nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng thế nào đến công việc kinh doanh và giá trị của tập đoàn ông Lý.
Ông Lý hiện đang có tổng tài sản ước khoảng 34 tỷ USD, giữ vững ngôi vị người giàu nhất tại Hong Kong. Tuy nhiên, tài sản của ông thấp hơn nhiều tỷ phú Internet Trung Quốc khác như Jack Ma của Alibaba hay Pony Ma của tập đoàn Tencent với tổng tài sản lần lượt là 50 tỷ USD và 47 tỷ USD. Trước đây từng có nhiều năm ông Lý Gia Thành giữ vững vị trí người giàu nhất châu Á.
Ông Lý có một xuất phát điểm và nền tảng gia đình hết sức khiêm tốn. Ông bỏ học và sang Hong Kong từ năm 12 tuổi để chạy trốn chiến tranh ở quê hương. Sau đó, vào khoảng thập niên 1950, ông chính thức mở công ty nhựa, và ông đã thành công.
Đến khi ông 30 tuổi, công việc kinh doanh đã vô cùng thành công. Ở thời điểm đó ông đã có đủ tiền để có thể nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục con đường kinh doanh của mình, công ty của ông mở rộng sản xuất đồ chơi cho Hasbro.
Từ thập niên 1960, ông bắt đầu đầu tư lợi nhuận thu được từ ngành nhựa vào ngành bất động sản. Khi đó, đất đai ở Hong Kong còn rất rẻ.
Cú huých thứ 2 mang đến nhiều tài sản của ông diễn ra vào năm 1979 khi ngân hàng HSBC đồng ý bán cho ông cổ phần tại Hutchinson Whampoa, một tổ chức tài chính của Anh.
Trong các thập niên 1980 và 1990, ông Lý bắt đầu mở rộng hoạt động ra nước ngoài với tiền thu được từ bất động sản và hạ tầng ở Hong Kong, ông mua nhiều tài sản ngành năng lượng, viễn thông và nhiều lĩnh vực khác tại Anh, châu Âu và Bắc Mỹ.
Việc ông Lý sẵn sàng vươn ra phạm vi toàn cầu và việc ông tin tưởng các nhà điều hành ngoại, trong đó phải kể đến Canning Fok, Frank Sixt và Susan Chow khiến ông khác biệt hẳn so với nhiều nhà tài phiệt Hong Kong khác, những người thường chỉ quen làm những cái họ biết và không bao giờ tin người ngoài.
Trong hai thập kỷ qua, ông cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ thông qua việc mua cổ phần tại Horizons Venture, bộ phận đầu tư này mua cổ phần tại Facebook, Skype và Spotify.
Người kế vị công việc quản lý mà ông Lý Gia Thành giao lại, ông Victor Li, cũng lập doanh nghiệp riêng, với sự hỗ trợ của cha mình, giờ đây ông này đang điều hành tập đoàn viễn thông và truyền thông PCCW.
Ông Victor Li tốt nghiệp ngành kỹ thuật tại đại học Standford. Và cũng giống như nhiều người khác trong thế hệ thừa kế thứ 2, nhiều chuyên gia trong ngành kinh doanh nhận định ông sẽ gặp khó để vượt qua “cái bóng” của cha mình.
Giáo sư ngành tài chính tại đại học Chinese University of Hong Kong, ông Joseph Fan, khẳng định rằng việc tỷ phú Lý Gia Thành giảm bớt công việc kinh doanh tại Trung Quốc và mở rộng công việc kinh doanh sang các thị trường phát triển chính là để chuẩn bị cho sự tiếp nối của thế hệ sau.
Ông nhấn mạnh người kế vị tập đoàn, ông Victor Li thường kinh doanh tốt hơn ở thị trường các nước phát triển nơi mà công việc kinh doanh không chịu sự chi phối quá nhiều bởi các mối quan hệ và bản quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ hơn.
Còn về phía ông Lý, dù tuyên bố nghỉ hưu, nhưng nhiều khả năng ông cũng sẽ chẳng nghỉ ngơi. Ông muốn tập trung vào công việc từ thiện. Ông đã cam kết sẽ dành 1/3 tài sản của mình cho từ thiện.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp