Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Dấu ấn văn hóa Việt Nam trong các tác phẩm văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

Khám phá

25/11/2023 05:24

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc và phát huy được sức mạnh của văn hóa dân tộc truyền tải vào các tác phẩm văn chính luận như một vũ khí sắc bén và hữu hiệu nhất trong chiến đấu với kẻ thù...

Văn hóa là khái niệm được dùng rất phổ biến trong đời sống hàng ngày và là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Mỗi ngành khoa học có cách tiếp cận văn hóa khác nhau. Tính đa nghĩa của khái niệm văn hóa đã làm nên sự phong phú của số lượng các khái niệm này.

Định nghĩa về văn hóa của UNESCO (2002) nhấn mạnh: "Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và cảm xúc của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn hóa và nghệ thuật, cả cách sống phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin".

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn".

Trong "Từ điển danh nhân văn hóa thế giới" xuất bản tại Anh và Mỹ, lời nói đầu có nêu: Thế kỷ 20 có nhiều đảo lộn lớn trong lịch sử nhân loại. Ai làm đảo lộn, người đó xứng đáng là danh nhân văn hóa. 

Cuốn sách đã dành 2 trang 332-333 ghi rõ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. 

Người đã làm nên một cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản lật đổ đế chế La Mã cổ xưa. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ 20".

Dấu ấn văn hóa Việt Nam trong các tác phẩm văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh- Ảnh 1.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa thế kỷ 20.

Có quá nhiều điệu kỳ diệu ở sự thành công này, khi chúng ta cảm nhận được. Do hoàn cảnh địa lí – lịch sử đặc biệt, Việt Nam thường xuyên hứng chịu những cuộc chiến tranh xâm lược dai dẳng và tàn khốc của Trung Hoa, Mông Cổ, rồi Pháp, Mỹ. 

Người ta lấy làm ngạc nhiên rằng tại sao Việt Nam nhỏ bé đã không bị đồng hóa lại còn luôn chiến thắng; người ta còn đồn đại những huyền thoại về sức mạnh quân sự của Việt Nam. Trong ứng phó với môi trường xã hội, truyền thống Việt Nam là tránh đối đầu, tránh chiến tranh, ta đã biết rằng trong lịch sử văn chương và nghệ thuật hình khối Việt Nam, không có loại anh hùng ca ca ngợi chiến tranh, tác phẩm hội họa và điêu khắc về đề tài chiến tranh đầu rơi máu chảy. 

Người Việt Nam coi trọng học văn hơn học võ. Khi bất đắc dĩ phải chiến đấu để tự vệ, người Việt Nam chỉ mong giành lại cuộc sống bình yên, cho nên rất độ lượng và không hiếu thắng. Phải chăng nhà lãnh đạo Cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh đã tìm ra được những thứ vũ khí chiến đấu với kẻ thù thật đắc lực:

"Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong"

Như vậy, Hồ Chí Minh coi văn học là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như người chiến sĩ ngoài mặt trận. Chất "thép" được Bác nhắc đến trong bài "Cảm tưởng đọc Thiên gia thi" chính là tính chiến đấu của thơ ca và văn học nghệ thuật. 

Về sau, trong "Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951, Người lại khẳng định: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Điều đáng nói, chính người nghệ sĩ – Hồ Chí Minh đã sử dụng thứ vũ khí văn chương, đặc biệt là các tác phẩm văn chính luận thành công nhất. 

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, những tác phẩm văn chính luận mang tên Nguyễn Ái Quốc, cần nhắc đến tác phẩm văn chính luận tiêu biểu nhất "Bản án chế độ thực dân Pháp", xuất bản lần đầu tiên ở Pari, năm 1925, "Bản tuyên ngôn độc lập", "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" (1946), "Không có gì quý hơn độc lập tự do" (1966), "Di chúc" (Công bố năm 1969),…

Đi tìm dấu ấn văn hóa Việt Nam trong các sáng tác văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, cần khẳng định suốt cuộc đời bôn ba năm châu bốn biển, Người vẫn giữ trọn được những giá trị truyền thống của dân tộc: Tính cộng đồng (đi xa mà vẫn giữ nguyên tình cảm quê hương, gia tộc, vẫn không quên giọng xứ Nghệ, trở về Kim Liên sau hơn nửa thế kỉ vẫn nhận ra người bạn cùng câu cá thuở ấu thơ); lối sống hài hòa, trọng tình, trọng nghĩa, kính già, mếm trẻ, quý trọng phụ nữ, chung thủy với bạn bè, chan hòa với thiên nhiên, năng khiếu thơ ca….

Trong lĩnh vực văn hóa (bao gồm trong đó đạo đức, tư tưởng, lối sống, khoa học, giáo dục, văn học, nghệ thuật, thông tin đại chúng), điều quan trọng chi phối là hệ giá trị tinh thần của dân tộc mà Hồ Chủ tịch nói là "cốt cách dân tộc". 

Đó là lòng "yêu nước, thương nòi", biết đoàn kết, biết xả thân", "lá lành đùm lá rách", biết nhân nghĩa, biết làm việc thiện… Đó là nhân sinh quan, là triết lý sống nhân văn, là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chủ nghĩa.

Viện sĩ M. Khrapchenkô đã viết: "Đặc điểm trong lịch sử nghệ thuật của các dân tộc nảy sinh những giá trị tinh thần và thẩm mỹ, nó mang dấu ấn sâu sắc của bản sắc dân tộc". Nhà văn thế kỷ Tr. Ai ma tốp: "Xét về bản chất của mình, người nghệ sĩ là một hiện tượng dân tộc". 

Như vậy, nhà văn không phải là ngẫu nhiên mà là tất yếu lịch sử, một hiện tượng nảy sinh từ sản phẩm tinh thần của dân tộc, từ yêu cầu của dân tộc để nhìn nhận cuộc sống thể hiện trong nghệ thuật. Thời đại đã sản sinh ra người anh hùng dân tộc vĩ đại Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc và phát huy được sức mạnh của văn hóa dân tộc truyền tải vào các tác phẩm văn chính luận như một vũ khí sắc bén và hữu hiệu nhất trong chiến đấu với kẻ thù. 

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã phơi bày được bản chất tàn độc, dã man của bọn cướp nước trong tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp": "Người lính kể: "Ngay bên dưới một người An Nam bị dội nước sôi bỏng từ đầu đến chân, phát điên lên muốn nhảy xuống biển. Người anh của anh ta quên cả nguy hiểm bỏ chèo, ôm lấy anh ta, bắt anh ta nằm xuống lòng thuyền… 

Cuộc vận lộn chớp nhoáng vừa chấm dứt thì một thùng nước sôi khác do một bàn tay thành thạo lại dội xuống. Thế là đến lượt chính người đi cứu người bị luộc chín. Tôi trông thấy anh ta giãy giụa trong thuyền, bị lột da ra, tròi thịt đỏ rói, gào rống lên như một con vật". 

Dấu ấn văn hóa Việt Nam trong các tác phẩm văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh- Ảnh 2.

“Bản án chế độ Thực dân Pháp” (Le Procès de la Colonisation Francaise) lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

"Tuyên ngôn độc lập" là bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp, chúng cướp nước ta và bán nước ta hai lần cho Nhật. Áp bức đồng bào ta ở tất cả các lĩnh vực, bắt nhân dân ta nhổ lúa, trồng đay, cướp ruộng đất, tắm máu các cuộc khởi nghĩa của ta, xây nhà tù nhiều hơn trường học, khuyến khích dân ta dùng thuốc phiện, đặt ra hàng trăm thú thuế vô lí. Hậu quả, làm hơn hai triệu đồng bào ta bị chêt đói.

Tinh thần yêu nước quả thật là một truyền thống quý báu của dân tộc. Tinh thần ấy được thổi bùng lên trước sự tàn ác, dã man, không có tính người của kẻ thù. Nó có sức mạnh ghê gớm lấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước. 

Trong "Bản tuyên ngôn độc lập", Bác tuyên bố hùng hồn: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". 

Trong "Tuyên ngôn độc lập", tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức sâu sắc về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia dân tộc. Đó là sự tiếp nối dòng chảy của ý thức mãnh liệt về Tổ quốc, về núi sông bờ cõi, về chủ quyền quốc gia dân tộc được viết lên từ bài thơ thần "Nam quốc sơn hà" tương truyền của Lý Thường Kiệt đến áng "thiên cổ hùng văn" Bình Ngô Đại cáo" của Nguyễn Trãi. 

Triết lý nhân sinh của Người là sự gắn kết giữa chủ nghĩa nhân đạo cao cả với tư tưởng nhân văn sâu sắc. Cội nguồn của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam kết hợp với truyền thống nhân ái của nhân loại. Nội dung cốt lõi của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là lòng thương yêu, quý trọng con người gắn với lòng yêu nước, yêu dân nồng nàn. 

Mục tiêu cao cả của chủ nghĩa nhân đạo và tư tưởng nhân văn ấy là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Thực hiện lời nguyện thề thiêng liêng trong "Tuyên ngôn độc lập": "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do và độc lập", trước hành động xâm lược của thực dân Pháp "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Bác như là một áng thiên cổ hùng văn trong thời đại mới, có giá trị lịch sử như một Cương lĩnh kháng chiến. 

"Lời kêu gọi" chứa đựng những quan điểm cơ bản về đường lối chiến tranh nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!". 

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh thể hiện trong "Di chúc" là chủ nghĩa nhân văn cách mạng sáng ngời lý tưởng cộng sản. Là tình cảm dạt dào, to lớn, mà suốt cuộc đời Người chỉ cống hiến, phấn đấu hết mình cho tình yêu thương đó. Đến lúc ra đi, Người xin gửi lại muôn vàn tình yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên nhi đồng. 

Và Người khẳng định: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Dấu ấn văn hóa Việt Nam trong các tác phẩm văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh- Ảnh 3.

Bản Tuyên ngôn Độc lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945, được Việt Nam Thông tấn xã phát đi toàn thế giới bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp vào ngày 15/9/1945.

Dưới con mắt của một nhà chính trị thiên tài Hồ Chí Minh, cách mạng đã nhìn thấu suốt tình hình xã hội lúc bấy giờ. Bọn đế quốc thực dân vẫn áp dụng chính sách "chia để trị" ở Bắc, Trung, Nam với những chế độ, luật pháp khác nhau để gây sự ác cảm, hận thù, khinh khi lẫn nhau. Chúng chia rẽ các giai cấp và các tầng lớp xã hội, chia rẽ người Kinh và người Thượng, giữa các dân tộc thiểu số với nhau... 

Hồ Chí Minh đã có đối sách đề ra chủ trương. Người nhận thấy ngoài tinh thần yêu nước là sản phẩm của ý thức quốc gia có nguồn gốc từ tính tự trị làng xã, lí do chủ yếu nằm ở hai trong số những đặc trưng cơ bản của truyền thống văn hóa – đó là tính tổng hợp và tính linh hoạt. 

Tính tổng hợp trong văn hóa ứng phó với môi trường xã hội trước hết thể hiện ở truyền thống đoàn kết toàn dân. Nói như Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: "Từ thời đại các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, đặc điểm quý báu nhất của khối đại đoàn kết dân tộc của chúng ta là lan tỏa khắp non sông mà quy về một mối, dựa trên một nền, xoay quanh một trục". 

Sức mạnh đoàn kết ấy đã động viên, cổ vũ tất cả mọi người tạo thành một sức mạnh cực kỳ vĩ đại, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, đặc biệt là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sừng sỏ. Nguồn gốc của tinh hần đoàn kết xuất phát từ văn hóa của người Việt Nam. Lối sống trọng tình và cách cư xử dân chủ dẫn đến tâm lý coi trọng cộng đồng, tập thể. Người nông dân làm gì cũng phải có tính tập thể, luôn có tập thể đứng sau. 

Cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên, người nông dân phải liên kết với nhau, phải dựa vào nhau mà sống. Cho nên nét đặc trưng số 1 của làng xã Việt Nam là tính cộng đồng. Sức mạnh của gia đình thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương yêu nhau. Người Việt Nam liên kết chặt chẽ với nhau tới mức "Bán anh em xa, mua láng giềng gần".

Để huy động sức mạnh, tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc". 

Lời hiệu triệu của Người là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, đất nước, thôi thúc cả dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới. "Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp" (Tuyên ngôn độc lập). 

"Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tình thương yêu và những lời căn dặn tâm huyết Người để lại cho nhân dân ta, cho Đảng và bạn bè gần xa, thể hiện cháy bỏng một tình yêu lớn và tinh thần trách nhiệm cao với đồng chí, đồng bào toàn dân tộc, với cách mạng Việt Nam và với cách mạng thế giới.

Người nhấn mạnh: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta". Và "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập".

"Tuyên ngôn độc lập" vẫn nêu cao tinh thần nhân ái, khoan dung của dân tộc Việt Nam, giương cao ngọn cờ chính nghĩa và chính sách đúng đắn của Mặt trận Việt Minh: "Đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ".

Theo Hồ Chí Minh, cách ứng xử khoan dung đó "cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh". Người đã nâng truyền thống nhân nghĩa, khoan dung của dân tộc lên tầm cao mới bằng cách kết hợp với chủ nghĩa nhân văn cộng sản. Cách ứng xử đó thể hiện tầm nhìn chiến lược, tầm cao văn hóa, tinh thần đối thoại, hòa giải mà nhân loại tiến bộ ngày nay đang phấn đấu vươn tới. 

Hòa bình là khát vọng mà cả nhân loại tiến bộ phấn đấu và hướng tới. Những dân tộc càng trải qua nhiều chiến tranh, chịu đựng nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra lại càng nhận thức được giá trị của hòa bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới. Ở Người kết tinh những tinh hoa văn hóa Việt Nam và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Người là hiện thân sinh động nhất, hiện thân của một cuộc đời trong như ánh sáng. 

Người đã từng đặt chân lên đất nước của các nước Ây Mỹ, đã từng mắt thấy tai nghe ở chốn xa hoa, lỗng lẫy, nhưng Người vẫn là Người – giữ nguyên cốt cách phong thái của người Việt Nam, một chiến sĩ cách mạng, một lãnh tụ - một người toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, tự nguyện làm người công bộc của nhân dân. 

Người trân trọng tất cả những giá trị của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt khơi dậy được sức mạnh truyền thống văn hóa của dân tộc bằng ngòi bút chính luận sắc bén.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật 2011.

2/ Lê Ngọc Trà, Văn hóa Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận, NXB Giáo dục 2001.

3/ Nguyễn Tiến Hữu, Hồ Chí Minh hồn dân tộc, NXB Trẻ 2001.

4/ Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục 2012.

5/ Thanh Lê, Bác Hồ & Truyền thống văn hóa dân tộc 2001.

6/ Trung tâm nghiên cứu quốc học, Bản sắc dân tộc trong văn hóa văn nghệ, NXB Văn học 2002.

* Tác giả là giáo viên Trường THPT Tạ Quang Bửu.


ĐỖ THỊ TUẤN - HUỲNH KIM THƠ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement