Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp: Tiền ở đâu ra?

Chứng khoán

05/11/2022 12:41

Sau 9 tháng, tài chính – ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm 57,7% tổng giá trị. Nhóm ngành bất động sản chiếm 21,5% tổng giá trị phát hành. Những cái tên đứng đầu gồm có BIDV, Vingroup, Novagroup, OCB, ACB...
news

Bức tranh trái phiếu doanh nghiệp 9 tháng 2022

Theo VNDIRECT, tổng giá trị TPDN phát hành trong quý 3/2022 đạt mức 60.635 tỷ đồng, giảm mạnh 50,5% so với quý trước, giảm mạnh 70,9% so với cùng kỳ. Tỷ lệ phát hành thành công đạt 98,9%. Trong đó, tỷ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ và công chúng lần lượt là 97,4% và 2,6%.

Trong quý 3, có 42 doanh nghiệp (DN) phát hành tổng cộng 59.032 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, giảm mạnh 51,7% so với quý trước, và giảm 71,1% so với cùng kỳ. Các DN có giá trị phát hành (GTPH) trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý đều là các ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 6.867 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với 6.600 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) với 4.210 tỷ đồng.

Trong khi đó, GTPH TPDN ra công chúng chỉ có 1.603 tỷ đồng, tăng 434,4% so với quý trước cũng như so với mức nền thấp năm ngoái, chủ yếu cũng tập trung ở nhóm các ngân hàng TMCP.

Trong quý 3, tài chính – ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 82,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 48.683 tỷ đồng (giảm 39,5% so với quý trước, giảm 37,9% so với cùng kỳ). Ngoài 3 ngân hàng có giá trị phát hành lớn nhất kể trên, các tổ chức tài chính khác có giá trị phát hành lớn nhất bao gồm Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 3.800 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) với 3.694 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) với 3.630 tỷ đồng.

Bất động sản chiếm tỷ trọng 13,7% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 8.091 tỷ đồng (giảm mạnh 45,9% so với quý 2/2022, giảm 90,9% so với cùng kỳ). Các DN bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ nhiều nhất trong quý gồm Công ty TNHH No Va Thảo Điền (2.300 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (2.285,6 tỷ đồng) và CTCP Fuji Nutri Food (1.000 tỷ đồng).

Tập đoàn đa ngành chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về giá trị phát hành riêng lẻ với khoản 1.500 tỷ đồng (giảm 89,5% so với quý 2/2022), chỉ có CTCP Tập đoàn Masan phát hành trong quý này.

Các ngành khác chiếm 1,3% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 758 tỷ đồng (giảm 94,0% so với quý trước), trong đó CTCP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast phát hành 300 tỷ đồng với kì hạn 3 năm và Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo phát hành 290 tỷ đồng với kì hạn 5 năm.

Thị trường TPDN giảm sâu trong 9 tháng đầu năm 2022. Ngay từ thời điểm tháng 03/2022, thị trường TPDN chậm lại nhằm chờ đợi Nghị định sửa đổi 153/NĐ-CP/2020, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn.

Trong bối cảnh đó, tổng giá trị phát hành TPDN trong 9 tháng 2022 giảm mạnh 43,5% so với cùng kỳ xuống còn 248.603 tỷ đồng, trong đó là 240.804 tỷ đồng phát hành riêng lẻ ( giảm 42,2% so với củng kỳ) và 7.799 tỷ đồng phát hành ra công chúng ( giảm 66,8% so với cùng kỳ).

Trong đó tài chính – ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về GTPH trong 9 tháng 2022, chiếm 57,7% tổng GTPH, giảm 15,2% so với cùng kỳ. Nhóm ngành bất động sản chiếm 21,5% tổng GTPH, giảm mạnh 67,0% so với cùng kỳ. Nhóm tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành Khác chiếm lần lượt 6,3% và 14,5% tổng GTPH trong 9 tháng 2022, tăng 94,9% và giảm 64,2% so với cùng kỳ.

Trong 9 tháng 2022, top 5 các DN phát hành trái phiếu nhiều nhất gồm có 3 ngân hàng và 2 tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán, bao gồm BIDV với giá trị 19.872 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup và các công ty con với 16.569 tỷ đồng, Tập đoàn Địa ốc Nova và các công ty con với 15.157 tỷ đồng, OCB với 12.300 tỷ đồng, ACB với 10.450 tỷ đồng.

Đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp: Tiền ở đâu ra? - Ảnh 2.

Bất động sản tiếp tục là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 34,1% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong quý 4/2022.

Tiền đâu đáo hạn trái phiếu?

Theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDIRECT, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 4 này đạt mức 58.840 tỷ đồng, tăng 87,7% so với cùng kỳ.

Trong đó, bất động sản tiếp tục là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 34,1% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 20.071 tỷ đồng (tăng 65,2% so với cùng kỳ). Các doanh nghiệp có giá trị đáo hạn cao nhất gồm Tập đoàn Novaland 3.000 tỷ đồng, Công ty CP Bách Hưng Vương gần 3.000 tỷ đồng...

Tài chính – ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 32,9% tổng giá trị đáo hạn trong quý 4/2022, tương đương 19.365 tỷ đồng (tăng 130,1% so với cùng kỳ).

Các ngân hàng có lượng trái phiếu đáo hạn lớn nhất là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 4.500 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với 3.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 1.950 tỷ đồng...

Các ngành khác chiếm 33,0% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 4/22, đạt 19.404 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ).

Các doanh nghiệp ngoài nhóm bất động sản và tài chính - ngân hàng có giá trị đáo hạn cao nhất gồm Công ty CP TNHH Sản xuất và Kinh Doanh Vinfast với 9.010 tỷ đồng, Công ty CP Wealth Power với 2.880 tỷ đồng và Công ty CP Tập đoàn Sovico với 2.100 tỷ đồng.

VNDIRECT nhận định, sự kiện điều tra và khởi tố một số lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến những sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây đã thể hiện những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch thị trường vốn. Nghị định 65/2022/NĐ-CP bổ sung sửa đổi cho Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ chính thức được ban hành cũng là một điểm tích cực đối thị trường vốn trong dài hạn.

Từ đầu năm đến nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị "siết" lại bởi hệ thống pháp lý thay đổi, quy định có tính chặt chẽ, minh bạch hơn. Đồng thời, "van" tín dụng đang được kiểm soát lại, doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định, rủi ro vỡ nợ nhóm bất động sản sẽ rất lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp chưa niêm yết.

Dữ liệu FiinGroup và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy giá trị đáo hạn của trái phiếu bất động sản vào cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp chưa niêm yết chiếm phần lớn (84% tổng giá trị).

Chưa kể, áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong giai đoạn 2023 - 2024, do đó việc đảm bảo nguồn vốn đảo nợ sẽ trở thành vấn đề cấp thiết. Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản "chạy đôn chạy đáo" gom tiền. Đây cũng là một phần lý do của tình trạng chủ đầu tư đưa ra mức chiết khấu khủng (40 - 50%) để hút tiền mặt từ khách hàng, hay cắt giảm nhân sự, thu hẹp lĩnh vực kinh doanh nhằm giảm chi phí. 

Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tín dụng và trái phiếu bị siết, thị trường ảm đạm, bài toán đáo hạn trái phiếu thực sự là vấn đề hóc búa đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

Nhà đầu tư đối diện rủi ro gì?

TPDN thực chất là một khoản vay nợ của doanh nghiệp theo nguyên tắc tự vay, tự trả. Rủi ro của người đầu tư vào TPDN chính là khả năng trả nợ của doanh nghiệp đó. Khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính, tài sản bảo đảm của doanh nghiệp... 

Rất nhiều trường hợp số tiền thu được từ TPDN sử dụng không đúng mục đích, vì vậy người mua cần tìm hiểu kỹ những thông tin về doanh nghiệp và cân nhắc rủi ro trước khi quyết định, không nghe theo những thông tin giới thiệu hấp dẫn từ các nhân viên môi giới trái phiếu.

Bộ Tài chính khuyến nghị đối với nhà đầu tư, cần phân biệt rõ phương thức phát hành TPDN ra công chúng và phát hành TPDN riêng lẻ. 

Đối với TPDN phát hành ra công chúng, doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin cho tất cả công chúng đầu tư, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng.  

Theo nghị định mới từ ngày 1/1/2023 khi chào bán trái phiếu phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với những đợt phát hành có giá trị lớn; trái phiếu sau khi phát hành được niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho đối tượng mua trái phiếu; đồng thời công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mà không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. 

Nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý việc mua TPDN khác với gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Theo thông lệ, TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro. Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) cũng đã quy định TPDN riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp: Tiền ở đâu ra? - Ảnh 4.

Nhà đầu tư cá nhân cần thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia tài chính, nhà đầu tư cần lưu ý lãi suất cao đi kèm với rủi ro lớn. Vì vậy, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá được các rủi ro thì nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua TPDN riêng lẻ. 

Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm của trái phiếu và những rủi ro có thể xảy ra. Nhà đầu tư cũng phải hết sức thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán…) do có rủi ro là các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết mua lại do phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật, hoặc không mua lại được do có khó khăn về tài chính.

Vì thế, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu/tổ chức bảo lãnh, phân phối TPDN cung cấp đầy đủ thông tin bao gồm: Trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; có tài sản bảo đảm hay không; cam kết của doanh nghiệp phát hành, tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu; kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. 

Để tham gia thị trường TPDN, các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư cần trang bị kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, hiểu biết và tuân thủ quy định của pháp luật; trên cơ sở đó góp phần xây dựng và phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững.

TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ trên báo Quân đội Nhân dân: Nhà đầu tư TPDN phải có kiến thức tài chính, nếu chỉ tìm kiếm qua lợi nhuận phát hành hấp dẫn thì không nên đầu tư. 

Bên cạnh đó, đối với các nhà đầu tư cá nhân thì cần có các chuyên gia tài chính và chuyên gia pháp lý tư vấn cho họ vì TPDN thường được ràng buộc bởi rất nhiều điều kiện mà người dân khó nắm hết được, như các điều khoản đi kèm, tuân thủ các chỉ tiêu về tài chính, cách tính lãi suất, bảo lãnh thanh toán… 

Để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư nên tìm đến các TPDN được những ngân hàng uy tín bảo lãnh phân phối, trong đó đặc biệt lưu ý đến bảo lãnh thanh toán. Ngoài ra, nhà đầu tư nên tham khảo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về loại TPDN mà mình dự kiến đầu tư.

"Vừa qua, một số doanh nghiệp chứng khoán đã vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và bị xử lý hình sự, song việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc. Theo đó, các công ty phát hành đều cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Bộ Tài chính sẽ tích cực giám sát để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư".

Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

HÀ MY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement