23/05/2020 14:10
Danh sách tỉ phú USD của Việt Nam gồm những ai?
Bảng cập nhật tỉ phú thế giới theo thời gian thực của Forbes cho thấy, đến sáng 23/5, Việt Nam có thêm ông Trần Đình Long và ông Nguyễn Đăng Quang.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (Mã: MSN) cùng quay lại danh sách người giàu nhất thế giới. Như vậy, theo thống kê của Forbes, hiện Việt Nam đang có 6 tỉ phú USD.
Đây là tỉ phú đã có tên trong trong danh sách tỉ phú thế giới trước đây, nhưng sau đó tài sản ròng giảm xuống dưới 1 tỉ USD và rớt khỏi danh sách. Cụ thế như sau:
1. Phạm Nhật Vượng: 6 tỷ USD, xếp hạng 286
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng trị giá 6 tỉ USD. Tài sản của ông giảm 100 triệu USD, tương đương 1,63% trong phiên cuối tuần 22/5.
Ông Vượng được Forbes lần đầu công nhận tỷ phú vào năm 2013 với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Kể từ đó, ông liên tiếp có mặt trong danh sách của Forbes và dẫn đầu danh sách tỷ phú của Việt Nam.
Mới đây, tập đoàn Vingroup (mã: VIC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu tiên của năm 2020, với doanh thu thuần đạt 15.368 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ, chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ. Nếu loại doanh thu lĩnh vực bán lẻ trong quý I/2019 để so sánh tương đương, doanh thu quý I/2020 tăng 4% cùng kỳ.
Tại ngày 31/3, tổng tài sản Vingroup đạt 413.613 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 122.112 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,4% và 1%.
2. Nguyễn Thị Phương Thảo: 2,3 tỷ USD, xếp hạng 1.001
CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu 2,3 tỉ USD tài sản tính đến sáng 23/5. Tài sản của bà giảm 18 triệu USD, tương đương 0,78% trong ngày 22/5. Tên tuổi nữ doanh nhân này gắn liền với VietJet Air, hãng hàng không tư nhân có quy mô vốn hóa gần 3 tỷ USD (thời điểm giữa tháng 2/2019).
Bà Thảo còn có 15 năm làm việc tại HDBank trong lịch sử 30 năm hoạt động của ngân hàng này, đồng thời trực tiếp nắm giữ 3,67% cổ phần của HDBank. Về cơ cấu sở hữu hiện tại của HDBank, Sovico là cổ đông lớn duy nhất của nhà băng này với 13,34% cổ phần. Bà Thảo là Chủ tịch kiêm người đại diện phần vốn góp của Sovico ở HDBank.
Hàng không cũng chính là lĩnh vực đưa bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực. Tính cả năm 2019, Vietjet Air thu về 52.059 tỷ đồng doanh thu và 5.010 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng tài sản đạt mức 47.608 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2020, trong bối cảnh đại dịch, hãng hàng không Vietjet ghi nhận mức doanh thu vận tải hàng không đạt 7.222 tỷ đồng, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước và và mức lỗ được ghi nhận là tốt của bối cảnh ngành hàng không thế giới 989 tỷ đồng.
3. Trần Bá Dương: 1,5 tỷ USD, xếp hạng 1.658
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương xuất hiện trong danh sách năm nay với khối tài sản của ông và gia đình được Forbes ước tính trị giá 1,5 tỷ USD vào tháng 4/2020, giảm 200 triệu USD so với khi doanh nhân này xuất hiện trong danh sách của Forbes năm ngoái.
Thaco hiện là tập đoàn ô tô lớn nhất Việt Nam, chiếm 1/3 thị phần trong nước năm 2019.
Báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) ghi nhận doanh thu giảm 4%, đạt hơn 56.500 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu biến động nhẹ nhưng không xáo trộn nhiều về thứ tự. Bán xe vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo với 82%, tương đương 46.300 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ cung cấp dịch vụ, chuyển nhượng bất động sản, bán phụ tùng và sản phẩm nông nghiệp.
Đây cũng là năm đầu tiên Thaco ghi nhận nguồn thu liên quan đến nông nghiệp hơn 1.500 tỷ đồng. Mảng kinh doanh này lỗ khoảng 15 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.
Lợi nhuận sau thuế của Thaco năm ngoái giảm hơn 14%, đạt gần 5.370 tỷ đồng. Luỹ kế lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm đạt gần 14.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn xấp xỉ 106.800 tỷ đồng, tăng gần 32.000 tỷ đồng so với đầu năm.
4. Hồ Hùng Anh: 1,2 tỷ USD, xếp hạng 1.990
Đây là năm thứ hai liên tiếp ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank được Forbes vinh danh trong danh sách tỷ phú thế giới. Tính đến sáng 23/5, ông chủ Techcombank sở hữu 1,2 tỷ USD, giảm 44 triệu USD, tương đương 3,49% trong ngày 22/5.
So với lần xếp hạng năm 2019, tài sản của ông Hùng Anh năm nay giảm từ mức 1,7 tỷ USD ghi nhận tháng 3/2019 xuống còn khoảng 1 tỷ USD. Hiện ông đang đứng vị trí thứ 1.990 trong danh sách của Forbes.
Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch tập đoàn Masan được xem là cặp bài trùng tham gia xây dựng 2 đế chế Masan và Techcombank. Tháng 4/2018, ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan để tập trung vào Techcombank theo những quy định riêng của ngành ngân hàng, còn ông Nguyễn Đăng Quang tiếp tục vận hành Masan.
Techcombank (mã: TCB) công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.121 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.506 tỷ đồng, tăng 19,8%.
5. Nguyễn Đăng Quang: 1 tỷ USD, xếp hạng 1.717
Tính đến sáng 23/5, Forbes ước tính tổng tài sản ròng của ông Nguyễn Đăng Quang khoảng 1 tỉ USD, giảm 24 triệu USD, tương đương 3,14% trong ngày giao dịch cuối tuần qua. Kết quả này đưa vị chủ tịch Masan quay trở lại danh sách tỉ phú thế giới.
Năm 2019, ông Quang lần đầu tiên góp mặt trong danh sách tỉ phú thế giới với khối tài sản tương đương 1,3 tỉ USD, xếp thứ 1.717. Tuy nhiên, ông chủ Masan đã rớt khởi danh sách này cuối năm 2019 sau khi sáp nhập mảng bán lẻ của Tập đoàn Vingroup.
Hiện, ông Nguyễn Đăng Quang cùng người thân và các pháp nhân liên quan đang sở hữu tổng cộng 60% cổ phần của Masan. Chốt phiên giao dịch 22/5, giá cổ phiếu Masan đang ở mức 62.000 đồng/cổ phiếu, tăng 27% so với hồi cuối tháng 3.
Cuối tháng 4, Masan đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020, trong đó cho thấy doanh thu của hệ thống Vincommerce - đơn vị vận hành VinMart và VinMart đạt kỉ lục hơn 8.700 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kì năm ngoái.
6. Trần Đình Long: 1 tỷ USD, xếp hạng 2.122
Theo cập nhật ngày 23/5 của Forbes, khối tài sản ròng của ông chủ Hoà Phát đạt 1 tỉ USD, tăng 28 triệu USD và đang xếp thứ 2.122 trong danh sách tỉ phú thế giới. Lần đầu tiên ông Trần Đình Long lọt danh sách tỉ phú thế giới vào tháng 3/2018. Tuy nhiên, gần một năm sau đó, ông Long rời khỏi nhóm này.
Tính đến hết phiên 22/5, giá cổ phiếu HPG của Hoà Phát đạt 27.250 đồng/cổ phiếu, tăng 68% so với đáy ngày 27/3. Hiện ông Long và gia đình đang sở hữu tổng cộng khoảng 944 triệu cổ phiếu HPG.
Trong quý 1/2020, Hòa Phát đạt doanh thu 19.450 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.305 tỉ đồng, tương ứng tăng 28% và 27% so với cùng kì 2019.
Việc xác định giá trị tài sản các tỉ phú trên thế giới của Forbes kết hợp từ phương pháp tính toán khác nhau. Trong đó, Forbes định giá tài sản của các tỉ phú dựa trên giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán, các bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ.
Advertisement
Advertisement