27/10/2022 10:24
Đảm bảo bình ổn giá cả hàng hóa cuối năm và dịp Tết Nguyên đán
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến cung cầu, nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán.
Theo thông báo, CPI tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh lạm phát của các nước trong khu vực và của nhiều nước trên thế giới tăng cao, nhưng thị trường hàng hóa Việt Nam vẫn ổn định.
Trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế xã hội, địa – chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, lạm phát ở một số nước tiếp tục có xu hướng tăng cao, tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng chiến lược nhất là mặt hàng xăng dầu dự kiến còn nhiều biến động phức tạp khó lường.
Trong nước, một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết thời hạn vào cuối năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tăng cường hơn, quý IV là thời gian cao điểm chuẩn bị cho công tác sản xuất, chuẩn bị hàng dự trữ phục vụ nhu cầu lễ Tết cuối năm, tác động của thiên tai, dịch bệnh… vì vậy cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, nhất là đối với các địa phương.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, nếu không có biến động quá bất thường thì công tác kiểm soát lạm phát sẽ trong khoảng 4% là có tính khả thi. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022.
Theo báo Chính phủ, trong những tháng còn lại của năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh, chú trọng tập trung theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.
Điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện). Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương và các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.
Vào dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán năm 2023, ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, để cung ứng hàng hóa cho thị trường Tết Quý Mão 2023, các doanh nghiệp đã chuẩn bị số lượng hàng lương thực, thực phẩm dự kiến gần 40.000 tấn.
Trong đó, lương thực 5.253 tấn, đường 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn, thịt gia cầm 8.481, trứng gia cầm 54,4 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.485 tấn, rau củ quả 9.255 tấn, thủy hải sản 297 tấn và gia vị 1.600 tấn.
Trong tháng 10 và tháng 11 Sở Công Thương cùng các sở ngành đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng để thu mua, dự trữ đúng tiến độ. Theo kế hoạch, nguồn hàng của các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự trữ chiếm 25%- 43% so với nhu cầu của thị trường thành phố. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp sản xuất phối hợp hệ thống phân phối trên địa bàn để thực hiện việc chia sẻ chiết khấu, chiết khấu ưu đãi để không có áp lực về giá khi đến tay người dùng.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp