07/10/2021 12:24
Đại dịch đã biến các căn hộ ở Việt Nam thành những 'chợ trực tuyến phồn hoa'
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phương tiện truyền thông xã hội là công cụ kết nối người mua với những người bán hàng đáng tin cậy trong cộng đồng dân cư của họ.
Theo Nikkei Asia, chị Lan, một cư dân sống trong căn hộ tại Hà Nội chia sẻ: "Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của tôi là kiểm tra tin nhắn Zalo để biết được, những người dân khác trong khu chung cư với gần 300 căn hộ của mình sẽ đăng bán gì hôm nay.
Danh sách các sản phẩm rất đa dạng, từ những mặt hàng tươi sống như thịt, cá… đến đồ ăn tự làm. Bạn có thể đặt hàng vào buổi sáng và đến trưa sẽ được giao hàng ngay, điều này vô cùng tiện lợi".
Sức tàn phá của đại dịch cũng như biến thể Delta đã buộc chính phủ phải ra lệnh giãn cách trong thời gian dài, nhiều người tiêu dùng trong nước ở nhà nhiều hơn.
Chị Lan là một trong số ngày càng nhiều những người tham gia thị trường trên mạng xã hội, nơi họ có thể mua và bán sản phẩm với những người hàng xóm đáng tin cậy thay vì tiếp xúc với người ngoài.
Hà Nội đã bắt đầu thực hiện giãn cách từ tháng 7/2021 do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, người dân thủ đô ở nhà trong phần lớn thời gian cho đến cuối tháng 9.
Vì vậy, việc sử dụng các ứng dụng gọi xe như Grab bị hạn chế và các thị trường vật lý thường xuyên đóng cửa, tùy thuộc vào mức độ lây lan ca nhiễm.
Nhóm zalo của Lan có hơn 200 thàng viên. Tất cả giao dịch được thực hiện trực tuyến và hầu hết đều được miễn phí giao hàng.
Mặc dù giá sản phẩm mùa dịch có xu hướng cao hơn so với chợ truyền thống nhưng bù lại, họ rất yên tâm bởi chất lượng sản phẩm và người quản lý chung cư cũng tham gia nhóm này. "Tôi có thể đặt hàng mà không cần phải lo lắng về bất cứ vấn đề nào", chị Lan chia sẻ.
Chị Hà, một cư dân khác của khu phức hợp, là một nhân viên ngân hàng nhưng trong mùa dịch, chị làm việc ở nhà thường xuyên hơn, tận dùng thời gian rảnh của bản thân, và nhận thấy nhu cầu của người dân xung quanh, chị đã đăng bán thịt lợn và thịt gà được nuôi trồng tại Bắc Giang - 1 khu vực gần đó, trên nhóm Zalo của khu dân cư. Điều đó giúp cô kiếm được thêm 5 triệu đồng chỉ sau 1 tuần đăng bán.
Đặc biệt, chị Hà cho biết: "Tôi dự định sẽ tiếp tục làm điều này ngay cả khi đại dịch kết thúc".
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 lần thứ 4 do biến thể Delta. Tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp và các hạn chế đi lại dự kiện sẽ áp dụng trong một thời gian.
Những người bán hàng trên Zalo đã phát triển từ nghiệp dư trở nên chuyên nghiệp hơn sau dịch bệnh, thậm chí còn bán các sản phẩm độc đáo, không có sẵn ở chợ truyền thống.
Dịch COVID-19 vẫn chưa có hồi kết, các chợ trực tuyến được kỳ vọng trở thành yếu tố ổn định hơn trong đời sống người dân Việt Nam và mở ra cánh cửa kỹ thuật số.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp