28/12/2016 10:28
Đại án 9.000 tỷ: Phạm Công Danh đã "rút ruột" VNCB như thế nào?
Bằng cách lập hồ sơ khống, giả hồ sơ cho vay…Phạm Công Danh và các đồng phạm đã rút tiền tỷ để chi dùng cá nhân, khiến cho VNCB nhanh chóng "rỗng ruột"...
Theo hồ sơ được công bố, do làm ăn thua lỗ và âm vốn lên đến 2.800 tỷ đồng nên bà Hứa Thị Phấn đã nhượng lại Ngân hàng Đại Tín do mình điều hành cho Phạm Công Danh – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh.
Sau đó, ngân hàng này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và được Ngân hàng nhà nước chấp thuận chủ trương tái cơ cấu vào ngày 6/9/2012.
Từ đây, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã sử dụng danh nghĩa VNCB để lập nhiều hồ sơ, hợp đồng khống để rút tiền.
Cụ thể, Phạm Công Danh đã lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking để rút hơn 63 tỷ đồng và những người giúp sức cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi này gồm các thuộc cấp của ông ta tại VNCB.
Đó là Phan Thành Mai – cựu TGĐ VNCB, Mai Hữu Khương - cựu GĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Lê Công Thảo, Phạm Việt Thép, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng.
Số tiền hơn 63 tỷ đồng rút từ VNCB thông qua Công ty An Phát do Phạm Việt Thép – nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh làm giám đốc, Phạm Công Danh sử dụng cho mục đích cá nhân, trả nợ…
Tòa sơ thẩm cũng đã xác định hành vi lập hồ sơ khống thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM gây thiệt hại gần 600 tỷ.
Theo đó, Phạm Công Danh sử dụng hai công ty Trung Dung và Công ty Hương Việt, để cùng thuộc cấp rút từ VNCB gần 600 tỷ đồng với danh nghĩa là cho VNCB thuê địa điểm, trụ sở làm việc.
Hành vi này liên quan đến các bị cáo: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Bạch Quốc Hào, Trần Văn Bình – Giám đốc Công ty Trung Dung, Nguyễn Thị Kim Vân – Giám đốc Công ty Hương Việt….
Trong hành vi cố ý làm trái, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã rút 5.190 tỷ đồng nhưng không có chứng từ, không có chữ ký của các chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho VNCB số tiền 5.490 tỷ đồng.
Trong phi vụ này, Phạm Công Danh là người chỉ đạo, các bị cáo liên quan gồm: Hoàng Đình Quyết - cựu PGĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn, cựu GĐ VNCB Chi nhánh Lam Giang, Phan Thành Mai – cựu TGĐ VNCB, Mai Hữu Khương - cựu GĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn.
Như vậy, từ khi tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín với vai trò Chủ tịch HĐQT, Phạm Công Danh đã làm cho VNCB tụt dốc không phanh.
Đến thời điểm vụ án được khởi tố vụ án vào ngày 26/7/2014, VNCB có vốn chủ sở hữu âm hơn 18.400 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là hơn 38.000 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm cho hay, nguyên nhân sự xuống dốc của VNCB do hành vi sai phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm.
Cựu Chủ tịch VNCB và thuộc cấp bị cơ quan tố tụng khởi tố điều tra hai tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Advertisement
Advertisement