17/06/2023 08:39
Đà tăng của giá đậu tương có thể bị hạn chế do áp lực bán kĩ thuật ở vùng 1450
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá đậu tương tiếp tục đà tăng từ phiên nhảy vọt hôm qua. Các thông tin cơ bản về cả cung và cầu đều đang hỗ trợ cho giá mở rộng nhịp tăng kéo dài từ giữa tháng 5 cho tới nay.
Yếu tố tác động mạnh nhất là thời tiết tại Mỹ cũng đang gây ra lo ngại đối với năng suất đậu tương do hạn hán vẫn kéo dài và nghiêm trọng hơn.
Nhiều cuộc thảo luận đã được đưa ra về mức độ tồi tệ của hạn hán và tình hình mùa vụ kém của mùa ở một số khu vực gieo trồng chính tại Mỹ trong giai đoạn vừa qua. Báo cáo Tiến độ Mùa vụ tuần này của USDA cho thấy, mùa vụ ở các bang sản xuất chính như Illinois, Indiana và Michigan đang chịu áp lực hạn hán nặng nề nhất.
Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng cây trồng năm nay sẽ phải trải qua đợt hạn hán tương tự như đợt nắng nóng kỷ lục năm 2012. Tuy nhiên, năm nay, hiện tượng El Nino được kỳ vọng sẽ mang lại độ ẩm cao hơn trong thời gian tới cho khu vực Midwest, trái ngược với mô hình La Nina kéo theo khô nóng đỉnh điểm và tháng7 năm 2012.
Dự báo mưa rào và giông có thể sẽ xuất hiện ở Midwest trong nửa cuối tháng 6. Không những thế, các giống lai vào năm nay cũng có khả năng đối phó với tình trạng hạn hán tốt hơn so với năm 2012, giúp xoa dịu bớt phần nào lo ngại về thiệt hại đối với năng suất đậu tương.
Ngoài ra, tiêu thụ đậu tương cho hoạt động ép dầu tại Mỹ gia tăng cũng là yếu tố đáng chú ý. Khối lượng ép dầu đậu tương tháng 05 của Mỹ đã vượt qua hầu hết các dự đoán của thị trường, đồng thời cũng đạt mức cao nhất từng được ghi nhận cho tháng này, Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) báo cáo.
Điều này có thể sẽ kéo theo việc tồn kho đậu tương cuối niên vụ 22/23 và 23/24 có thể sẽ bị USDA hạ dự báo trong báo cáo Cung cầu nông sản tháng 7 tới. Nhìn chung, thị trường vẫn đang hướng theo bên mua do các yếu tố cơ bản hỗ trợ.
Giá Arabica có thể giảm khi nguồn cung có tín hiệu tốt
Kết thúc phiên giao dịch 15/6, hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng giá nhờ hỗ trợ từ yếu tố tài chính khi chỉ số Dollar Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Bên cạnh đó, lo ngại nguồn cung ở mức thấp thông quan dữ liệu xuất khẩu cà phê trong tháng 05 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước tại cả Brazil và Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá trong phiên hôm qua.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã giảm suốt 4 tháng nay, đưa tổng lượng cà phê dữ trữ về còn 546.325 bao loại 60kg, mức thấp nhất trong gần 7 tháng trở lại đây. Tuy vậy, triển vọng có vẻ tích cực hơn trong thời gian tới khi 11.547 bao mới được bổ sung vào các cảng và đang chờ phân loại để có thể củng cố phần nào vấn đề tồn kho ở mức thấp như hiện tại. Khi tồn kho tạm ngừng đà giảm thì giá Arabica cũng bớt đi 1 yếu tố hỗ trợ giá.
Hơn nữa, lo ngại sương giá tại vùng trồng cà phê chính của Brazil đã tan biến khi khối không khí lạnh suy yếu, thời tiết trở lại với sự khô ráo, từ đó tạo đièu kiện thuận lợi cho hoạt động thu hoạch cà phê. Thu hoạch đúng tiến độ cũng giúp đảm bảo nguồn cung để đẩy ra thị trường, giảm bớt lo ngại thiếu hụt ở thời điểm hiện tại.
Giá đồng có thể giằng co do thông tin cơ bản trái chiều
Trong phiên sáng cuối tuần, lực bán áp đảo trên thị trường đồng do lo ngại tiêu thụ phục hồi chậm tại Trung Quốc.
Sáng nay, một số ngân hàng lớn đã dạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, do loạt dữ liệu kinh tế yếu kém trong tháng 5. JPMorgan Chase, UBS Group và Standard Chartered đều đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Trung Quốc xuống 5,2 – 5,5%.
Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn lần đầu tiên sau 10 tháng vào hôm qua, tuy nhiên, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng việc cắt giảm lãi suất này chưa đủ để hỗ trợ kinh tế phục hồi, do niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp còn yếu.
Do đó, nền kinh tế Trung Quốc cần nhận được nhiều biện pháp ổn định tăng trưởng hơn từ Chính phủ và vẫn cần thời gian để phục hồi. Theo đó, với vai trò là thước đo sức khỏe nền kinh tế, triển vọng tiêu thụ đồng chưa rõ ràng có thể khiến giá đồng chưa thể bứt phá.
Tuy vậy, tiêu thụ đồng nhận được tín hiệu tích cực trong ngành điện của Trung Quốc. Cục Quản lý Năng lượng Năng lượng Quốc gia của Trung Quốc đã công bố sản lượng điện tiêu thụ đạt 722,2 tỷ kwh trong tháng 5, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng điện tiêu thụ đạt 3,53 nghìn tỷ KWH, tăng 5,2% theo năm.
Trong khi đó, đồng là một trong những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất lưới điện, dây điện, cáp điện. Nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng tích cực làm gia tăng kỳ vọng tiêu thụ đồng trong thời gian tới và là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng.
Hơn nữa, sự suy yếu của đồng USD với chỉ số Dollar Index đang ở mức mức thấp nhất trong vòng 1 tháng có thể là yếu tố hỗ trợ lực mua đồng trong phiên. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất trong tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại có động thái tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và dự báo có thể tiếp tục tăng thêm. Điều này đang củng cố sức mạnh của đồng Euro và cản trở đà tăng của chỉ số Dollar Index.
Giá dầu có thể có nhịp giảm kỹ thuật trước khi lấy lại đà tăng
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch ngày hôm nay với diễn biến giằng co. Tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau đà tăng mạnh của giá trong ngày hôm qua. Nhìn chung, các tin tức gây sức ép tới giá dầu đã bị hạn chế. Giá có thể sẽ có nhịp giảm nhẹ kỹ thuật trước khi lấy lại đà tăng trong phiên hôm nay.
Sau loạt dữ liệu kinh tế kém sắc trong tháng 5 của Trung Quốc, hàng loạt các Ngân hàng lớn trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng của quốc gia nay trong năm nay. Ngân hàng UBS hiện dự kiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 5,7%. Các nhà kinh tế của Standard Chartered dự báo tăng trưởng năm nay là 5,4%, giảm so với ước tính trước đó là 5,8%.
Tuy nhiên, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới Trung Quốc đang có tín hiệu khả quan trong công cuộc nỗ lực kích thích tăng trưởng, với động thái mới nhất là hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) 1 năm (tức các khoản vay cho các ngân hàng thương mại).
Điều này mở ra kỳ vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào tuần sau sẽ hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) 1 năm, và 5 năm (tức là các khoản vay áp dụng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp, các khoản thế chấp). Bên cạnh chính sách tiền tệ, thị trường cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ có thêm các biện pháp tài khoá hỗ trợ thị trường. Kỳ vọng tích cực này có thể đem lại triển vọng khởi sắc hơn về nhu cầu và giá dầu trong giai đoạn tới.
Hơn nữa, việc nguồn cung thu hẹp tại khu vực Trung Đông vẫn sẽ tiềm ẩn rủi ro thâm hụt cho thị trường, nhất là vào giai đoạn nhu cầu cao điểm. Mới đây, Qatar Energy đã tăng nhẹ giá dầu thô kỳ hạn tháng 8 ở mức cao hơn 1,08 USD/thùng so với báo giá của Dubai, nhỉnh hơn mức chênh lệch 1,07 USD/thùng trong tháng 7.
(Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV))
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement