13/05/2019 14:06
Đã có hơn 1,2 triệu con heo bị tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi
Theo Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, tính đến 12/5, số heo bệnh buộc phải tiêu huỷ đã lên tới hơn 1,2 triệu con.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Những vùng chưa có dịch bệnh cũng đang bị đe dọa, chẳng hạn với các tỉnh Tây Nguyên nằm sát biên giới với Campuchia. Campuchia đã có nhiều ổ dịch tả heo Châu Phi xảy ra, trong đó có các ổ dịch giáp với tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk.
Thứ trưởng Tiến cho rằng, hơn 1,2 triệu là con số thiệt hại rất lớn với ngành chăn nuôi. Đồng thời phản ánh đúng tính chất phức tạp, nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi (ASF).
Ông Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận công tác chủ động, giám sát, phát hiện, công bố dịch chưa kịp thời.
Đại diện Cục Thú y cho hay, tính đến 10/5, ASF đã xảy ra ở 2.277 xã, thuộc 202 huyện của 29 tỉnh, thành phố.
Nhiều địa phương, heo nhiễm tả heo châu Phi chết nhiều, tiêu hủy không kịp... càng khiến dịch bệnh phát tán lây lan nhanh. |
Trong đó, có cả các tỉnh đã qua 30 ngày, nhưng nay đã lại tái phát dịch như Hòa Bình, Bắc Kạn. Thời gian qua, đã có 29 xã của 12 tỉnh dịch đã qua 30 ngày, nhưng sau đó đã phát sinh trở lại.
Cục này đưa ra cảnh báo, ASF đã tấn công vào các trang trại chăn nuôi lớn, với 18 cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô trên 1.000 con đã bị nhiễm bệnh, buộc phải xử lý tiêu hủy.
Đáng lo ngại trong công tác phòng chống dịch là hầu hết các cơ sở chăn nuôi có heo bị ASF hiện không bố trí được quỹ đất để tiêu hủy, lực lượng thú y tham gia tiêu hủy heo bệnh mỏng nên thường xuyên làm việc quá tải… dẫn đến tình trạng để người dân tự vứt xác ra môi trường xung quanh chuồng nuôi vài ngày mới có lực lượng chức năng đến tổ chức tiêu hủy. Tình trạng này phổ biến ở một số tỉnh như Hà Nam, Bắc Giang…
Việc chậm trễ trong hỗ trợ kinh phí tiêu hủy heo nhiễm dịch tả heo châu Phi cho người dân cũng là nguyên nhân khiến công tác ngăn chặn dịch khí khăn. Nhiều người chăn nuôi khi phát hiện bệnh, nghi heo mắc bệnh thì không khai báo, bán teo, tự ý giết mổ nên lây lan.
Ngoài ra, khâu xác định mức giá hỗ trợ tiêu hủy heo hiện nay cũng thiếu nhất quán và gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, một số tỉnh hỗ trợ theo mức 80% giá trị trường tại từng thời điểm (Nam Định 30.000 – 45.000 đồng/kg, Hải Dương 32.000 – 52.000 đồng/kg, Hà Nam 32.000 – 48.000 đồng/kg…).
Tại Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch tả heo Châu Phi (ASF) giữa Bộ Nông nghiệp với các địa phương ngày 13/5. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, dù đã cố gắng nhiều, nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra trên diện rộng.
Ông Cường cảnh báo, thời gian tới nếu không làm tốt công tác phòng chống ngăn chặn dịch bệnh, ASF có thể tiếp tục lây lan, phát triển rất nhanh theo 3 hướng. Nơi nào bị rồi thì tái phát; Lan rộng sang các vùng chưa bị, sẽ bị. Và sẽ hướng vào các hộ lớn mà chúng ta đang cố gắng cầm cự…
“Lịch sử ngành chăn nuôi thế giới và Việt Nam chưa từng đối phó dịch bệnh nào nguy hiểm, phức tạp, khó đối phó, tốn kém trong phòng chống đến như vậy….”, ông Cường thừa nhận. Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp cũng khẳng định không có chuyện giấu dịch.
Advertisement