28/06/2017 05:46
Đã có hai trẻ tử vong vì sốt xuất huyết
Chiều 28/6, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thông tin về tình trạng gia tăng các ca sốt xuất huyết, trong đó đặc biệt lưu ý về sốc sốt xuất huyết khiến 2 trẻ vừa tử vong.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biếttrong năm nay đã có hai trẻ tử vong vì sốt xuất huyết. Theo bác sỹ Tuấnhai ca tử vong vì sốt xuất huyết tại bệnh viện được chuyển từ tỉnh lên, cả hai ca đều nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến quá nặng.
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, từ tháng 6, các ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng 10-15% so với tháng trước, trung bình có 70-72 ca nhập viện vì sốt xuất huyết, trong đó 10% là ca nặng và đang có xu hướng tăng nhẹ.
Cụ thể, ngày 18/6, tại khoa Sốt xuất huyết của Bệnh viên Nhi đồng 1 đã có 116 bệnh nhân điều trị nội trú, 60% bệnh nhân đến từ các tỉnh, có 9 ca sốc sốt xuất huyết với các biểu hiện như mạch nhanh, khó bắt, tụt huyết áp.
Bác sĩ Tuấn cho biết, nguyên nhân dẫn đến trẻ bị sốc sốt xuất huyết là do tình trạng thất thoát huyết tương. Tình trạng nàyxuất hiện trong thời điểm bé bắt đầu hạ sốt, nhưng tình trạng bệnh không đỡ với các triệu chứng như đau bụng nhiều, nôn ói, bé không chịu ăn uống, không chịu chơi, quấy khóc, bứt rứt khó chịu…
Các ca bệnh khi nhập viện đã được điều trị kịp thời do phát hiện sớm. Cònvới những ca bệnh nặng có thể dẫn đến sốc sốt xuất huyết nặng, mạch và huyết áp bằng 0, chảy máu, dễ dẫn đến suy tim, suy gan, suy thận, rối loạn chuyển hóa, rối loạn điện giải... Những trường hợp này thường xảy ra với những trẻ có bệnh nền hoặc dư cân, tình trạng sốc diễn tiến nguy hiểm hơn, có thể sốc nặng, sốc kéo dài hoặc tái sốc.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, thời gian này đang trong mùa dịch bệnh sốt xuất huyết, vì thế các phụ huynh cần phải cẩn thận, tránh để con mình bị sốt xuất huyết. Trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà thì phụ huynh hãy bổ sung đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch, hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol là an toàn nhất.
Ngoài ra, khi trẻ bị sốt xuất huyết giai đoạn đầu, chưa thất thoát huyết tương thì phụ huynh không nên tự truyền dịch cho trẻ. Bởi nếu tự truyền dịch có thể khiến trẻ phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm. Việc truyền dịch cần được thực hiện trong bệnh viện dưới chỉ định và theo dõi sát của bác sĩ.
Advertisement