29/10/2020 14:19
Cuộc săn lùng 'Flappy Bird thứ hai' của Việt Nam
Đã 6 năm sau tựa game đình đám Flappy Bird khuấy đảo toàn cầu, thị trường đang trông chờ vào tiềm năng của các nhà xuất bản game Việt Nam.
Khoảng 6 năm trước, thành công toàn cầu của Flappy Bird đã đưa nhà phát triển game indie Việt Nam Nguyễn Hà Đông trở nên nổi tiếng, và được săn đón chưa từng có. Vào thời điểm đỉnh cao khoảng tháng 2/2014, Flappy Bird đã đứng đầu bảng xếp hạng tại hơn 100 quốc gia, đạt 50 triệu lượt tải xuống.
Đến giờ, nhiều người tin rằng sự "ra đi" của Flappy Bird là do điều tiếng từ cộng đồng mạng. Ảnh: Google |
Theo tờ Tech In Asia, người tạo ra Flappy Bird đã kiếm được 50.000 USD mỗi ngày mà không cần tiếp thị. Sự sụp đổ cuối cùng của trò chơi khi Hà Đông gỡ nó xuống chỉ sau một tháng, đã khiến mọi người bối rối và hụt hẫng.
Kể từ đó, Flappy Bird đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho một thế hệ lập trình viên Việt Nam. Giới lập trình viên nhận ra rằng, có một giải pháp khả thi để thay thế cho sự nghiệp gia công phần mềm thông thường, đó là phát triển trò chơi.
Tính đến hiện tại, kỳ lân công nghệ duy nhất của Việt Nam là nhà phát hành game và giải trí VNG. Tuy nhiên, lĩnh vực game độc lập đang phát triển mạnh của Việt Nam, bao gồm các công ty khởi nghiệp game quy mô nhỏ đến vừa, không bằng lòng với việc cả nước chỉ hoạt động với tư cách là nhà phân phối các tựa game nước ngoài.
Tận dụng nguồn lực từ các nhà phát triển phần mềm và ứng dụng tài năng, các công ty này đang nhắm đến việc tạo ra những cú hích toàn cầu từ sân nhà của họ. Nhưng sự phát triển lần này phải theo một cách bền vững hơn, so với tựa game “vang bóng một thời” Flappy Bird .
Theo công ty tư vấn quản lý RedSeer, ở Đông Nam Á, các trò chơi trực tuyến có thể đang chứng kiến sức hút mạnh mẽ hơn, do đại dịch COVID-19. Đại dịch đã tạo ra sự phát triển trong cơ sở người dùng tích cực, và văn hoá trả phí chơi game trong khu vực.
RedSeer ước tính rằng cả người dùng tích cực và người dùng trả phí cho các trò chơi trực tuyến ở các nước ASEAN đã tăng từ quý I đến quý II năm nay. Cụ thể, người dùng tích cực tăng 25% đến 30% và người dùng trả phí tăng 35% đến 45%.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Công ty tư vấn châu Á Dezan Shira and Associates gợi ý rằng: “COVID-19 đã khơi gợi lại sự quan tâm đến ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến, vốn đang phát triển của Việt Nam”. Đáng chú ý, 4 nhà phát hành đến từ Việt Nam gồm VNG, Amanotes, OneSoft và BACHA Soft, đã lọt vào bảng xếp hạng mới nhất của App Annie, về các nhà xuất bản di động hàng đầu Đông Nam Á.
Trong khi các công ty Trung Quốc đang tạo ra 69% trò chơi trực tuyến có nhiều người chơi được phát hành tại Việt Nam, Dezan Shira and Associates tin rằng các cơ hội đầu tư vẫn tồn tại ở các thị trường ngách khác. Chúng bao gồm các trò chơi thông thường được phát triển trong nước và các loại trò chơi dễ chơi nhưng khó thành thạo, giống như Flappy Bird từng có tính gây nghiện rất cao.
Tech In Asia chỉ ra một nhà xuất bản game khá tiềm năng, Diffcat. Giống như người sáng tạo Flappy Bird, Giang Nguyễn, cũng không ngờ trước sự phát triển toàn cầu của tựa game do mình tạo ra.
Giang thành lập studio Diffcat tại TP.HCM vào năm 2016, với sứ mệnh tạo ra những trò chơi vui nhộn và tạo động lực. Vào năm 2017, nhóm nhỏ của anh đã làm việc trong 3 tháng để tạo ra FaceDance Challenge. Cuối năm đó, tựa game này nổi tiếng trên nhiều quốc gia Châu Á, và được tải xuống hơn 10 triệu lần.
FaceDance Challenge đang gây sốt tại nhiều quốc gia. Ảnh: YouTube/Kory DeSoto |
Trang tin công nghệ nổi tiếng Mashable đã từng giới thiệu về FaceDance Challenge. Tựa game này nhanh chóng nổi tiếng nhờ sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, để cho phép người chơi ghi điểm bằng cách bắt chước các biểu tượng cảm xúc hiển thị trên màn hình.
Tech In Asia cho rằng: “Nó đã sẵn sàng để trở thành một Flappy Bird thứ hai”.
Advertisement
Advertisement