15/03/2018 16:12
Cục An toàn thực phẩm siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành
Cục An toàn thực phẩm cho biết sẽ siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành từ ngày 15/4-15/5.
Ngày 15/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 có chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” sẽ diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 trên phạm vi cả nước.
Thanh tra đang kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cửa hàng. Ảnh minh họa |
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Hà Nội, Ninh Bình, Cần Thơ, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tháng hành động nhằm tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đồng thời, các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề; tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng về việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Cục An toàn thực phẩm nêu rõ: Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, tháng hành động năm 2018 còn là điểm nhấn tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn nói riêng.
Bên cạnh hoạt động truyền thông, các đoàn thanh tra, kiểm tra tập trung xem xét các nội dung như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hồ sơ công bố hợp quy/công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với những sản phẩm phải công bố, hồ sơ sản phẩm được cơ quan chức năng xác nhận (nếu có).
Đồng thời, các đoàn kiểm tra về nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; tài liệu quảng cáo, hồ sơ đăng ký quảng cáo đối với những cơ sở có quảng cáo sản phẩm thực phẩm; hồ sơ theo dõi về sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ đối với thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định khi cần thiết.
Theo Cục An toàn thực phẩm, tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến như: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra.
Điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ chế biến lạc hậu.
Đặc biệt, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng; yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức.
Để tồn tại những vấn đề nói trên, một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao; nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.
Advertisement
Advertisement