12/09/2020 14:42
COVID-19 vạch trần bất công về kinh tế-xã hội: Ông chủ ngày càng giàu có, người lao động nghèo khó và bị sa thải
Đại dịch COVID-19 vạch trần mô hình kinh tế bất công: Các tỷ phú ngày càng giàu hơn, người lao động lại nghèo khó và bị sa thải.
Oxfam vừa đưa ra báo cáo “Quyền lực, lợi nhuận và đại dịch”, để nói về những thực trạng bất công do COVID-19 gây ra. Đây là một liên minh quốc tế của 20 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới, để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công xã hội.
Theo Oxfam, cuộc khủng hoảng bất bình đẳng ngày càng tồi tệ do COVID-19 gây ra. Cuộc khủng hoảng này được thúc đẩy bởi một mô hình kinh tế, cho phép một số tập đoàn lớn nhất thế giới thu được hàng tỷ USD lợi nhuận cho các cổ đông, mang lại một “cơn gió khác” cho các tỷ phú hàng đầu thế giới, một nhóm nhỏ chủ yếu là người da trắng. Đồng thời, nó đã khiến những người lao động và phụ nữ bị trả lương thấp mà không có sự bảo vệ xã hội hoặc tài chính.
“Kể từ khi đại dịch bùng phát, các tập đoàn lớn đã đặt lợi nhuận lên trước sự an toàn của người lao động, đẩy chi phí xuống chuỗi cung ứng và sử dụng ảnh hưởng chính trị của họ để định hình các chính sách phản ứng”, Oxfam nhận xét.
Tổ chức này cho rằng, COVID-19 nên là chất xúc tác để tái cấu trúc sức mạnh doanh nghiệp một cách triệt để, tái cấu trúc các mô hình kinh doanh có mục đích, và khen thưởng cho tất cả những người lao động, tạo ra một nền kinh tế cho tất cả mọi người.
COVID-19 làm giàu thêm cho các tỷ phú
Oxfam cho rằng, các tập đoàn lớn nhất thế giới lẽ ra có rất nhiều tiền để bảo vệ người lao động, điều chỉnh mô hình kinh doanh và đưa các khoản cứu trợ khi COVID-19 ập tới. Nhưng các khoản chi quá nhiều cho cổ đông trước cuộc khủng hoảng đã khiến các công ty, người lao động và chính phủ dễ bị tổn thương bởi cú sốc đại dịch.
10 năm trở lại đây là khoảng thời gian mang lại lợi nhuận cao nhất trong lịch sử cho các tập đoàn lớn nhất thế giới.
Các công ty trong danh sách Fortune 500 đã tăng lợi nhuận lên 156%, từ 820 tỷ USD trong năm 2009 lên 2.100 tỷ USD vào năm 2019. Tăng trưởng lợi nhuận của họ vượt xa mức tăng trưởng GDP toàn cầu, cho phép họ chiếm được phần lớn miếng bánh kinh tế toàn cầu.
Trong danh sách Forbes 400, phần lớn người giàu nhanh nhất trong năm nay là các ông chủ, người da trắng. Ảnh: Forbes |
Tuy nhiên, lợi nhuận mà họ kiếm được trước cuộc khủng hoảng hiện tại hầu như chỉ dành cho một nhóm nhỏ các cổ đông vốn đã giàu có, hơn là được tái đầu tư vào các công việc tốt hơn hoặc công nghệ thân thiện với khí hậu.
Từ năm 2010 đến năm 2019, các công ty được liệt kê trong Chỉ số S&P 500 đã chi 9.100 tỷ USD để trả cho các cổ đông giàu có của họ, bằng hơn 90% lợi nhuận của họ so với cùng kỳ.
Phân tích mới của Oxfam cho thấy các công ty hàng đầu thế giới đã sử dụng 4 năm trước COVID-19 để tăng cường phân phối lợi nhuận cho các cổ đông. Từ năm 2016 đến năm 2019, 59 công ty có lợi nhuận cao nhất trên toàn cầu đã phân phối gần 2.000 tỷ USD cho các cổ đông của họ. Các khoản chi từ cổ đông này trung bình bằng 83% thu nhập ròng của các công ty.
Một số công ty không chỉ trả hết lợi nhuận cho các cổ đông, mà đôi khi họ còn lâm vào cảnh nợ nần hoặc dùng tiền dự trữ để trả cho các nhà đầu tư giàu có của họ. Một số khoản thanh toán cho cổ đông lớn nhất trong năm 2019 tính theo tỷ lệ phần trăm thu nhập là từ Chevron, P&G và công ty dầu khí BP. Tính theo lượng USD, Apple vượt lên trên phần còn lại của các công ty công nghệ, khi phân phối 81 tỷ USD cho các cổ đông chỉ trong năm 2019.
Nhiều công ty hiện đang gặp khó khăn về tài chính đã dành phần lớn lợi nhuận để trả cho cổ đông trong năm ngoái. Chỉ riêng 10 thương hiệu may mặc lớn nhất đã trả tổng cộng 21 tỷ USD (trung bình 74% lợi nhuận của họ trong năm tài chính 2019) cho các cổ đông của họ bằng cổ tức và quyền mua lại cổ phiếu. Giờ đây, hàng triệu công nhân may mặc, từ Bangladesh đến Mexico, đã mất việc làm do các công ty hủy đơn hàng, và từ chối trả tiền cho nhà cung cấp của họ.
Dù than lỗ nhưng các công ty vẫn chia cổ tức hậu hĩnh cho cổ đông của mình. Ảnh: Law Donut |
Thương vụ làm giàu cho cổ đông vẫn không kết thúc với sự ra đời của COVID-19.
Kể từ tháng 1/2020, theo báo cáo của công ty, Microsoft và Google đã trả cho các cổ đông lần lượt hơn 21 tỷ USD và 15 tỷ USD. Ngay cả khi nhu cầu đối với các sản phẩm của mình giảm xuống trong thời kỳ đại dịch, nhà sản xuất ô tô Toyota đã phân phối hơn 200% lợi nhuận thu được cho các nhà đầu tư, kể từ thời điểm trên.
BASF, gã khổng lồ hóa chất của Đức, đã thanh toán hơn 400% trong 6 tháng qua.
Tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Mỹ - AbbVie, đã phân phối 184% lợi nhuận ròng cho các cổ đông trong 2 quý đầu năm 2020. Và 3 trong số các công ty nổi tiếng nhất của Mỹ đang phát triển vaccine COVID-19, với hàng tỷ USD tiền công: Johnson & Johnson, Merck và Pfizer, đã phân phối 16 tỷ USD cho các cổ đông từ tháng 1/2020.
Không chỉ các công ty có lợi nhuận mới tiếp tục trả tiền cho các cổ đông của họ. 6 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới - Exxon Mobil, Total, Shell, Petrobras, Chevron và BP - đã lỗ ròng tổng cộng 61,7 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 7/2020, nhưng đã cố gắng trả 31 tỷ USD cho các cổ đông trong cùng thời gian.
Seplat Petroleum, công ty dầu mỏ lớn nhất của Nigeria, đã trả 132% lợi nhuận cho các cổ đông trong 6 tháng đầu năm 2020, ngay cả khi kinh tế đất nước có nguy cơ sụp đổ.
Các khoản chi quá nhiều cho cổ đông hoặc ưu đãi cho các CEO là một tin xấu cho sự bất bình đẳng, khi các cổ đông chủ yếu đến với những người vốn đã giàu có. Điều này khiến các công ty không thể chi mức lương tốt hơn cho người lao động. Chúng cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới, do nam giới nắm giữ phần lớn cổ phần của công ty và chỉ 14 CEO (2,8%) của các công ty thuộc Fortune 500 là phụ nữ.
Với các công ty được liệt kê trong các thị trường chứng khoán chính ở Brazil, Nam Phi, Pháp hoặc Đức, gần như 100% CEO là nam.
Trả cổ tức cho cổ đông nhưng sa thải nhân viên
Ngoài ra, Oxfam còn cho rằng các công ty kiếm tiền nhưng không làm gì nhiều để hỗ trợ các nguồn lực của chính phủ để ứng phó với đại dịch COVID-19, đã củng cố vai trò không thể thiếu của các chính phủ hiệu quả và có trách nhiệm trong việc quản lý các vấn đề ảnh hưởng đến toàn xã hội. Mặc dù một số công ty đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ trong thời kỳ đại dịch, nhưng những khoản lợi nhuận này lại chẳng giúp ích được gì nhiều cho cuộc chiến của các chính phủ chống lại COVID-19.
Phân tích của Oxfam cũng cho thấy, một số công ty đang thu lợi nhuận quá mức trong thời kỳ đại dịch. Phân tích báo cáo tài chính của các công ty có lợi nhuận cao nhất trên khắp nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Brazil, Ấn Độ, Nigeria và Nam Phi, Oxfam nhận thấy 32 công ty dự kiến sẽ kiếm được lợi nhuận nhiều hơn vào năm 2020, so với những năm trước đó.
Trên thực tế, 32 trong số các công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới cùng dự kiến sẽ kiếm được nhiều hơn 109 tỷ USD trong đại dịch, so với mức trung bình của bốn năm trước, họ vốn đã có lãi khá cao. Nhiều tỷ phú trên thế giới cũng là một số cổ đông lớn trong các công ty này, 25 tỷ phú giàu nhất đã tăng tài sản của họ lên 255 tỷ USD, một con số đáng kinh ngạc chỉ tính riêng từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5/2020.
Công nhân Amazon đến biểu tình trước dinh thự Jeff Bezos, khi ông có hơn 200 tỷ USD mà lại không đảm bảo an toàn phòng dịch cho họ. Video: Twitter/Washington Examiner |
Một số người cho rằng, các công ty đã thể hiện trách nhiệm của mình bằng các khoản nộp thuế và sự hào phóng từ thiện của họ, nhưng bằng chứng thực tế không ủng hộ điều này. Ngược lại, chính phủ Mỹ ước tính đã mất khoảng 135 tỷ USD doanh thu do tránh thuế doanh nghiệp trong năm 2017. Và hoạt động từ thiện của doanh nghiệp hiện đang dưới 20 tỷ USD một năm.
Tương tự, ở Ấn Độ, khoản đóng góp 6 tỷ USD cho trách nhiệm xã hội của các công ty thấp hơn so với khoản lỗ ước tính 47 tỷ USD trong doanh thu của chính phủ, do trốn thuế hàng năm.
Ở cấp độ toàn cầu, phân tích của Oxfam đã phát hiện ra rằng, các khoản quyên góp của các công ty lớn nhất thế giới trong COVID19 trung bình khoảng 0,32% thu nhập hoạt động cho năm 2019.
“Đó không phải là một đóng góp tương xứng, nếu xét đến chi phí tài chính của cuộc khủng hoảng này và mức độ lợi nhuận của doanh nghiệp”, tổ chức này nhận xét.
Các khoản đóng góp cho xã hội của nhiều công ty còn quá nhỏ, cần có chế tài về thuế. Ảnh: CNBC |
Theo Oxfam, thay vì dựa vào các khoản đóng góp tự nguyện, các chính phủ nên sử dụng các cách hiệu quả hơn để huy động nguồn lực của các công ty lớn để chống lại COVID-19.
Với lợi nhuận tăng vọt của một số công ty trong khi nhiều công ty khác chìm trong vực thẳm kinh tế, sự hy sinh được san sẻ thực sự sẽ là biện pháp hữu hiệu, bằng cách đánh thuế siêu lợi nhuận của các công ty lớn. Mức thuế này sẽ bồi thêm hàng tỷ USD doanh thu mới cần thiết, để giải quyết sự chênh lệch ngày càng tăng về kinh tế, chủng tộc và giới tính do đại dịch gây ra.
Chỉ nhìn vào 32 công ty toàn cầu thu lợi nhiều nhất theo COVID-19, ước tính 104 tỷ USD có thể được huy động vào năm 2020, để giải quyết COVID-19.
Ngoài ra, số tiền này có thể dùng để trả cho việc thử nghiệm vaccine COVID-19 và cung cấp cho tất cả mọi người trên hành tinh, cộng thêm 33 tỷ USD nữa để đầu tư vào việc xây dựng lực lượng y tế tuyến đầu của thế kỷ XXI.
Cần có chế tài để nền kinh tế dân chủ
Oxfam cho rằng, mặc dù ngày càng có nhiều lời hùng biện về việc xác định lại mục đích mới của công ty và “tái cấu trúc tốt hơn” sau COVID-19, nhưng rất ít thay đổi có ý nghĩa đang được thực hiện từ các văn phòng điều hành. Thay vào đó, các phản ứng của doanh nghiệp đối với COVID-19 đã tạo ra khoảng cách giữa cam kết và thực tiễn.
Oxfam đã xác định hơn 100 trường hợp từ khắp nơi trên thế giới, liên quan đến hơn 400 công ty, tiếp tục thanh toán cho cổ đông và các chương trình bồi thường điều hành, mặc dù đã nhận được các gói cứu trợ của chính phủ và sa thải công nhân.
100 công ty này cũng không đảm bảo an toàn cho người lao động và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật lao động. Hơn nữa, nhóm này còn thu lợi từ các chương trình cứu trợ của chính phủ, mặc dù thiếu công lao hoặc tư cách được hưởng và vận động chính phủ bãi bỏ quy định về bảo vệ môi trường, thuế và xã hội.
Những người giàu lại càng giàu hơn, đó là điểm bất công của nền kinh tế kém dân chủ. Ảnh: Business Insider |
Sự khác biệt về tác động kinh tế của COVID-19 đối với từng nhóm người không phải là ngẫu nhiên. Đó là kết quả của một mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận cho những người giàu có.
“Đại dịch không tạo ra những bất công về kinh tế, chủng tộc và giới tính, nó chỉ tiếp xúc và khuếch đại chúng mà thôi”, Oxfam nhấn mạnh.
Lựa chọn tối đa hóa giá trị của cổ đông hơn tất cả những thứ khác đã được ủng hộ bởi tiền bạc và ảnh hưởng chính trị của các tập đoàn quyền lực và các cá nhân giàu có. Nó cũng đã được duy trì bởi một bức màn bao gồm các cam kết cao cả của công ty, các tiêu chuẩn tự nguyện và các khoản đóng góp từ thiện.
Oxfam nhận định: “Trừ khi chúng ta thay đổi hướng đi, bất bình đẳng kinh tế sẽ gia tăng với số lượng thậm chí còn nhiều hơn chúng ta có thể tưởng tượng. Các tập đoàn lớn sử dụng quyền lực kinh tế và chính trị lớn hơn, gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ, người lao động và các thể chế dân chủ”.
Theo tổ chức này, đây là thời điểm để các chính phủ tạo ra các động lực và chế tài để “tái cấu trúc triệt để quyền lực của doanh nghiệp, tái cấu trúc các mô hình kinh doanh có mục đích và khen thưởng cho tất cả những ai tạo ra giá trị”.
Điều này có thể tạo ra một nền kinh tế hậu COVID cho tất cả mọi người có động lực tốt hơn, để chống chọi với những cú sốc trong tương lai, bao gồm cả tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ những người nghèo nhất.
Oxfam đề xuất, tất cả đều bắt đầu và kết thúc bằng một mô hình kinh tế lấy con người làm trung tâm, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, chia sẻ lợi nhuận một cách công bằng và dựa trên nền tảng dân chủ. Chính phủ các nước nên bắt đầu bằng việc đánh thuế lợi nhuận vượt quá mức thu được trong đại dịch của một số ít công ty, vì lợi ích công cộng.
Các doanh nghiệp cần xác định lại lý do kinh doanh, đặt con người vào trung tâm của công việc kinh doanh. Chủ doanh nghiệp cần đảm bảo chia sẻ công bằng lợi nhuận cho tất cả các bên liên quan, từng bước biến đổi cách thức quản lý các tập đoàn.
Đồ hoạ: Oxfam |
Advertisement
Advertisement