12/01/2021 16:00
Công nghiệp ICT trở thành ngành xuất siêu lớn nhất nền kinh tế
Năm 2020 đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiến lược Make in Viet Nam. Số doanh nghiệp công nghệ số đã đạt gần 60.000.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong giai đoạn 2016-2020, ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được nhiều kết quả minh chứng bằng nhưng con số thật sự ấn tượng, khẳng định tinh thần “Nói được là Làm được”, góp phần nâng thứ hạng Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đó, bưu chính tăng hạng từ thứ 57 lên thứ 49; ICT tăng hạng từ thứ 108 lên thứ 77; Chính phủ điện tử tăng từ thứ 89 lên thứ 86.
Đặc biệt, an toàn, an ninh mạng đột phá từ thứ 100 lên thứ 50. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT tăng từ 780.000 lên hơn 1 triệu người.
Lĩnh vực bưu chính có mức tăng trưởng rất cao, tăng doanh thu trung bình trên 30%/năm. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết năm 2020 đã thử nghiệm thành công thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh ngành Thông tin và Truyền thông chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Ảnh: VnExpress |
Việt Nam trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu. Thứ hạng viễn thông Việt Nam đã nâng 31 hạng, từ 108 năm 2018 lên 77 năm 2020.
Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông, và đứng thứ 2 thế giới về sản xuất điện thoại và linh kiện.
Việt Nam cũng đang đứng thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore. Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.
Năm 2020 cũng đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiến lược Make in Viet Nam. Sau khi công bố định hướng công nghệ số, số doanh nghiệp công nghệ số đã tăng 28%, đạt gần 60.000 doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 sáng nay, 12/1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng.
Bộ trưởng nhấn mạnh ngành Thông tin và Truyền thông chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Và đây cũng là cơ may hiếm có để ngành định vị lại, nhìn rõ các thách thức và xác định đúng hướng cho mọi sự phát triển.
"Nếu bưu chính là chuyển phát thư và bưu kiện thì sẽ vẫn là bưu chính. Nhưng nếu bưu chính là bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, là nền tảng hỗ trợ mọi cá nhân, gia đình có thể kinh doanh, có thể tiếp cận thị trường, thì bưu chính là nền tảng giúp người dân làm giàu và thoát nghèo. Và vì thế, không gian sống của bưu chính, sứ mệnh mới của bưu chính là vô cùng lớn lao", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngành công nghiệp ICT đang là ngành xuất khẩu, xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế. Ảnh: Vingroup |
Tương tự, viễn thông trong thời đại mới là hạ tầng của nền kinh tế số, hạ tầng của lưu trữ và xử lý dữ liệu, cung cấp công nghệ sáng tạo sản phẩm, và đó là hạ tầng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế số.
Lĩnh vực công nghiệp ICT (công nghệ thông tin, điện tử viễn thông) cũng sẽ nhận về mình một sứ mệnh hoàn toàn mới. ICT là Make in Viet Nam, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, giải bài toán biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ, tăng trưởng gấp 2-4 lần tăng trưởng GDP cả nước. "Make in Vietnam" cũng sẽ đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng, thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá năm 2020, ngành Thông tin và Truyền thông đã làm được nhiều việc, cũng như cả nhiệm kỳ 2015-2020, và tiếp nối những thành quả của các thế hệ đi trước, giữ gìn được những giá trị cốt lõi.
Theo đó, 2021 là năm đầu của nhiều giai đoạn quan trọng với Việt Nam, như 5 năm để vượt qua thu nhập trung bình thấp, 10 năm trở thành nước thu nhập trung bình cao, 25 năm để thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng xã hội chủ nghĩa. Và con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Advertisement
Advertisement