03/04/2019 03:58
Cơn sốt đất Đà Nẵng: Khi bụi tre, vườn chuối cũng có giá tiền tỷ (bài 1)
Cơn sốt đất ở Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhiều động thái “hãm đà” của chính quyền địa phương.
Bụi tre, vườn chuối giá tiền tỷ!
Cơn sốt đất tại Đà Nẵng và khu vực vùng ven biển Quảng Nam đã diễn ra nhiều năm nay nhưng “đỉnh điểm” nhất vẫn là những tháng đầu năm 2019, khi một loạt dự án lớn ở khu vực này được khởi công rầm rộ cùng sự đẩy giá đột ngột của giới cò đất.
Đó là câu chuyện có thực xảy ra tại các xã Hòa Tiến, Hòa Phong và Hòa Liên (Đà Nẵng) những tháng vừa qua. Khi các khu đất vùng trung tâm thành phố hay vệt dọc biển đã trở nên khan hiếm thì “đất quê” của thành phố đáng sống lại dậy sóng khi hàng ngày, có cả ngàn người đổ về đây săn đất.
Dẫn chúng tôi đi sâu vào con đường bê tông khổ rộng tầm 3,5m của thôn Nam Sơn (xã Hòa Tiến, Hòa Vang), anh Huỳnh Quốc T. (một cò đất chuyên nghiệp) liên tục thuyết giảng về hàng loạt dự án khủng sắp đổ bộ về vùng này.
Khách hàng đến phòng công chứng hợp đồng mua bán đất. (Ảnh chụp tại phòng công chứng Hòa Vang ngày 25/3/2019). |
“Sắp tới, thành phố sẽ xây dựng ở đây một khu du lịch đẳng cấp 5 sao. Từ đây về trung tâm thành phố rất gần, nó kẹp giữa quốc lộ 1A và cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, quá lý tưởng cho anh đầu tư”, T. giới thiệu.
Đi qua những mảnh vườn bỏ hoang, anh T. nói các lô đất ở đó đều đã có chủ. Giá mỗi lô dao động từ 800 triệu - 1 tỷ đồng (tùy theo diện tích). Gần cuối con đường bê tông là một khoảnh ruộng bỏ hoang lâu năm được cắm vài chiếc cọc để định vị lộ giới. T. nói lô đất này 100 m2 có giá 750 triệu đồng, nếu không mua nhanh sẽ hết hàng.
Khi tôi hỏi về sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì T. nói sẽ làm việc lại với chủ đất và gửi sổ qua zalo hoặc email.
Cách đấy không xa, quán cà phê của bà Ngà, nằm ở gần trụ sở Ủy ban nhân dân xã cũng tập trung khá đông khách hàng và môi giới đang ngồi bàn tính chuyện mua đất. Những giao dịch nhanh chóng được chốt giá và đưa ra công chứng.
Chỉ về phía bụi tre trước quán, bà Ngà cho biết, mảnh đất đó khoảng 120m2 đã bán qua 5-6 đời chủ và giá nhảy vọt từ 200 triệu đồng ban đầu nay cò “hét” giá 1,2 tỷ mới bán. “Chỉ gần tháng nay mà giá bụi tre đó nhảy vọt gần chục lần. Không biết dân ở đâu đổ xô đến mua đất, đặt cọc, làm xóm làng cũng náo động”, bà Ngà cho biết.
Ông Trần Thanh Lâu (người dân thôn Nam Sơn) cho hay: “Người ta cứ tung tin vùng này sắp có nhiều dự án lớn đổ về nên người đến xem đất cả ngày lẫn đêm. Dân trong vùng thấy đất có giá nên bán hết. Nhiều mảnh đất nông nghiệp bỏ hoang lâu nay cũng được cắm cọc rao bán. Dân trong làng, nhiều người cũng trở thành cò đất để lấy hoa hồng”.
Ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho hay, sau khi xảy ra tình trạng “sốt đất”, chính quyền địa phương đã nhiều lần cảnh báo người dân, đề phòng với các chiêu trò thổi giá của giới cò đất. Còn thực tế tại địa phương không có dự án lớn nào sẽ triển khai trong thời gian tới nên “cơn sốt sẽ cắt”, lúc đó người đến mua sau cùng sẽ gánh nợ.
“Người dân cũng không nên thấy giá đất cao mà bán hết ruộng, vườn, đất canh tác. Nó sẽ gây ra hệ lụy rất lớn cho tương lai khi mất hết đất canh tác, thất nghiệp… Hậu quả là cuộc sống của người dân sẽ khó khăn hơn”, ông Trúc nói.
Lợi dụng dự án để “thổi giá”
Tại xã Hòa Liên, một vùng thấp trũng của Đà Nẵng nằm vùng thượng nguồn sông Cu Đê lâu nay cũng bình yên với những cánh đồng lúa lớn giờ cũng bị giới cò đất đổ bộ về. Giá đất ở đây vì thế cũng tăng chóng mặt.
Tại một ki – ốt môi giới bất động sản vừa được dựng lên tại khu tái định cư Hòa Liên, anh Hoàng Xuân Huy (chủ ki-ốt) cho hay, đất vùng trung tâm đã cạn kiệt nên trục Tây Bắc thành phố là nơi đáng đầu tư nhất. Dù cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nhưng giá đất ở đây đã tăng 50-60% so với thời điểm cuối năm 2018. Trung bình mỗi lô đất có diện tích 100m2 cũng xấp xỉ giá 2-2.5 tỷ đồng (tùy theo đường 5,5m hay 7.5 m2).
“Hơn 1 tháng nay, nhiều đơn vị môi giới đã đổ về đây xây ki-ốt, lập sàn… nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng. Đợt rồi, thành phố đã khởi công nhiều dự án lớn trị giá hàng triệu đô la nên trục Tây Bắc càng nóng”, anh Huy cho hay.
Cơn sốt đất tại Hòa Liên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi hàng loạt dự án lớn vừa khởi công ở khu vực này. |
Trước khi Đà Nẵng khởi công Khu công nghệ thông tin tập trung (được xem là thung lũng Silicon của Đà Nẵng) thì hàng loạt dự án tiềm tàng khác như: xây dựng cảng nước sâu Liên Chiểu, Khu đô thị du lịch sinh thái Xuân Thiều… cũng được giới cò đất sử dụng để “thổi” giá đất trục Tây Bắc này thêm phi mã.
Tại khu đô thị Golden Hills do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư đã có bước nhảy ngoạn mục về giá so với thời điểm “đứng bánh” cách đây 1-2 năm. “Cách đây 1-2 năm thì khu đô thị này đìu hiu, không ai đến. Giá mỗi lô đất 100m2 lúc đó cũng chỉ tầm 400-500 triệu đồng, thanh khoản rất chậm. Nhưng giờ mỗi lô ở đây cũng hơn 2 tỷ đồng, có lô đường 10 cũng rao trên 3 tỷ đồng”, anh Huy thông tin.
Giải thích cho việc sốt đất này thì giới “cò đất” vẽ ra đủ kiểu dự án khủng sắp đổ về đây. Nào là dự án xây trục đường lớn kết nối khu công nghệ thông tin tập trung, di dời nhà máy thép, dự án xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy bay… Dù rằng, có những dự án nằm ở khu vực khác, không liên quan gì nhưng giới “cò đất” vẫn dựa vào đó để đẩy giá đất lên cao.
“Gần một tuần nay, giá đất tại nhiều khu vực của Quảng Nam và Đà Nẵng đang chững lại. Lượng giao dịch trên thị trường giảm hẳn. Tuy nhiên, giá trị mỗi lô đất vẫn ở mức cao, giá không giảm”, anh Trần Xuân Luân, Giám đốc Công TNHH môi giới và dịch vụ nhà đất Hoàn Cầu (Đà Nẵng) cho hay.
Cơn sốt đất Đà Nẵng: Đủ "chiêu trò" để giăng bẫy, thổi giá (bài 2)
Vẽ vời ra nhiều dự án triệu đô, thậm chí làm giả công văn của chủ tịch thành phố là những chiêu trò để thổi giá đất tăng cao.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp