Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Cơn sốt đất Đà Nẵng: Đủ "chiêu trò" để giăng bẫy, thổi giá (bài 2)

Vẽ vời ra nhiều dự án triệu USD, thậm chí làm giả công văn của người đứng đầu địa phương... là những chiêu trò để thổi giá đất tăng cao.

Đó là chiêu trò của giới cò đất khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng thời gian qua, khiến giá đất 2 địa phương này gần như có mức tăng cao nhất nước.

Làm giả công văn

Ngày 1/4, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc giả công văn của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ xảy ra từ cuối tháng 11/2018. Bước đầu, cơ quan công an đã xác định một số trang mạng xã hội Facebook đã lan truyền và phát tán công văn giả này. Những người này hiện đang làm môi giới tại các sàn bất động sản trên địa bàn thành phố.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện công văn của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký đồng ý chủ trương xây cầu nối từ Khu đô thị Nam Cầu Tuyên Sơn ở quận Ngũ Hành Sơn sang Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân ở quận Cẩm Lệ. 

Nội dung văn bản này như sau: "Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Giao thông Vận tải tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng cầu nối từ đường Bùi Tá Hán sang Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác. Giao Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp, chỉ đạo tiến hành việc xây dựng cầu nêu trên đảm bảo theo đúng quy trình, quy định của pháp luật hiện hành".

Công văn cảnh báo tình trạng cò đất tung tin đồn thất thiệt của UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Công văn cảnh báo tình trạng cò đất tung tin đồn thất thiệt của UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ngay sau khi văn bản này được lan truyền, giới cò đất đã đẩy giá đất khu vực này tăng 50-60% một lô. Hàng ngàn khách hàng đã đổ dồn về khu vực này để mua đất nhằm đón đầu dự án. Sau đó, UBND TP. Đà Nẵng đã phải ra công văn khẳng định văn bản nói trên là giả mạo. Đồng thời giao cơ quan công an điều tra, làm rõ những đối tượng xuyên tạc. Tuy nhiên, giá đất khu vực này vẫn ở mức cao, không có dấu hiệu chùng xuống.

Tương tự, mới đây, giới cò đất khu vực Nam Đà Nẵng mà thực tế là khu vực Hội An, Quảng Nam lại tung ra một văn bản giả mạo chữ ký và con dấu của ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn, khu phức hợp giải trí ở phường Cẩm Nam, TP. Hội An. 

Công văn này được giả mạo rất công phu với con dấu và chữ ký được in chìm. Trên các chuyên trang về bất động sản lập tức đăng tải công văn này với nhiều dạng thông tin như một casino đẳng cấp quốc tế, dự án chuỗi khách sạn 5 sao có vốn triệu USD... Đi kèm với đó là việc giá đất quanh khu vực này tăng giá từng giờ.

Ông Phạm Kiêu, Chủ tịch UBND phường Cẩm Nam cho biết, thời điểm đó, giới đầu cơ đất từ khắp nơi đổ về đây tìm đất, gây bát nháo, lộn xộn. Thực tế, trên địa bàn phường không có dự án nào lớn như vậy. Đây chỉ là trò của giới cò đất nhằm thổi giá đất tại khu vực này.

“Sau khi đã đẩy được giá đất lên cao, bây giờ giới cò đất cũng đã rút. Nhưng giá đất vẫn ở mức cao, người dân bình thường có nhu cầu về nhà ở cũng không mua nổi”, ông Kiêu cho hay.

Trước tình trạng bất ổn của thị trường, chính quyền TP. Hội An đã có công văn khẳng định văn bản lan truyền trên mạng của giới cò đất là giả mạo. Đồng thời, phát thông báo đề nghị người dân cảnh giác với các chiêu trò của giới cò đất. Hiện tại, tỉnh Quảng Nam cũng đang truy tìm người chế tác ra công văn giả mạo này.

Khổ vì tin đồn

Hết chiêu trò giả mạo văn bản, mới đây, vào giữa tháng 3, giới cò đất lại tung tin đồn về việc sát nhập thị xã Điện Bàn, Quảng Nam vào TP. Đà Nẵng. Dù không có văn bản, thông tin chính thức nào nhưng giới cò đất lại tỏ ra rất thạo tin trong vụ việc này.

Chị Lê Thị Kiều O., làm nghề môi giới đất ở Điện Bàn khẳng định: “Em cứ yên tâm đầu tư vào đây, chỉ vài tháng nữa thôi sẽ có quyết định chính thức của Chính phủ về việc sát nhập Điện Bàn về Đà Nẵng. Lúc đó, em nghiễm nhiên trở thành dân Đà Nẵng. Mà đất khu vực này không chỉ tăng gấp 2, gấp 3 mà phải tăng cao nhiều lần nữa”.

Cũng như chị O., giới cò đất khu vực Nam Đà Nẵng cũng vin vào đó để đẩy giá khu vực này lên cao ngất ngưởng. Nếu như cuối năm 2018, giá mỗi lô đất ở xã Điện Ngọc của huyện Điện Bàn khoảng 14-15 triệu/m2 thì nay lên đến 25-26 triệu/m2. 

Nhiều ki-ốt bất động sản mọc lên ngay tại các Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc của thị xã Điện Bàn khi cơ sở hạ tầng và pháp lý chưa hoàn thiện.
Nhiều ki-ốt bất động sản mọc lên ngay tại các Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc của thị xã Điện Bàn khi cơ sở hạ tầng và pháp lý chưa hoàn thiện.

Tin đồn này đã khiến các làng quê ở Điện Bàn thêm một lần nữa dậy sóng. Người dân mất ăn, mất ngủ tìm đủ mọi cách chuyển đổi từ đất vườn, đất nông nghiệp sang đất ở để bán với giá cao. Trước những tin đồn thất thiệt lan rộng, gây xáo trộn làng xã, ngày 9/3, UBND thị xã Điện Bàn đã có văn bản cảnh báo người dân. 

Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, về quy hoạch phát triển của thị xã đến năm 2030 thì không có chủ trương sát nhập thị xã Điện Bàn vào TP. Đà Nẵng. Một số đối tượng “cò” đất đã lợi dụng sự sôi động của thị trường bất động sản, tung tin thất thiệt đăng tải tràn lan trên mạng xã hội…

Đi kèm với đó là những chiêu trò kinh doanh đồn thổi thông tin về giá đất tăng cao của các nhóm, hội kinh doanh bất động nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Và cũng chính những nhóm này mua đi, bán lại đất đai bằng hợp động đặt cọc ảo để đánh lừa nhà đầu tư, người dân có nhu cầu về sử dụng đất nhằm tưởng rằng giao dịch sôi động quyết định đầu tư.

"Từ đó, gây sốt ảo về giá đất nhằm mua bán thu lợi, gây nhiễu loạn thông tin trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn”, công văn thị xã Điện Bàn nêu rõ.

Trước đó, tại Đà Nẵng, giới kinh doanh, đầu tư bất động sản cũng đã sốt sắng khi trên mạng xã hội cũng xuất hiện thông tin tách các xã Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Tiến của huyện Hòa Vang để thành quận mới có tên quận Hiếu Đức để thổi giá đất tại khu vực này. Ngay sau đó, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Bài 3: Cơn sốt đất Đà Nẵng: Vẽ dự án ma, kiện nhau ra tòa (bài 3)

Khi giá đất tăng cao, lượng khách giao dịch lớn, các đối tượng cò đất đã không ngại vẽ ra các dự án ma để bán cho khách hàng. Hiện tại, Công an Đà Nẵng đang điều tra những dự án ma này.

AN PHONG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement