16/09/2017 06:44
Có thể bỏ 95% điều kiện trong kinh doanh thực phẩm
Chiều 15/9, tại cuộc họp báo cáo về công tác rà soát các điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương, tổng hợp báo cáo của các đơn vị thành viên cho biết, có thể loại bỏ 612/1216 điều kiện kinh doanh. Riêng kinh doanh thực phẩm có thể bỏ 331/350 điều kiện.
Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Phú Cường cho biết: Vụ đã xây dựng và đề xuất 2 phương án thực hiện cắt giảm các ĐKKD ở lĩnh vực kinh doanh thực phẩm.
Phương án thứ nhất loại bỏ ít nhất 180/350 điều kiện. Phương án thứ 2 có thể loại bỏ 331/350 điều kiện để thực hiện quản lý hậu kiểm là chủ yếu. Tuy nhiên, để thực hiện được phương án này cần tối thiểu 1 năm nữa bởi phải tuân theo quy trình của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Báo cáo tổng hợp của Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) thể hiện, sau khi rà soát 27 ngành nghề từ các đơn vị, kết quả tổng hợp có thể khiến nhiều người bất ngờ bởi ít nhất cũng có thể cắt giảm 464/1216 điều kiện (nếu áp dụng phương án 1 của lĩnh vực kinh doanh thực phẩm; còn nếu áp dụng phương án 2 của lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, có thể giảm tới 612 điều kiện, tức là giảm tới 50,3% so với hiện tại.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc loại bỏ được bao nhiêu điều kiện không quá quan trọng mà cơ bản nhất là phải làm rõ những điều kiện gây khó khăn công tác huy động nguồn lực xã hội.
Do vậy, điều kiện nào gây cản trở mà không cần thiết thì phải loại bỏ ngay và việc quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới là phương án mang lại hiệu quả về lâu dài. Đồng thời Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng xác định hạn chót để các đơn vị đưa ra giải pháp, lộ trình cụ thể và báo cáo trước ngày 21/9 để xem xét quyết định.
Trong số 27 ngành nghề được rà soát, có 10 ngành nghề không có đề xuất cắt giảm bao gồm: kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; xuất khẩu gạo; tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng; kinh doanh khoáng sản; hoạt động mua bán hàng hóa và mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI; hoạt động dầu khí; kiểm toán năng lượng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sản xuất , gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài.
Advertisement