30/08/2023 08:05
Cổ phiếu VFS giảm kỷ lục hơn 40%, vốn hóa VinFast 'bốc hơi' 83 tỷ USD trong ngày 29/8
Cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Việt Nam, VinFast (Nasdaq: VFS) đã giảm hơn 40% vào phiên 29/8, xóa sạch mức tăng trong phiên trước đó.
Đóng cửa phiên 29/8, cổ phiếu VFS đứng ở mức 46,25 USD, giảm 43,84%, kéo vốn hóa thị trường của hãng xe điện này xuống còn hơn 107 tỷ USD, giảm 83 tỷ USD. Theo Nikkei, với mức giảm này, cổ phiếu VFS hiện là cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn Nasdaq.
Trước đó, cổ phiếu VinFast đã tăng 20% ở mức 82,35 USD/cổ phiếu khi đóng cửa phiên thứ Hai, đánh dấu mức tăng 688% kể từ khi ra mắt thị trường vào ngày 15/8. Khi đó, theo các nhà phân tích, vốn hóa VinFast đã bỏ xa hàng loạt tên tuổi nổi tiếng ngành công nghiệp ô tô như Porsche, BYD, Mercedes, BMW, Volkswagen, Stellantis, Ferrari...
Sự tăng trưởng vừa qua cũng đưa tổng giá trị của VinFast cao hơn một nửa số công ty trong chỉ số Dow Jones và gấp khoảng 10 lần quy mô của Walgreens Boots Alliance.
Từng có đà đi lên tiến sát vốn hóa của hãng xe giá trị thứ 2 thế giới là Toyota, tuy nhiên chỉ sau 1 phiên rơi mạnh, giá trị của VinFast hiện đã về sát với Porsche và BYD.
VinFast đã thu hút sự chú ý với nỗ lực đầy tham vọng vào thị trường xe điện của Mỹ. Tuy nhiên, những người theo dõi thị trường đều biết, số lượng VFS lưu hành ngoài thị trường nhỏ, khiến cổ phiếu này dễ biến động.
VinFast được thành lập vào năm 2017 và kinh doanh xe điện từ năm 2022. Cổ phiếu niêm yết trên sàn Nasdaq vào giữa tháng 8.
Trước đó, ngày 29/7 (giờ Việt Nam), VinFast chính thức khởi công dự án Nhà máy sản xuất xe điện tại hạt Chatham, Bắc Carolina, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu xe điện toàn cầu và tự chủ nguồn cung của hãng tại khu vực Bắc Mỹ.
Nhà máy VinFast tại Bắc Carolina có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2 tỷ USD, trên quy mô 733 ha và được chia thành 5 phân khu sản xuất chính, bao gồm: xưởng hàn thân vỏ, xưởng lắp ráp, xưởng dập, xưởng sơn và trung tâm năng lượng. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà máy sẽ có các công trình chức năng khác như nhà bảo vệ, nhà máy bơm, và nhà tập trung rác thải…
Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung sản xuất các mẫu xe điện VF 7, VF 8 và VF 9 để đáp ứng nhu cầu thị trường với công suất dự kiến là 150.000 xe/năm. Nguồn cung linh kiện phục vụ sản xuất sẽ được ưu tiên mua tại Mỹ, Việt Nam và một số nước trong khu vực. Việc mở rộng sản xuất và tăng quy mô nhà máy sẽ được VinFast xem xét và cân nhắc trên nhu cầu thực tế trong các giai đoạn tiếp theo.
Cùng với diễn biến của cổ phiếu VFS, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã giảm 27 tỷ USD còn 39 tỷ USD, tụt xuống hạng 30 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh.
Đồng thời, chủ tịch Vingroup cũng xuống vị trí người giàu thứ 4 châu Á sau khi vừa vươn lên vị trí thứ 2 vào ngày hôm qua với 66 tỷ USD.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp