04/07/2022 19:33
Cổ phiếu khuyến nghị 5/7: HAG, PVT, GEG, PC1
HAG, PVT, GEG, PC1 là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 5/7, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị HAG: Mua với giá mục tiêu 12.300 đồng/CP
CTCK Mirae Asset Việt Nam - MASVN: MASVN phát hành báo cáo lần đầu cho cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Sàn HOSE) với khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 12.300 đồng. Giá mục tiêu được xác định bằng phương pháp P/E với hệ số 11,2x (trung bình ngành) áp dụng trên EPS dự phóng pha loãng trung bình của năm 2022/2023.
HAG báo lãi sau thuế ước tính 431 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2022 nhờ xuất khẩu 65.000 chuối và tiêu thụ khoảng 6.000 tấn thịt lợn. Biên lợi nhuận gộp của mảng chuối ước tính 47,5% và của mảng lợn thịt ước tính vượt 32%. Đây là biên lợi nhuận rất cao trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh do chiến tranh Nga - Ukraina và giá thịt lợn trong nước đi xuống trong nửa đầu năm 2022.
Kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022 của HAG tốt hơn dự kiến do Trung Quốc đẩy mạnh mua chuối Việt Nam khi buộc phải giảm nhập khẩu chuối từ Phillipine và Ecuador trong bối cảnh giá vận chuyển đường biển tăng và cảng Thượng Hải phải đóng cửa do chính sách Zero-covid.
Bên cạnh đó, hiệp định RCEP cũng là một xúc tác đặc biệt giúp trái cây xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam vào Trung Quốc tăng trưởng trong dài hạn. Không chỉ vậy, việc sửdụng chuối thải, loại (chiếm 40% tổng sản lượng chuối) để nuôi lợn cũng giúp HAG giữ được biên lợi nhuận cao trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi cùng ngành đang rất khó khăn.
MASVN dự phóng doanh thu hợp nhất 2022 của HAG tăng 101,9% lên 4.234 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hợp nhất tăng 355% lên 924 tỷ đồng. Cơ sở của tăng trưởng doanh thu là sản lượng chuối thương phẩm tiêu thụ đạt 170.000 tấn (nhờ diện tích khai thác trung bình đạt 5.700ha) và sản lượng lợn thịt đạt 18,650 tấn (nhờ thị phần tăng mạnh khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải ngừng nuôi lợn do chi phí quá cao).
Biên lợi nhuận gộp 2022 dự phóng tăng mạnh 14,2 điểm phần trăm so CK nhờ giá chuối dự phóng tăng 12% so cùng kỳ, đồng thời tỉ trọng doanh thu chuối trong doanh thu hợp nhất tăng từ 45% lên 58%. Bên cạnh đó, lỗ tài chính cũng dự phóng giảm 58 tỷ đồng trên cơ sở giả định đợt phát hành riêng lẻ 162 triệu cổ phiếu trong nửa sau 2022 sẽ thành công.
MASVN kỳ vọng HAG tiếp tục đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng ở mức 59% và 21% trong giai đoạn 2023-2024 nhờ sản lượng trái cây, lợn thịt tiếp tục tăng trưởng cao ở mở rộng thị phần ở Trung Quốc và Việt Nam.
Khuyến nghị PVT: Khả quan
CTCK Bản Việt - VCSC: Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HOSE - Mã: PVT) đã công bố kế hoạch năm 2022 với doanh thu 6,5 nghìn tỷ đồng (-11,8% YoY) và LNST là 480 tỷ đồng (-42,7% YoY). Các kế hoạch trong năm 2022 cao hơn 8,3% và 18,8% so với con số kế hoạch năm 2021, cho thấy ban lãnh đạo kỳ vọng về triển vọng phục hồi trong năm 2022.
Trong khi đó, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng dự kiến trong năm 2022 của PVT đạt 78,4% và 46,8% dự báo tương ứng cả năm của VCSC, mà VCSC cho rằng là do công ty thận trọng trong việc đưa ra kế hoạch. VCSC lưu ý rằng con số lợi nhuận ròng thực tế của PVT luôn cao hơn gấp đôi so với kế hoạch trong 5 năm qua.
PVT nhận thấy triển vọng nhu cầu vận tải quốc tế cao hơn nhờ khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường biển. Trong khi khối lượng hàng hóa vận chuyển trên thế giới không tăng, xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự thay đổi cơ cấu trong các tuyến đường vận chuyển dầu thô, dầu thành phẩm, hóa chất, LPG và than, từ đó thúc đẩy nhu cầu luân chuyển hàng hóa do khoảng cách vận chuyển dài hơn.
Mức tăng giá cước của tàu chở dầu quốc tế hiện tại sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023 của PVT. Giá cước vận chuyển dầu thô, dầu thành phẩm và hóa chất đã tăng mạnh kể từ tháng 03/2022. Hiện tại, 80% đội tàu chở dầu của PVT đang hoạt động trên các tuyến quốc tế, chiếm 60% tổng doanh thu của PVT.
Hầu hết các hợp đồng quốc tế của PVT là hợp đồng thuê chuyến, trong khi một số hợp đồng khác theo phương thức hợp đồng giao ngay được hưởng lợi từ việc tăng giá cước của tàu chở dầu.
Tuy nhiên, do giá cước thuê chuyến cũng đang có xu hướng tăng theo giá cước giao ngay, PVT kỳ vọng giá cước cao hơn sẽ hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận của công ty trong các năm 2022 và 2023. Nhìn chung, công ty kỳ vọng giá cước sẽ cao hơn trong giai đoạn 2022-2023 so với năm 2021.
PVT đặt mục tiêu tích cực mở rộng công suất trong năm 2022, trong bối cảnh cân nhắc kỹ lưỡng về điều kiện lãi suất và thị trường. PVT đã đặt ra kế hoạch tích cực mở rộng công suất với việc đầu tư 6 tàu chở dầu cho công ty mẹ và 17 tàu chở dầu mới cho các công ty con.
VCSC lưu ý rằng PVT thường lên kế hoạch vốn XDCB đầy tham vọng vào đầu năm để nhận được sự chấp thuận của cổ đông trước và sau đó sẽ thực hiện kế hoạch khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Trong khi PVT chia sẻ rằng giá tàu chở dầu đã tăng lên kể từ năm 2021 và môi trường lãi suất tăng có thể là một thách thức, công ty vẫn nhìn thấy cơ hội trong mảng tàu chở hóa chất và than, và kỳ vọng có thể mua thành công từ 8 đến 10 tàu trong tổng số 23 tàu mới theo kế hoạch năm 2022.
Vận chuyển LNG là câu chuyện dài hạn. Theo PVT, việc Việt Nam nhập khẩu LNG ngày càng tăng cho thấy tiềm năng dài hạn cho PVT. Tuy nhiên, do giá trị đầu tư cho 1 tàu chở LNG khá cao (150-200 triệu USD cho tàu LNG đóng mới và 80-100 triệu USD cho tàu đã qua sử dụng 10 năm), PVT sẽ xem xét đầu tư theo hợp đồng thuê tàu trần có tùy chọn mua (thuê trước mua sau - thường sau 5 năm) khi nhu cầu vận chuyển LNG ở Việt Nam đủ cao.
Khuyến nghị GEG: Mua với giá mục tiêu 29.900 đồng/CP
CTCK Vietcombank (VCBS): 125,2 MW điện gió hoạt động cuối năm 2021 giúp lợi nhuận năm 2022 của Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán GEG) tăng trưởng tốt. 3 dự án trong đó có 1 dự án trên bờ hưởng mức giá 8,5 cent/kWh, còn lại 2 dự án gần bờ hưởng mức giá bán 9.8 cent/kWh đang vận hành khá ổn định và hầu như không bị cắt giảm công suất. Dự kiến sẽ đem lại lợi nhuận sau thuế khoảng 140 tỷ đồng trong năm 2022.
Tiếp tục đầu tư dự án điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW) và dự kiến còn điện gió VPL bến Tre giai đoạn 2 (30 MW), ĐMT Đức Huệ 2 (49 MWp). Hiện tại, TPĐ 1 thuộc dự án điện gió chuyển tiếp, đã ký hợp đồng PPA với EVN, đã có trong quy hoạch nhưng chưa phát điện kịp thời hạn 31/10/2021 để hưởng giá FIT 1, ngoài ra còn 1 trụ 4,8 MW tại dự án VPL cũng thuộc dạng này.
Chúng tôi kỳ vọng chính sách cho các dự án chuyển tiếp sẽ sớm được áp dụng sau khi có Quy hoạch điện 8 sẽ sớm được thông qua trong năm nay. Dự án VPL giai đoạn 2 sẽ được thực hiện khi có chính sách giá mới.
Quy hoạch điện 8 sẽ sớm được thông qua với kịch bản chuyển đổi năng lượng ưu tiên các loại hình năng lượng tái tạo như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời. GEG là cái tên đáng chú ý với việc liên tục đầu tư các dự án năng lượng tái tạo này.
Rủi ro cắt giảm công suất. Hiện tại, dự án Krongpa đang có tỷ lệ cắt giảm công suất cao nhất với khoảng 8%, tiếp theo đó là Trúc Sơn với tỷ lệ 7% do mạng lưới truyền tải không hấp thụ hết các dự án trong vùng.
Rủi ro chính sách cho điện gió chuyển tiếp. Các dự án không kịp hưởng giá FIT phải đợi các chính sách tiếp theo, nếu chính phủ không ban hành chính sách mới kịp thời, các dự án này sẽ không phát điện được để đem về doanh thu.
Định giá theo phương pháp DCF là 29.988 đồng/CP và phương pháp SOTP là 29.830 đồng/CP, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu GEG với giá mục tiêu là 29.900 đồng/CP.
Khuyến nghị PC1: Mua với giá mục tiêu 48.000 đồng/CP
CTCK Vietcombank (VCBS): Hoạt động kinh doanh truyền thống của CTCP Xây lắp điện 1 (PC1 – sàn HOSE) là xây lắp hệ thống truyền tải điện. Hiện nay, PC1 đang mở rộng rất mạnh sang mảng đầu tư nguồn điện như thủy điện và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, bất động sản dân cư hay khu công nghiệp cũng là định hướng quan trọng trong thời gian tới.
Kết quả kinh doanh thủy điện tốt trong quý II/2022 và tiếp tục đầu tư các dự án thủy điện nhỏ. Dự kiến, sản lượng thủy điện có thể đạt 150 triệu kWh (tăng 50% so với cùng kỳ) trong quý II. Ngoài ra, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 81 MW thủy điện nhỏ trong giai đoạn từ nay đến 2027.
Mỏ Nickel - Cu dự kiến hoạt động cuối năm 2023 với công suất GĐ 1 đạt 900 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm đem lại hiệu quả cao. Giai đoạn 2 có cùng công suất dự kiến hoạt động từ 2025. Tổng vốn đầu tư mỗi giai đoạn khoảng 1.500 tỷ đồng. Với giả định giá bán Nickel 14.000 USD/tấn và Đồng là 6.000 USD/tấn, mỏ có thể đem lại lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ khoảng hơn 200 tỷ đồng giai đoạn 1 và hơn 400 tỷ đồng/năm cho 2 giai đoạn.
Mảng xây lắp duy trì doanh thu mức cao nhờ các dự án điện gió chuyển tiếp. Trong năm nay giá trị hợp đồng ký mới lên tới hơn 5.500 tỷ với EPC dự án điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW), Trạm biến áp điện gió Khai Long 1, một số trạm biến áp - đường dây của EVN.
Đầu tư vào Western Pacific với dịch vụ logistic, hệ thống kho bãi rộng lớn, Khu công nghiệp Yên Phong II A (151 ha) sẵn sàng cho thuê năm 2023 và cụm công nghiệp Yên Lệnh (69 ha), cụm cảng Yên Lệnh (23 ha) đang được đấu thầu bắt đầu triển khai. Ngoài ra còn khoảng 1000 ha đang xin chủ trương đầu tư tại khu vực Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang.
Đã xin vào quy hoạch điện 8 công suất khảo sát lên tới 1.000 MW điện gió chủ yếu là điện gió gần bờ tại khu vực miền Trung với tốc độ gió trung bình lên tới 7 – 8m/s và gió đều. Đây sẽ là tiềm năng tăng trưởng dài hạn với hiệu quả cao do vận tốc gió lớn và đều.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 48.000 đồng/CP, theo phương pháp định giá SOTP.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp