02/08/2022 18:54
Cổ phiếu khuyến nghị 3/8: DXG, PVT, GMD, VCB, POW, MWG, CTG, HPG
DXG, PVT, GMD, VCB, POW, MWG, CTG, HPG là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 3/8, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị DXG: Khả quan với giá mục tiêu 36.700 đồng/CP
CTCK VNDirect - VND: CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE - Mã: DXG) ghi nhận doanh thu quý 2/2022 giảm 56,5% so với cùng kỳ xuống còn 1.550 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu bàn giao BĐS giảm 71% so với cùng kỳ bởi mức nền cao trong năm 2021.
Do nhiều dự án của DXG chưa bàn giao và ghi nhận trong quý, trong nửa đầu năm DXG mới hoàn thành cất nóc dự án Opal Skyline và chỉ ghi doanh thu từ dự án Gem Skyworld và St. Moritz với tỷ trọng lần lượt là 64% và 36% doanh thu phát triển BĐS. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2022 giảm lần lượt 48,9%/43,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 28,3%/31,5% dự phóng của VND.
Bên cạnh đó, Gem Riverside và Gem Premium là hai dự án lớn của DXG thuộc phân khúc cao cấp đã hoàn thiện pháp lý sau nhiều năm hoãn lại và sẽ lần lượt được mở bán trong quý 3/2022 và 2024.
Với quỹ đất còn hạn chế tại khu vực nội thành ven sông Sài Gòn, VND kì vọng hai dự án này sẽ được hưởng lợi nhờ đà tăng giá và sẽ là động lực tăng trưởng, đóng góp doanh thu lớn cho DXG trong giai đoạn 2024-2026. Theo ước tính, dự án Gem Riverside có thể đem lại 9.155 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong giai đoạn 2024-2026.
VND nhận thấy, ngành BĐS đang đối mặt với nhiều thách thức làm ảnh hưởng đến triển vọng ngành, gồm: 1) lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà, 2) giá vật liệu tăng có thể làm tăng giá nhà ở và 3) thắt chặt các khoản vay ngân hàng ở lĩnh vực BĐS và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Từ đó, VND thay đổi dự phóng doanh thu 2022/23 của DXG giảm lần lượt 2,5%/2,4% so với dự phóng trước đó, lợi nhuận ròng 2022/2023 giảm lần lượt 3,9%/2,6% so với dự phóng trước đó. Bất chấp thách thức với toàn ngành BĐS, VND vẫn cho rằng DXG nhiều khả năng sẽ đạt được dự phóng nhờ thị phần dẫn đầu mảng dịch vụ và được thúc đẩy bởi quỹ đất lớn tại các vị trí chiến lược.
Theo đó, VND duy trì Khuyến nghị Khả quan và nâng giá mục tiêu lên 36.700 đồng/cp. VND nâng giá mục tiêu 46,8% so với báo cáo trước đó nhằm phản ánh tiềm năng tăng trưởng KQKD, cùng với quỹ đất, dự án tại các vị trí chiến lược. Tiềm năng tăng giá: 1) giá bán các dự án tại Bình Dương, TP.HCM cao hơn so với dự kiến. Rủi ro giảm giá gồm 1) lãi suất vay mua nhà tăng cao hơn dự kiến ảnh hưởng tới quyết định mua nhà, tỷ lệ hấp thụ và 2) giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao.
Khuyến nghị PVT: Khả quan với giá mục tiêu 26.300 đồng/CP
CTCK VNDirect - VND: Doanh thu quý 2/2022 của Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) tăng 19,6% so với cùng kỳ đạt 2.265 tỷ đồng nhờ hoạt động kinh doanh chính – mảng vận tải tăng trưởng mạnh (+30,7% so với cùng kỳ) do: (1) giá cước tàu chở dầu tăng sau cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, và (2) đóng góp từ các tàu mua mới. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp quý 2/2022 giảm 0,7 điểm % so với cùng kỳ xuống 19,5% do mảng thương mại & dịch vụ giảm.
Bên cạnh đó, PVT ghi nhận chi phí tài chính ròng là 31,5 tỷ đồng trong quý 2/20922 so với mức lợi nhuận tài chính ròng 26 tỷ đồng trong quý 2/2021 do: (1) PVT tăng nợ vay (+19% kể từ đầu năm) để tài trợ cho việc trẻ hóa đội tàu, và (2) PVT ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 18 tỷ đồng (+9 lần so với cùng kỳ). Do đó, lợi nhuận ròng giảm 11,8% so với cùng kỳ xuống 212,8 tỷ đồng trong quý 2/22.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu tăng 18,7% so với cùng kỳ lên 4.287 tỷ đồng, trong đó mảng vận tải tăng 27% so với cùng kỳ, chiếm 76% tổng doanh thu (mức cao nhất trong 5 năm qua). Trong khi đó, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2022 giảm nhẹ 3,3% so với cùng kỳ xuống 365,4 tỷ đồng chủ yếu do chi phí tài chính bất thường. Kết quả này vẫn phù hợp với kỳ vọng của VND, hoàn thành 44,9% dự báo cả năm 2022.
Với việc các nhà sản xuất dầu mỏ nhiều khả năng sẽ gia tăng sản lượng trong bối cảnh giá cả cao như hiện nay, nhu cầu vận tải dầu khí sẽ phục hồi mạnh hơn, mang lại lợi ích cho các công ty vận tải dầu khí như PVT.
Do đó, VND tin tưởng vào triển vọng tích cực của PVT từ nửa cuối năm 2022 khi nhiều hợp đồng thuê tàu kỳ hạn có thể được gia hạn với giá cước tốt hơn. Ngoài ra, nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động hết công suất sẽ đảm bảo sản lượng vận chuyển cho PVT ở thị trường nội địa.
Đáng chú ý, khoản lợi nhuận bất thường ~100 tỷ đồng từ kế hoạch thanh lý tàu chở dầu trong nửa cuối năm nay cũng sẽ hỗ trợ lợi nhuận ròng của PVT tăng 23,4% so với cùng kỳ trong 2022. Nhìn chung, VND dự báo tăng trưởng kép lợi nhuận ròng là 13% trong năm 2022-2024, được hỗ trợ bởi: (1) sự đóng góp của các tàu mới và (2) nhu cầu vận tải dầu khí phục hồi, kéo theo giá cước thuê tàu tăng lên trong thời gian tới.
Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả quan cho cổ phiếu VPT với giá mục tiêu không đổi là 26.300 đồng/cp, dựa trên tỷ trọng tương đương định giá DCF và P/E mục tiêu 2022-2023 là 10,4 lần. Động lực tăng giá là giá cước cao hơn và lợi nhuận bất thường từ thanh lý tàu. Rủi ro giảm giá đến từ khối lượng vận chuyển thấp hơn dự kiến và việc giá dầu giảm có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường đối với giá cổ phiếu.
Khuyến nghị GMD: Xem xét mua ở mức giá hiện tại
CTCK Yuanta Việt Nam – FSC: CTCP Gemadept (HOSE - Mã: GMD) ghi nhận doanh thu thuần trong quý 2/2022 đạt 978 tỷ đồng, tăng 30% YoY, lợi nhuận trước thuế đạt 370 tỷ, tăng 89% YoY. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, GMD ghi nhận doanh thu thuần 1,858 tỷ đồng, tăng 29% YoY, lợi nhuận trước thuế đạt 720 tỷ đồng, tăng 86% YoY. Như vậy, GMD đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Doanh thu quý 2/2022 của GMD tăng trưởng ở cả 2 mảng chính: khai thác cảng và logistics – cho thuê văn phòng – các hoạt động khác. FSC nhận thấy doanh thu mảng khai thác cảng tiếp tục duy trì tăng trưởng trong quý 2/2022, tuy chậm hơn so với quý 1/2022 do tình hình xuất nhập khẩu cả nước chịu ảnh hưởng lớn từ lạm phát và chi phí vận tải tăng cao.
Biên lợi nhuận quý 2 tăng lên mức 44,6% (cùng kỳ 42,4%) nhờ tăng giá dịch vụ cảng. Lợi nhuận GMD tăng mạnh còn nhờ lãi từ công ty liên doanh, liên kết đạt 100 tỷ đồng, tăng 43% YoY, FSC cho rằng lý do là nhờ cảng Gemalink đã có lãi từ quý 4/2021.
Trong 2022, FSC cho rằng, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan, theo số liệu mới nhất, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 7/2022 tiếp tục tăng trưởng 6,4% YoY, giá trị lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 tăng 15,1% YoY. Tình hình xuất nhập khẩu sẽ hồi phục rõ nét hơn khi các yếu tố lạm phát cũng như chi phí xăng dầu đang dần hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, 2 thông tin vẫn đang tác động tích cực lên giá cổ phiếu là: 1) kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của GMD để bổ sung vốn cho giai đoạn 2 cảng Nam Đình Vũ (tỷ lệ 3:1 với giá chào bán 20.000 đồng/cổ phiếu), sau khi hoàn thành 2 dự án này, tổng công suất GMD sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại; 2) Ban lãnh đạo cho biết hiện đang làm việc với các bên về việc chuyển nhượng 24% cổ phần Gemalink, vẫn sẽ ưu tiên đối tác hãng tàu để tối ưu hiệu suất Gemalink.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, GMD đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 20.6x (tương ứng EPS TTM là 2.426 đồng). Mức Stock Rating của GMD ở mức 86 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của GMD đóng cửa tăng 5% với khối lượng giao dịch tăng mạnh trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, nhưng đồ thị giá có khả năng sẽ xuất hiện ở 1-2 phiên giao dịch tới khi đồ thị giá vượt ra khỏi dãi Bollinger và chạm đường trung bình 50 phiên.
Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của GMD cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi mức Sức mạnh giá trên 80 điểm.
Khuyến nghị VCB: Mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng dưới 5%
Ở mức giá hiện tại, VCB (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) đang được giao dịch tại P/B dự phóng năm 2022 là 2,5x, cao hơn đáng kể so với trung bình ngành là 2,4x. Mức Stock Rating của VCB ở mức 72 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TRUNG TÍNH mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của VCB đóng cửa tăng 3% với khối lượng giao dịch tăng mạnh trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và vượt đường trung bình 50 phiên cho nên FSC đánh giá xu hướng ngắn hạn của VCB sẽ rõ ràng hơn trong những phiên giao dịch tới.
Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của VCB cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu khi mức Stock Rating trên 80 điểm.
Khuyến nghị POW: Chốt lãi khi trở về ngưỡng đỉnh 16.000 đồng/CP
CTCK BIDV – BSC: POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP - Sàn HOSE) đang nằm trong nhịp hồi phục sau khi điều chỉnh về ngưỡng đáy ngắn hạn 13.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên ngưỡng MA20 và MA50, báo hiệu xu hướng tăng giá trung hạn. Chỉ báo MACD và RSI đều đang cho thấy xu hướng tích cực.
BSC khuyến nghị nhà đầu có thể mở vị thế tại ngưỡng 13.75 và chốt lãi khi cổ phiếu trở về ngưỡng đỉnh 16.0. Cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 13.0.
Khuyến nghị MWG: Tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC): CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 gần đây với doanh thu thuần tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 34,3 nghìn tỷ và lợi nhuận ròng giảm 6,8% xuống 1,131 tỷ so với mức cao nhất trong quý II/2021.
Tựu chung, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2022 của MWG là 70,8 nghìn tỷ (tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2.576 tỷ đồng (tăng 0,9%); hoàn thành 51%/ 41% dự báo tương ứng năm 2022 của chúng tôi.
Giá cổ phiếu của MWG đã điều chỉnh đáng kể 17,5%, mạnh hơn mức giảm của VNIndex là 9,5% trong 3 tháng qua.
BVSC duy trì khuyến nghị Outperform với MWG dựa trên triển vọng khởi sắc hơn của BHX hậu thay đổi layout và việc mở rộng thị phần vững chắc của Thế giới di động và Điện máy xanh. Tuy nhiên dự báo và giá mục tiêu của chúng tôi đang được xem xét lại.
Khuyến nghị CTG: Tích cực với giá mục tiêu 33.800 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC): Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán CTG – sàn HOSE) là một trong những ngân hàng có sự cải thiện mạnh mẽ nhất trong vài năm qua.
Trong giai đoạn từ 2018-2021, CTG tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân là 39%, ROE tăng từ mức 8% lên 15,7%.
Trong năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như việc Vietinbank đẩy mạnh hoạt động trích lập dự phòng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhưng điều này tạo ra bộ đệm và nhiều khả năng sẽ làm cho CTG tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cho năm 2022 là 43%.
Do đó chúng tôi đánh giá OUTPERFORM đối với CTG với mức giá mục tiêu là 33.800 đồng/CP (tiềm năng tăng giá là 17,8% so với mức giá đóng của ngày 01/8/2022 là 28.700 đồng/CP).
Khuyến nghị HPG: Khả quan
CTCK Agribank (AGR): Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) đạt lần lượt 82 nghìn tỷ đồng và 12,2 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và HRC đạt lần lượt 2,38 triệu tấn (tăng 29% so với cùng kỳ) và 1,4 triệu tấn (tăng 7%). Sản lượng tiêu thụ ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 377.000 tấn và 180.000 tấn, tương đương cùng kỳ 2021.
Chúng tôi cho rằng thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh trong quý 2 của doanh nghiệp đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Kỳ vọng quý III/2022 sẽ phục hồi khi:
Kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trong nửa cuối năm, đặc biệt là các đoạn cao tốc khu vực phía Nam sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện sản lượng bán hàng trong nước nửa cuối năm 2022. Thị phần thép xây dựng – một sản phẩm chính của HPG đứng đầu trong các nhà sản xuất, thường xuyên dao động trong khoảng 30-35% và lên tới gần 50% riêng tại khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, HPG cũng đang tích cực triển khai việc bán hàng ở kênh xuất khẩu, thị phần thép xây dựng xuất khẩu của HPG là khoảng 50%.
Thêm vào đó, giá thép thanh và HRC có dấu hiệu phục hồi (5%) từ cuối tháng 7 trước những tin tức chính phủ Trung Quốc đang đưa ra những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Theo đó, kỳ vọng rằng giá thép và sản lượng tiêu thụ thép sẽ dần phục hồi khi thị trường bất động sản tại Trung Quốc ấm lên.
Việc giá cổ phiếu đã giảm tới 50% kể từ vùng đỉnh thiết lập trong nửa cuối năm 2021 khiến HPG đang giao dịch với mức giá 22.000 đồng/CP, tương đương P/B 1.3x, là mức P/B thấp nhất được ghi nhận kể từ khi đưa dự án Dung Quất 1 vào vận hành chính thức từ năm 2020.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp