10/07/2022 19:44
Cổ phiếu khuyến nghị 11/7: KBC, TLG, POW
KBC, TLG, POW à những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 11/7, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị KBC: Mua với giá mục tiêu là 40.000 đồng/CP
CTCK Agribank (AGR): Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC – sàn HOSE) có quỹ đất khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê lớn, khoảng hơn 1.300ha với các lợi thế về vị trí địa lý, uy tín sẽ đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.
Dự kiến năm 2022 KBC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng chính từ dự án khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (118ha) và KĐT Phúc Ninh (khoảng 6ha). Kỳ vọng Khu đô thị Tràng Cát sẽ là nguồn thu chính trong tương lai khi KBC dự định sẽ chuyển nhượng khoảng 50ha bán đất Tràng Cát, thu về 10.000 – 20.000 tỷ đồng và một phần sẽ hợp tác đầu tư dự án khách sạn 5 sao với tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD trong tương lai. Mới đây, việc KBC tăng tỷ lệ sở hữu từ 19,5% lên 48% tại công ty CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng kỳ vọng sẽ đóng góp thêm vào lợi nhuận của KBC trong năm 2022 nhờ các dự án khu công nghiệp Sài Gòn - Chân Mây, khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, khu công nghiệp Liên Chiểu.
KBC và công ty con mới đây ký các biên bản ghi nhớ MOU hơn 8 tỷ USD với các doanh nghiệp Hoa Kỳ: (1) Hợp tác với đối tác Hayward Quartz Technology phát triển dự án nhà máy công nghệ cao sản xuất chất bán dẫn 1,3 tỷ USD tại khu công nghiệp Kim Thành, Hải Dương; (2) Ký kết với Hyatt Hotel Resort and Casino đầu tư dự án khách sạn 5 tỷ USD tại Khu đô thị Tràng Cát; (3) Ký với ACI Capital và IDG Capital dự án Khu công nghệ cao quy mô 500ha chuyên về sản xuất linh kiện điện tử 2 tỷ USD.
Nhiều dự án gối đầu tạo động lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn: Các dự án mới được chấp thuận đầu tư ở Long An, Hải Dương, Hưng Yên với tổng diện tích 2.000 ha sẽ nối tiếp quỹ đất hiện tại góp phần thúc đẩy tăng trưởng đà tăng của KBC trong dài hạn.
Do đó chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 40.000 đồng/CP.
Khuyến nghị TLG: Mua với giá mục tiêu là 56.000 đồng/CP
CTCK Agribank (AGR): Cập nhật kết quả kinh doanh tháng 4 và tháng 5, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TLG – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 630 tỷ đồng (tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái) và 92 tỷ đồng (tăng 94%).
Qua đó, lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu đạt 1.427 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái); lợi nhuận sau thuế đạt 207 tỷ đồng (tăng 56%). Trong đó, xuất khẩu là động lực giúp kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, xuất khẩu đã tăng trưởng hơn 44% so với cùng kỳ.
Doanh số bán hàng kỳ vọng có sự phục hồi mạnh mẽ đặc biệt là trong Quý 3 do cùng kỳ hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid. Mọi người học và làm việc ở nhà dẫn tới nhu cầu văn phòng phẩm giảm mạnh (Quý III/2021 lợi nhuận sau thuế còn 3,7 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với các quý khác).
Động lực dài hạn từ Nhà máy Thiên Long Long Thành đang triển khai xây dựng và có thể đi vào hoạt động từ cuối năm nay giúp gia tăng công suất đáng kể cho doanh nghiệp.
TLG có cơ cấu tài chính lành mạnh, trả cổ tức bằng tiền mặt đều hàng năm với suất cổ tức khoảng 5%.
Do đó chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu TLG với giá mục tiêu 56.000 đồng/CP.
Khuyến nghị POW: kỳ vọng 80-90% sản lượng điện sẽ được bán cho EVN qua hợp đồng PPA
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Theo như quan sát của chúng tôi trên thực địa và thông tin từ BLĐ, Nhơn Trạch 3&4 đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và bắt đầu công việc san lấp đất trong khi chờ quy hoạch nhà máy cụ thể được Bộ Công thương phê duyệt, Ban lãnh đạo kỳ vọng 2 nhà máy Nhơn Trạch 3&4 sẽ lần lượt đi vào vận hành thương mại trong quý 4/2024 và quý 2/2025.
Ban lãnh đạo cho biết POW đã thảo luận về hợp đồng mua bán khí LNG dài hạn với PV GAS qua kho LNG Thị Vải và kì vọng hợp đồng mua bán điện (PPA) và hợp đồng mua bán khí (GSA) sẽ được hoàn thành trong năm 2022. POW cũng cho biết đang đàm phán với EVN về hợp đồng mua bán điện với kì vọng 80-90% sản lượng điện sẽ được bán cho EVN qua hợp đồng mua bán điện (PPA) với toàn bộ biến động giá khí LNG sẽ được chuyển qua giá bán cho EVN – tương tự như cơ chế mua bán điện cho các nhà máy điện khí và than hiện tại.
Về tình hình giá LNG, Ban lãnh đạo POW cho rằng giá khí và giá LNG đang bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, dẫn tới giá LNG tăng mạnh, đạt 30 USD/MMBTU với giá LNG giao ngay và 15 USD/MMBTU với các hợp đồng dài hạn. Dựa trên dự báo giá LNG dài hạn của Wood Mackenzie, BLĐ cho rằng giá LNG trong dài hạn sẽ giảm và có thể cạnh tranh được với các loại hình nguồn điện khác. Hợp đồng cung cấp LNG giữa POW và PV GAS dự kiến sẽ có thời hạn 15 năm để đảm bảo mức giá cạnh tranh cho sản xuất và phát điện của POW.
Về vấn đề huy động vốn, POW cho biết công ty đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh dài hạn tới năm 2030 cùng với mức xếp hạng tín nhiệm BB với triển vọng tích cực từ Fitch sẽ giúp công ty tài trợ cho dự án bằng việc vay nợ ngân hàng với tổng gói vay trị giá khoảng 900 triệu USD và vốn chủ sở hữu 300 triệu USD. Công ty kì vọng mức lãi suất huy động được sẽ ở mức hấp dẫn trong mặt bằng môi trường lãi suất biến động như hiện nay.
Vũng Áng 1 sẽ đi vào hoạt động ổn định trong quý 1/2023 — Sau khi xảy ra sự cố tại Vũng Áng 1, POW đã gửi các turbine ra nước ngoài để sửa chữa. Công ty cũng đang làm việc với bên giám định để có thể nhận được phần đền bù từ bảo hiểm gián đoạn kinh doanh khoảng 300 tỷ đồng. Ban lãnh đạo dự kiến Vũng Áng 1 sẽ hoàn thành việc sửa chữa và hoạt động hồi phục hoàn toàn trong tháng 2/2023.
Theo Ban lãnh đạo, nguồn khí của Cà Mau 1&2 được lấy từ mỏ PM3-CAA do liên doanh PV GAS và Petronas điều hành. Tuy nhiên từ 2019, Cà Mau 1&2 đã xảy ra tình trạng thiếu khí và phải kí hợp đồng mua thêm từ Petronas. Trong tương lai, BLĐ kì vọng rằng việc đưa vào vận hành lô B và việc nhiệt điện Cà Mau 3 sử dụng khí LNG sẽ là 2 nguồn cung khí thay thế mới hiện hữu, giúp cho Cà Mau 1&2 tránh tình trạng thiếu nguồn cung khí như hiện nay.
Về nhiệt điện Nhơn Trạch 1, Ban lãnh đạo cho biết nguồn cung khí cho khu vực Đông Nam Bộ chủ yếu cung cấp cho cụm nhiệt điện Nhơn Trạch và cụm nhiệt điện Phú Mỹ, trong đó Nhơn Trạch 1 là nhà máy ở cuối nguồn nên nguồn khí không được ưu tiên. Tuy nhiên trong năm 2023, khi 2 nhà máy nhiệt điện BOT là Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 được trao trả lại cho EVN và phải tham gia thị trường điện thì lượng khí cho 2 nhà máy này sẽ không được ưu tiên như trước. Theo Ban lãnh đạo, đây là một cơ hội để Nhơn Trạch 1 có đủ nguồn khí vận hành và phục hồi tình hình kinh doanh như trước đây.
POW đã công bố kế hoạch kinh doanh cho nửa cuối năm 2022 như sau: (1) Sản lượng điện đạt từ 6.9 – 7.4 tỷ kWh, (2) Doanh thu đạt từ 14 – 16 nghìn tỷ đồng, (3) lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến nửa cuối năm 2022 sẽ thấp hơn nửa đầu năm 2022, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 2022 sẽ vượt từ 10-30% kế hoạch năm.
POW sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung nguồn lực phát triển dự án Nhơn Trạch 3&4 thông qua lợi nhuận chưa phân phối. Công ty sẽ xem xét chi trả cổ tức bằng cổ phiếu vào thời điểm thích hợp trong tương lai.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp