11/05/2022 17:12
Cổ phiếu bất động sản hút dòng tiền tăng mạnh
Tương tự diễn biến ngày giao dịch hôm qua, ngày giao dịch hôm nay (11/5) cũng kết thúc trong sắc xanh, dù trước đó đa phần thời gian ngập trong sắc đỏ.
Đáng chú ý, về cuối phiên, nhóm cổ phiêu bất động sản bất ngờ hút được dòng tiền và tăng mạnh; trong đó, các mã cổ phiếu CEO, DIG, LDG, FID, NBB, HDC, NVT, CCL đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, FLC, VRE, DXG, VHM... cũng tăng tích cực.
Trong phiên giao dịch sáng, sau khi giằng co quanh mốc 1.290 điểm, VN-Index bị đẩy xuống vùng 1.280 điểm cuối phiên với thanh khoản gần như cạn kiệt do dòng tiền thận trọng.
Tuy nhiên, bước vào phiên chiều, giống như phiên thứ Tư tuần cuối tháng 4, VN-Index lại được kéo lên trong phiên chiều theo VN30. Đà hồi phục này đã kích thích lòng tham của nhà đầu tư, dòng tiền theo đó cũng túc tắc hoạt động trở lại, nhưng hướng chủ yếu vào nhóm cổ phiếu thị trường với kỳ vọng sẽ có được lợi nhuận lớn sau chu kỳ T+ như tuần cuối tháng 4.
Sự tham lam của dòng tiền giúp nhiều cổ phiếu có tính đầu cơ nổi sóng với sắc tím xuất hiện nhiều hơn trên bảng điện tử với 19 mã so với 4 mã trong phiên sáng. Trong đó có các mã đáng chú ý như ROS, DIG, NBB, CII, NVT, LDG…, hay một số mã bluechip như EIB, REE.
Số khác dù không đủ lực để lên kịch trần, nhưng cũng tăng mạnh như FLC, HAR, VRC, SII, DRH, HAI, HQC, LGL, AMD, DLG, SCR…
Đà hồi phục của VN-Index phiên hôm nay nhờ chủ yếu vào VN30 khi nhóm bluechip như từ 2 mã tăng, 28 mã giảm phiên sáng, đến phiên chiều có tới 16 mã tăng, trong khi số mã giảm chỉ còn 13 mã và 1 mã đứng giá. VN30-Index tăng 4,36 điểm (+0,32%), lên 1.349,82 điểm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 7,97 điểm (+0,62%), lên 1.301,53 điểm với 294 mã tăng và 143 mã giảm, trong đó không còn mã nào giảm sàn. Tuy nhiên, đà hồi này chủ yếu đến từ việc bên bán tiết cung giá thấp, hơn là sự hoạt động tích cực của dòng tiền, nên thanh khoản sụt giảm khá mạnh.
Theo đó, tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 415 triệu đơn vị, tổng giá trị 11.426,3 tỷ đồng, giảm 37,5% về khối lượng và 35,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 37 triệu đơn vị, giá trị 1.226 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng chỉ còn SHB và STB giảm, nhưng không mạnh, trong đó STB là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 13 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, ngoài EIB tăng trần, mã tăng mạnh tiếp theo là CTG với mức tăng 6% lên 26.700 đồng, là mã đóng góp lớn nhất về điểm số cho VN-Index hôm nay với 1,8 điểm. Tiếp đến là VIB tăng 2,7% lên 39.450 đồng, ACB tăng 2,6% lên 31.600 đồng, MBB tăng 1,7% lên 27.500 đồng, còn lại chỉ ở mức tăng khiêm tốn.
Nhóm chứng khoán kém tích cực hơn khi sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, nhưng mức biến động giá không lớn khi cả phía tăng và giảm đều không vượt quá 3%.
Tương tự là nhóm thép, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, chỉ có 4 mã tăng, trong đó mã lớn nhất ngành là HPG giảm 1,1% xuống 40.650 đồng.
Trong nhóm thị trường, ROS và DIG khớp 11,9 triệu đơn vị và 11,6 triệu đơn vị, đóng cửa còn dư mua trần lần lượt là hơn 1,5 triệu đơn vị (5.160 đồng) và hơn 316.000 đơn vị (56.700 đồng).
Trong khi đó, HQC tăng 4,7% lên 5.810 đồng, khớp 9,8 triệu đơn vị. FLC tăng 6,5% lên 7.720 đồng, khớp 9,7 triệu đơn vị. ITA tăng 1,7% lên 11.700 đồng, khớp 5 triệu đơn vị.
LDG, CII, HDC và NBB cũng đều còn dư mua trần, trong đó lớn nhất là CII còn dư mua trần gần 2,4 triệu đơn vị (mức giá 20.500 đồng), khớp hơn 4,1 triệu đơn vị.
HNX-Index cũng trở lại trong phiên chiều, nhưng không lấy lại mức đỉnh đã xác lập đầu phiên sáng, thậm chí cuối phiên đà tăng còn hạ nhiệt đôi chút theo nhóm HNX30.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 3,01 điểm (+0,91%), lên 333,04 điểm với 144 mã tăng và 66 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,1 triệu đơn vị, giá trị 1.109,2 tỷ đồng, giảm 32,7% về khối lượng và 23,3% về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,9 triệu đơn vị, giá trị 78 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu có tính thị trường đều tăng mạnh hôm nay với CEO lên trần 36.300 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần. ART cũng lên lại mức trần như đầu phiên sáng 6.600 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị và cũng còn dư mua giá trần. APS vững vàng ở mức trần 18.800 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị.
Các mã khác không có sắc tím, nhưng cũng tăng mạnh như KLF tăng 6,8% lên 4.700 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị. HUT tăng 2,2% lên 23.300 đồng, khớp 2,27 triệu đơn vị. IDJ tăng 8,8% lên 18.500 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị. BII tăng 6,3% lên 6.800 đồng, khớp 1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã bluechip cũng tăng tốt như PVS tăng 3,3% lên 25.000 đồng, khớp 8,11 triệu đơn vị, đứng đầu sàn. SHS tăng 1,9% lên 16.300 đồng, khớp 3,08 triệu đơn vị. IDC tăng 2,8% lên 51.500 đồng, khớp 2,27 triệu đơn vị…
Trong khi đó, dù nỗ lực, nhưng UPCoM lại không thể trở lại tham chiếu như 2 sàn niêm yết.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,27 điểm (-0,27%), xuống 98,79 điểm với 244 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,4 triệu đơn vị, giá trị 419,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,5 triệu đơn vị, giá trị 20,2 tỷ đồng.
Hôm nay có 5 mã trên thị trường này có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là VHG (2,6 triệu), PAS (2,1 triệu), BSR (1,6 triệu), C4G (1,25 triệu) và ABB (1,15 triệu). Tất cả các mã này đều tăng, trong đó VHG tăng 10% lên 5.500 đồng, PAS tăng 1,1% lên 17.700 đồng, BSR tăng 3% lên 20.500 đồng, C4G tăng 4,4% lên 14.200 đồng, ABB tăng nhẹ 0,9% lên 11.600 đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ theo thị trường cơ sở và cũng có biên độ dao động lớn. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 5 có biện độ từ mức cao nhất và thấp nhất lên tới 30,8 điểm, đóng cửa tăng nhẹ 2 điểm (+0,15%), lên 1.337 điểm với 297.281 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 38.111 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ và xanh khá cân bằng, trong đó có 2 mã giảm hơn 40% đều do VSCS phát hành là CMSN2111 giảm 45,5% xuống 60 đồng, thanh khoản 45.200 đơn vị và CKDH2205 giảm 40% xuống 480 đồng, thanh khoản 32.500 đơn vị.
Trong khi mã tăng mạnh nhất cũng là phái sinh của KDH nhưng do MBS phát hành là CKDH2202 tăng 31,3% lên 420 đồng, thanh khoản 139.100 đơn vị. Mã có thanh khoản nhất là CHPG2203 do HSC phát hành với hơn 2,35 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,1% xuống 700 đồng. Tiếp đến là CFPT2203 do VND phát hành với gần 1,14 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,7% lên 4.000 đồng.
(Nguồn: TTXVN/ĐTCK)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp