Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chuyên gia: Mô hình hồi phục chữ K ngày càng rõ nét, cần thận trọng với các cổ phiếu vừa và nhỏ

Chứng khoán

26/10/2021 09:51

Theo các chuyên gia, bước vào giai đoạn bình thường mới mô hình phục hồi kinh tế hình chữ K ngày càng thể hiện rõ hơn.

Tại chương trình Talkshow Phố Tài chính ngày 25/10, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định về mô hình phục hồi chữ K trong bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ông Trần Thăng Long – Giám đốc phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, theo tổng hợp mới nhất của BSC thì 30% các doanh nghiệp trên sàn đã công bố KQKD quý III với tổng lợi nhuận giảm 9,2% so với quý II nhưng tăng 37% so với cùng kỳ. Trên phương diện ngành, có những ngành tăng trưởng vượt trội so như chứng khoán, bảo hiểm, thép, hóa chất và công nghệ thông tin.  

Theo ông Lê Anh Minh – Phó giám đốc đầu tư Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), bức tranh lợi nhuận tổng thể của doanh nghiệp Việt Nam cơ bản là tiêu cực. Nhiều ngân hàng cho thấy mức tăng thấp hơn kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng có sự chống chịu tốt và ông Minh cho rằng các doanh nghiệp như vậy sẽ hồi phục tốt hơn trong quý IV và 2022.

Theo các chuyên gia, bước vào giai đoạn bình thường mới mô hình phục hồi kinh tế hình chữ K ngày càng thể hiện rõ hơn, nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi hoặc kinh doanh tốt trong giai đoạn dịch bệnh được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn bình thường mới và ngược lại, những doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ cần thêm thời gian để phục hồi.

2021-10-25-232928-1635179392-5007-163517

Ông Long cho biết, gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế thiên về mô hình chữ K hơn. Trong suốt hơn 1 năm rưỡi đến 2 năm vừa qua, các quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh từ những làn sóng đầu tiên của dịch bệnh Covid-19 như Trung Quốc, châu Âu hay Mỹ đều có sự trở lại nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Các quốc gia chịu ảnh hưởng của làn sóng tiếp theo như ở châu Á thì mức độ phục hồi chậm hơn.

Nét chữ thẳng của chữ K được dùng để chỉ tình hình kinh tế suy thoái đột ngột, 2 nét xiên ngắn của chữ K cho thấy tình trạng phục hồi trái ngược nhau tùy từng lĩnh vực và doanh nghiệp. Mô hình này được cho là đã và sẽ thể hiện rõ hơn trong bức tranh kinh tế quý III và IV.

Trong khi đó, ông Minh cho rằng Việt Nam đang đi theo mô hình chữ K như các nước khác trên thế giới. Các ngành được hưởng lợi sẽ có doanh thu và lợi nhuận cao từ đó có lượng vốn bổ sung hay thặng dư lớn. Ngoài ra, họ có thể đầu tư đa ngành và đẩy sang các lĩnh vực mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu và cạnh tranh chéo.

Tuy nhiên, phần lớn các ngành sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể hồi phục ngắn hạn nhưng trong trung và dài hạn vị thế sẽ không như xưa. Nói như vậy không có nghĩa là các doanh nghiệp trong các ngành gặp khó sẽ không thể đứng dậy. Một số các doanh nghiệp có nền tảng tài chính dồi dào, ban lãnh đạo tháo vát cũng như có chiến lược nhanh chóng và thông minh thậm chí có thể gia tăng thị phần.

Về một số ý kiến cho rằng việc phục hồi theo mô hình chữ K sẽ tạo ra sự mất cân đối, chuyên gia đến từ SHS nêu quan điểm rằng đây là câu chuyện dài hạn, còn trong ngắn hạn thực sự sẽ có các ngành rất khó khăn sẽ có thể hồi phục. Ngành năng lượng và dầu khí có thể được hưởng lợi từ quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới. Sự thiếu năng lượng từ than, khí và dầu đang xảy ra cục bộ ở nhiều nước sẽ đẩy mức giá dầu và khí lên cao.

i-ndh-vn_2021-10-25-233128-8851-1635179610(1).png
Chương trình Talkshow Phố Tài chính ngày 25/10.

Thứ hai là sự phục hồi của ngành ngân hàng khi rất nhiều cổ phiếu đã bị chiết khấu cao trong quý III khiến lùi về mức định giá hấp dẫn hơn nhiều. Trong khi đó, rất nhiều ngân hàng trong quý III vẫn cho thấy tăng trưởng lợi nhuận dương và sức khỏe tài chính, tỷ lệ bao nợ xấu ở mức an toàn. Nhóm ngành này có thể hồi phục ngắn hạn nhanh trong quý IV. Nhóm ngành chứng khoán, bán lẻ và liên quan đến đầu tư công cũng được quan tâm.

Còn theo ông Trần Thăng Long, có 2 điểm quan trọng ở mô hình chữ K. Thứ nhất là những doanh nghiệp hay người lao động thích nghi nhanh hơn tình hình mới hơn thì sẽ nhận ra được những thay đổi trong cơ cấu nền kinh tế. "Chúng ta đang chuyển dịch mạnh mẽ sang cơ cấu kinh tế số và từ đó những doanh nghiệp chuyển đổi số tốt hơn, những lao động học được các kỹ năng về chuyển đổi nhanh hơn sẽ thích nghi nhanh hơn".

Thứ hai là tất cả các quốc gia đều có những chính sách kích thích kinh tế nhất định. Theo dữ liệu IMF đến thời điểm này, tính trên 197 quốc gia thì tổng quy mô gói kích thích kinh tế khoảng 18.000 tỷ USD (khoảng 16% GDP toàn cầu). Để sự phục hồi đến nhanh hơn và đồng đều hơn cần phải có nỗ lực từ cả 2 phía. Ở phía doanh nghiệp và người lao động thì cần phải thích nghi nhanh với tình hình bình thường mới. Từ phía các chính phủ thì cần duy trì các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thận trọng với các cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ

Hiện nay trên thị trường đang có hiện tượng doanh nghiệp báo lãi nhưng cổ phiếu không tăng bằng những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém hoặc thua lỗ. Về vấn đều này, chuyên gia đến từ BSC đưa ra 3 lý do chính. Thứ nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn từ năm 2020 đến nay đã có mức tăng trưởng vượt trội hơn so với thị trường. Thứ hai là nhà đầu tư đang có sự lan tỏa về dòng tiền và tìm kiếm cơ hội ở những ngành chưa phục hồi. Các ngành này được kỳ vọng khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ phục hồi mạnh hơn trong 2022. Thứ ba là các cổ phiếu có quy mô vừa và nhỏ có thanh khoản không lớn nên khi dòng tiền chuyển sang sẽ gây ra biến động mạnh hơn.

Ông Long lưu ý nhà đầu tư rằng cuối cùng thị trường vẫn sẽ quay lại phản ánh yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và nền kinh tế. Do vậy nhà đầu tư cần thận trọng với các cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ.

Theo ông Lê Anh Minh, không phải tất cả các cổ phiếu vừa và nhỏ đều tăng dựa trên sự cải thiện yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, trong khi rất nhiều chỉ mang tính đầu cơ. Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên chọn ngành được sự hỗ trợ từ chính sách hồi phục kinh tế sau Covid cũng như những ngành đã tăng trưởng tốt trước đó.

BÌNH AN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement