06/01/2018 07:13
Chứng khoán châu Á ngập tràn sắc xanh ở phiên giao dịch cuối tuần
Chỉ số Nikkei 225 tăng hơn 208 điểm, S&P 200 cũng tiến 0,7%, Kospi của Hàn Quốc ghi thêm 1,3%, Shanghai Composite tăng 6,04 điểm và Hang Seng 78,16 điểm...
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/1, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều bừng sắc xanh, nối dài xu hướng tích cực đã mở màn cho năm 2018 và được tiếp sức bởi các mức cao kỷ lục mà Phố Wall đã ghi nhận trong phiên trước.
Kết thúc phiên này tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng mạnh trong phiên 4/1 khi cộng thêm 208,20 điểm (0,89%), lên 23.714,53 điểm, đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp chỉ số này đóng cửa ở mức cao nhất 26 năm qua.
Triển vọng kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn và giá dầu phục hồi mạnh mẽ đã giúp thị trường chứng khoán thế giới đua nhau khởi sắc trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 4/1 chỉ số Dow Jones của Mỹ còn lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua ngưỡng 25.000 điểm, còn chỉ số FTSE 100 của London (Anh) cũng xác lập mức cao kỷ lục mới.
Chỉ số Nikkei 225 đang ở mức cao nhất trong vòng 26 năm qua. |
Greg McKenna, Giám đốc chiến lược thị trường của AxiTrader nhận định, các số liệu lạc quan mới đây trong lĩnh vực chế tạo và dịch vụ chứng tỏ diễn biến lạc quan của nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ vẫn tiếp diễn. Chỉ số hoạt động sản xuất trên toàn thế giới hiện đang ở mức cao nhất trong bảy năm qua.
Hòa chung vào xu hướng trên, tại thị trường Australia, chỉ số S&P/ASX 200 cũng tiến 0,7%, lên 6.122,30 điểm. Còn tại Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc ghi thêm 1,3%, lên 2.497,52 điểm, sau khi xuất hiện thông tin cho hay Triều Tiên đã chấp nhận đề nghị đàm phán của Hàn Quốc vào tuần tới, góp phần xoa dịu những lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị tại bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày, xu thế ghi điểm cũng chi phối hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong, giữa bối cảnh chứng khoán Mỹ tiếp tục ghi nhận các mức đỉnh mới và các mã cổ phiếu năng lượng hưởng lợi nhờ giá dầu tăng. Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite tăng 6,04 điểm (0,18%) lên mức 3.391,75 điểm và và Hang Seng tăng 78,16 điểm (0,25%), lên 30.814,64 điểm.
Ở thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch cuối tuần vào ngày 5/1, VnIndex đã mất tới 7,1 điểm. Thị trường có 165 mã giảm, 123 mã tăng và 47 mã đứng giá. Chỉ số VnIndex giảm 7,1 điểm xuống mức 1.012,65 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn tăng tích cực với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 284 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 7.727 tỉ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,15 triệu đơn vị, trị giá hơn 965 tỉ đồng. Trong đó, NVL có giao dịch thỏa thuận 2,54 triệu đơn vị (tương đương 177 tỉ đồng), VNM có 1,14 cổ phiếu giao dịch thỏa thuận (giá trị 243 tỉ đông), PME giao dịch thỏa thuận 1 triệu cổ phiếu (giá trị 80 tỉ đồng)…
Còn HnxIndex cũng giảm 0,58 điểm xuống 118,92 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 62,9 triệu đơn vị, giá trị 1.047 tỉ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,46 triệu đơn vị, giá trị 284 tỉ đồng. Sàn HNX có 109 mã giảm, 79 mã tăng và 71 mã đứng giá.
Nhóm cổ phiếu Bluechip sau nhiều phiên tăng liên tục đã quay đầu đứng dưới mốc tham chiếu và nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn chìm trong sắc đỏ là nguyên nhân khiến VnIndex giảm mạnh. Cụ thể, nhóm VN30 có tới 22 mã giảm, 6 mã tăng, 2 mã đứng giá. HNX30 có 19 mã giảm, 7 mã tăng và 3 mã đứng giá.
Đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 5/1 của thị trường chứng khoán Việt Nam là gần 1 tỉ cổ phiếu HDB của HDBank niêm yết trên HOSE. Với vốn điều lệ hơn 9.800 tỉ đồng và giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 33.000 đồng/cổ phiếu, HDB có giá trị vốn hóa thị trường đạt 32.373 tỉ đồng, nằm trong nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HOSE.
Cuối phiên, HDB tăng 6.600 đồng lên mức 39.600 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh đạt 32.205.910 cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 1.239 tỉ đồng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp