24/11/2023 11:24
Chưa hết năm 2023, xuất khẩu rau quả đã lập kỷ lục 5 tỷ USD
Tính đến giữa tháng 11, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã lập kỷ lục hơn 5 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp cũng rất bất ngờ trước kết quả này. Dự báo ngành hàng này có thể về đích 5,8-6 tỷ USD trong năm 2023.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy nửa đầu tháng 11, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 187 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là kết quả tốt nhất kể từ khi mặt hàng này tham gia vào thị trường thế giới.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định hàng rau quả tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Mặt hàng này có thể về đích 5,8-6 tỷ USD trong năm 2023.
Trong cơ cấu xuất khẩu rau quả, sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn nhất vào kim ngạch ngành. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng gần 700% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 1,7 tỷ USD, theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho rằng, trong bối cảnh này việc người tiêu dùng ở các nước chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm rau củ quả cũng khiến DN khá bất ngờ.
Theo ông Tùng, xuất khẩu sầu riêng đang trở thành ngôi sao sáng. Sau khi nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, Vina T&T là một trong 25 DN đầu tiên có mã số nhà máy đóng gói, vùng trồng. DN khai thác rất hiệu quả lợi thế này và đều đặn mỗi ngày xuất khẩu 1 container sầu riêng sang thị trường tỷ dân.
Mới đây, trái dừa đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và Mỹ. Mặt hàng này trở lại các thị trường "khó tính" là tin vui với nông dân vùng dừa và với các DN.
Tổng Giám đốc Vina T&T tiết lộ, mỗi tháng, DN xuất khẩu khoảng 16 - 20 container dừa sang Mỹ và đang chuẩn bị cho các đơn hàng đầu tiên ở thị trường Trung Quốc. "Năm nay DN đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn nhưng đến thời điểm này đã tăng hơn 40%, giá bán cũng ở mức tương đối cao nên với các DN rau quả; đây là năm bội thu trong vòng 5 năm trở lại đây. Doanh thu của DN dự kiến đạt khoảng 85 triệu USD", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, có được kết quả này là do Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Đặc biệt là một số thị trường lớn đã mở cửa cho một số loại quả của Việt Nam nên đã đẩy doanh số tăng đột biến.
Ông Phạm Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Phạm Gia cho biết, những tháng cuối năm, đơn hàng của DN đã tăng tới 30% nên công nhân phải tăng ca cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ. @Năm nay, trong khi nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát khiến "hầu bao" của người tiêu dùng eo hẹp thế nhưng xuất khẩu rau quả lại bùng nổ với sức mua ấn tượng. Mỗi tháng, DN xuất khẩu trên 100 tấn sản phẩm các loại nông sản đông lạnh. Con số này tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Để đáp ứng được các đơn hàng, DN phải tăng hết công suất chế biến các sản phẩm…", ông Nghĩa nói, theo TPO.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, từ nay đến cuối năm xuất khẩu rau quả còn dư địa rất lớn. Đặc biệt, Trung Quốc- khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Dù đã hết vụ sầu riêng nhưng sẽ có thêm mít, thanh long…đến vụ thu hoạch xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
"Hiện, Việt Nam có hơn 11 loại trái cây đã được ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là tiềm năng rất lớn giúp rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD trong năm nay. Sang năm 2024, chúng ta có thể hy vọng kim ngạch xuất khẩu vượt 6 tỷ USD", ông Nguyên khẳng định.
Theo ông Nguyên, để nắm bắt cơ hội, hiện nay các DN rau quả cần chú trọng tiêu chuẩn của người tiêu dùng quốc tế, tìm tòi cải tiến mẫu mã mà phải tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các khâu sản xuất để làm ra sản phẩm chất lượng. Đồng thời, các DN cần không ngừng tìm kiếm thị trường mới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt các mục tiêu xuất khẩu nông sản 53 tỷ USD, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu..., đồng thời mở cửa các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi...
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement