16/08/2017 03:32
Chủ tịch TP.HCM: Không mềm lòng với đô thị vượt dân số
Chưa phát triển được giao thông công cộng thì không thể nén đô thị"...
TP. HCM quản lý rất chặt, dứt khoát không có mềm lòng với những gia tăng số dân ở nhữngkhu đô thịđã được phê duyệt - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định tại phiên chất vấn sáng 16/8.
Đây là phiên chất vấn do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức với nhóm vấn đề chính dành choBộ trưởng Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, Chủ tịch hai thành phố lớn nhất cả nước cũng được mời tham dự để làm rõ hơn những vấn đề có liên quan.
Đăng đàn sau Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Tp.HCM Nguyễn Thành Phong, theo đề nghị của chủ toạ, tập trung vào giải pháp chống ùn tắc giao thông.
Ông Phong cho biết, dồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Tp.HCM đến 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt, UBND thành phố cũng đã ban hành quy định để triển khai, đã định hướng rõ quy hoạch giao thông nối kết vùng cũng như mạng lưới giao thông nội đô, phát triển ra cả vùng ven đô, ngoại thành...
Nhưng có một bất cập là theo quy hoạch đó dự báo quy mô dân số đến 2025 của thành phố là 10 triệu người, trong khi trên thực tế hiện nay, năm 2017, số người thường xuyên sinh sống tại đây đã lên tới 13 triệu.
"Con số thống kê chỉ 8,4 triệu thôi, nhưng số người thường xuyên sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố là 13 triệu, đúng như đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội nói là áp lực dân số tác động rất lớn lên hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông" - ông Phong nhấn mạnh.
Tiếp tục nêu áp lực giao thông, Chủ tịch Phong cho biết, theo thống kê mới nhất, số xe gắn máy tại thành phố khoảng 7,6 triệu, xe ô tô 700.000 chiếc, cứ mỗi tháng có 30.000 phương tiện mới được đăng ký, bình quân mỗi ngày 1.000 chiếc, trong khi đường sá tuy có mở rộng cũng không thể giải quyết kịp với lượng phương tiện gia tăng. Chưa kể thành phố là trung tâm kinh tế vùng nên lưu thông hàng hoá và phương tiện của các tỉnh lân cận đến đây cũng rất lớn.
Ùn tắc giao thông đúng là tác động rất lớn đến phát triển kinh tế của thành phố, là thách thức rất lớn trong quá trình phát triển - Chủ tịch Phong nhìn nhận.
Về dân số, ông Phong phân tích, bình quân mỗi gia đình có hộ khẩu thành phố chỉ có 1,46 con, tức là tăng tự nhiên thì không lớn, tăng cơ học mới đáng kể.
Chúng tôi tính toán là tăng cơ học hàng năm khoảng 130.000 người, đặt ra những vấn đề như trên đã nêu - ông Phong trình bày.
Thông tin tiếp từ người đứng đầu chính quyền thành phố là trên cơ sở đồ án quy hoạch chung , Tp.HCM xây dựng các tuyến đường vành đai 2,3, đường trên cao, đường sắt đô thị.
Giải quyết ùn tắc giao thông chỉ có thể bằng phát triển giao thông công cộng - Chủ tịch Phong khẳng định.
Cho biết hiện nay thành phố đang phát triển 8 tuyến metro, chủ yếu bằng vốn ODA và PPP, nhưng ông Phong "than" rằng, ngay cả ODA cho tuyến số 1 cũng đang gặp khó khăn.
Thời gian qua phải tạm ứng vốn ngân sách nếu không nhà thầu giãn công. Phấn đấu vận hành tuyến số 1 vào năm 2020, nhưng vốn như thế này thì khó - ông Phong nói thêm.
Thêm một lần nhấn mạnh rằng thành phố đang chủ động giải bài toán ùn tắc giao thông, ông Phong cho hay với các tuyến giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua đã xin Thủ tướng chỉ định khẩn các giải pháp đầu tư giải quyết ùn tắc giao thông. Nhưng còn tuyến ùn tắc thứ 2 là Cát Lái vì lượng hàng hóa vào cảng rất lớn; hiện nay 24 tiếng có 24.000 lượt xe container đi qua tuyến này; cộng với cảng Hiệp Phước cũng phát triển mạnh nên ùn tắc rất lớn.
Nhìn tổng thể, theo ông Phong thì trên địa bàn có 37 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, dù thành phố cũng chủ động phân luồng, tuyến hợp lý, huy động cả các lực lượng khác hỗ trợ cảnh sát giao thông.
Với mức độ gia tăng mạnh thế ùn tắc khó mà không xảy ra, nhưng về lâu dài là phải phát triển giao thông công cộng - Chủ tịch Tp.HCM nhấn lại quan điểm.
Chủ tịch thành phố cũng nhắc đến giải pháp chủ động giãn dân ra ngoại thành, đô thị hóa nhanh chóng để tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
Một mặt phát triển giao thông công cộng, cũng có ý kiến phải quản lý chặt chẽ quy hoạch. Tp. HCM quản lý rất chặt, dứt khoát không có mềm lòng với những gia tăng số dân ở những khu đô thị đã được phê duyệt vì nén đô thị là phải phát triển đồng bộ với giao thông công cộng, chưa phát triển được giao thông công cộng thì không thể nén đô thị - ông Phong nêu quan điểm.
Advertisement