05/04/2023 15:02
Chủ tịch Credit Suisse gửi lời xin lỗi đến các cổ đông sau nhiều ngày im lặng
Tại đại hội cổ đông cuối cùng với tư cách là một doanh nghiệp độc lập vào sáng ngày 4/4, Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann đã xin lỗi các nhà đầu tư vì sự sụp đổ của ngân hàng Thụy Sĩ 167 năm tuổi.
Ông Lehmann nói với các cổ đông. Cuộc họp được tổ chức tại sân vận động khúc côn cầu ở ngoại ô Zurich: "Hôm nay chúng ta đứng đây trong tình thế không ai có thể lường trước được. Đây là một ngày buồn đối với bạn và đối với chúng tôi, vì vậy tôi có thể hiểu được sự cay đắng, tức giận và shock của tất cả những người đã bị thất vọng, choáng ngợp và bị ảnh hưởng bởi những diễn biến gần đây".
Theo ông, cho tới những giờ phút cuối cùng, "chúng tôi vẫn chiến đấu hết mình để tìm ra giải pháp. Nhưng cuối cùng, chỉ có hai lựa chọn: thỏa thuận hoặc phá sản. Việc sáp nhập phải được thông qua".
Tuy nhiên, lời giải thích này không xoa dịu được các cổ đông đang tức giận. Credit Suisse vốn đang trong quá trình tái cấu trúc tới khi sự sụp đổ của SVB gây ra cú shock ngành ngân hàng toàn cầu và kéo ngân hàng Thụy Sĩ này vào vòng xoáy. Sau đó, UBS đồng ý tiếp quản Credit Suisse với mức giá 3,3 tỷ USD – một phần rất nhỏ so với giá trị thị trường trước đó của tổ chức này.
Theo hãng tin Reuters, việc ngân hàng UBS đối thủ tiếp quản khẩn cấp Credit Suisse dưới sự bảo trợ của chính phủ Thụy Sĩ mà không cân nhắc tới các cổ đông – những người vốn phải có tiếng nói - đã khiến không chỉ các cổ đông mà nhiều người ở Thụy Sĩ tức giận. Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu chính trị gfs.bern cho thấy phần lớn người Thụy Sĩ không ủng hộ thỏa thuận này.
Reuters cho biết công ty tư vấn cổ đông Ethos đã chỉ trích "sự tham lam và sự kém cỏi của các nhà quản lý" cũng như mức lương đạt đến "độ cao không thể tưởng tượng được" của các giám đốc điều hành tại đây. Công ty này cho biết các cổ đông đã mất một số tiền đáng kể và hàng ngàn việc làm đang bị đe dọa.
Trong khi đó, ông Dominik Gross thuộc Liên minh các Tổ chức Phát triển Thụy Sĩ tuyên bố những người nộp thuế tại Thụy Sĩ vốn cũng đang gặp khó khăn với hàng tỷ franc từ các khoản đầu tư rác trong khi chính phủ, cơ quan quản lý tài chính FINMA và ngân hàng trung ương đưa ra rất ít lời giải thích về khoản bảo lãnh tổn thất 9,8 tỷ USD đối với UBS.
Mặt khác, một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới - một quỹ tài sản có chủ quyền của Na Uy, cũng cho biết họ sẽ bỏ phiếu chống lại việc Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann cùng 6 giám đốc khác tái tranh cử trong một cuộc biểu tình công khai.
Sự sụp đổ gần như của Credit Suisse cũng đã xóa sạch khoản nợ cấp 1 (AT1) trị giá 17 tỷ USD của ngân hàng này. Một nhóm các nhà đầu tư AT1 do đó đã thuê công ty luật Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan để đòi bồi thường.
Văn phòng tổng chưởng lý hôm 2/4 cho biết Công tố viên Liên bang Thụy Sĩ đã mở cuộc điều tra về vụ thâu tóm Credit Suisse.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp