Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chọn 'giỏ' bỏ tiền

Chứng khoán

27/11/2024 08:25

Trong các kênh đầu tư phổ biến, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, thị trường chứng khoán đang có cơ hội mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn.

Gần đây, vàng giảm giá khiến nhiều người mua ở vùng cao chịu thua lỗ. Theo ông, giá vàng thời gian tới sẽ có xu hướng như thế nào?

Thời gian qua, người dân dễ mua vàng hơn, nhưng khó bán, liên quan đến thanh khoản. Ngân hàng Nhà nước đã làm đúng chức năng đáp ứng nguồn cung cho thị trường khi nhu cầu tăng cao, nhưng cơ quan này không đóng vai trò mua nên trong môi trường giá biến động nhanh và mạnh như hiện tại, rủi ro cho nhà đầu tư tăng cao. Do đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc mua vàng lúc này, vì giá có thể giảm thêm trong giai đoạn cuối tháng 11, đầu tháng 12/2024.

Về lâu dài, vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, dễ tăng giá, vì nhu cầu đa dạng hoá dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương gia tăng, nhưng các biến động ngắn hạn mang lại rủi ro cao.

Chọn 'giỏ' bỏ tiền- Ảnh 1.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS)

Với bất động sản, thị trường này có thực sự “ấm” lên và hấp dẫn trở lại?

Giai đoạn đầu năm 2024, thị trường bất động sản có giao dịch tương đối sôi động, nhưng “sức nóng” (đặc biệt ở thị trường Hà Nội) đang chững lại. Giá bất động sản vẫn ở mức cao, tăng tốt, nhưng sức mua của người mua so với mặt bằng giá chủ đầu tư đưa ra đã có khoảng cách và khó tiếp cận hơn. 

Kể cả phân khúc đất nền, vốn được giao dịch nhiều, nhưng thanh khoản cũng chững lại. Với các dự án được chủ đầu tư chào giá cao ở thị trường sơ cấp thì đến hiện tại đã có dấu hiệu giảm giá.

Nhìn chung, dòng tiền vào bất động sản không nhiều, phần tăng trưởng tín dụng bất động sản vào bên mua ít hơn hoạt động đầu tư dự án bất động sản. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng bất động sản đạt 9,15% so với đầu năm; trong đó, dư nợ tín dụng bất động sản kinh doanh tăng cao hơn so với tín dụng bất động sản tiêu dùng, lần lượt tăng 16% và 4,6%. Như vậy, phần lớn tăng trưởng tín dụng dồn vào chủ đầu tư, cho thấy nhu cầu cá nhân còn thấp, mặc dù lãi suất không cao.

Người mua có thể nhận thấy 2 vấn đề: mặt bằng giá đang cao, hoặc thu nhập của họ chưa theo kịp để mua nhà (kể cả trong mặt bằng giá thấp). Nếu lãi suất tăng cao, họ càng chưa vội mua.

Thị trường chứng khoán từng được kỳ vọng thu hút dòng tiền, nhưng với diễn biến không mấy tích cực vừa qua, nhiều nhà đầu tư dần tỏ ra chán nản. Ông nhận định kênh chứng khoán sẽ vận động ra sao trong thời gian tới?

Tôi có cảm giác thị trường đang lặp lại giai đoạn 2013 và 2016. Như năm 2013, thị trường chứng khoán tăng trong 6 tháng đầu năm, Luật Đất đai 2013 được ban hành, chung cư tại Hà Nội lên “cơn sốt”, nhưng sau đó chứng khoán đi ngang trong nửa cuối năm, sang năm 2014 mới có sự bứt phá. 

Năm 2024 có tình trạng tương tự, cộng thêm áp lực từ khối ngoại bán ròng kỷ lục, nên định giá hiện tại tuy hợp lý nhưng chưa tạo được dòng tiền đầu cơ xuất hiện, khiến dòng tiền bấp bênh và thị trường diễn biến không như phần đông kỳ vọng.

Do thị trường đang ở vùng định giá hợp lý nên chưa có phiên bán gắt gao nào, kể cả trong tuần vừa qua có những thời điểm tâm lý chung là bi quan. Ngược lại, thị trường chưa có “chất xúc tác” để kích hoạt dòng tiền chảy vào.

Có 2 mốc quan trọng mà nhà đầu tư cần quan sát là thị trường chứng khoán có thể tạo sóng trong tháng 12/2024, hoặc tháng 3/2025.

Giai đoạn tới, kịch bản có khả năng xảy ra là VN-Index đi lên một đoạn rồi “lình xình” quanh 1.250 điểm.

Nhà đầu tư cần quan sát diễn biến thị trường Mỹ. Nếu chứng khoán Mỹ tiếp tục tích cực như hiện tại, mang lại hiệu suất vượt trội thì có thể dòng tiền khối ngoại sẽ duy trì động thái rút ròng. Vốn hoá thị trường chứng khoán Mỹ chiếm 50% vốn hoá thị trường chứng khoán thế giới, nên các quỹ đầu tư gặp áp lực rất lớn. 

Dù muốn hay không, nhiều quỹ vẫn phải đổ tiền vào thị trường Mỹ, khiến vốn ngoại không chảy vào thị trường mới nổi, đặc biệt là thị trường cận biên như Việt Nam. Kỳ vọng, với tốc độ bán bán ròng gần đạt đến cao trào, áp lực từ khối ngoại sẽ giảm sau 2 tuần nữa.

Về dòng vốn trong nước, khi khối ngoại giảm bán ròng, định giá về mức hấp dẫn hơn và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có triển vọng tăng trưởng, thì thị trường có thể xuất hiện dòng tiền đầu cơ.

Có 2 mốc quan trọng mà nhà đầu tư cần quan sát là thị trường có thể tạo sóng trong tháng 12/2024, hoặc tháng 3/2025. Trong đó, sóng tháng 3/2025 sẽ phù hợp với tính chu kỳ 4 năm của thị trường hơn. Nhìn chung, triển vọng trung hạn của thị trường là tốt, nhưng ngắn hạn vẫn còn nhiễu động.

Như ông vừa chia sẻ, định giá thị trường đã về vùng hợp lý, vậy nhà đầu tư có thể tích lũy dần cổ phiếu và đâu là những nhóm ngành đáng quan tâm?

Về định giá, nhà đầu tư có thể xem xét câu chuyện trung và dài hạn, tức có thể bắt đầu giải ngân, tích lũy cổ phiếu tốt.

Cơ hội có thể nhìn thấy ở nhóm xuất khẩu. Hiện chúng ta chưa biết chính xác chính sách thuế của Mỹ với hàng nhập khẩu cho tới khi ông Trump chính thức nắm giữ vị trí Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029, dự kiến vào ngày 20/1/2025. 

Tuy nhiên, trong quá trình tranh cử, ông Trump chưa từng “gọi tên” Việt Nam và nhìn lại nhiệm kỳ trước của ông, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng rất mạnh, nên có thể kỳ vọng Việt Nam vẫn hưởng lợi trong nhiệm kỳ tới của ông.

Trong đó, 2 nhóm đáng quan tâm là gỗ và dệt may. Riêng dệt may, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ tình trạng bất ổn tại Bangladesh hay Trung Quốc bị Mỹ áp thuế nhập khẩu. Mặt khác, ông Trump không đề cao tính môi trường nên có thể sẽ giảm bớt một số tiêu chuẩn, giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm giá thành.

Nhóm vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép cũng đáng quan tâm. Quý vừa qua, doanh số bán nhà của Trung Quốc tăng 10%, trong khi tồn kho trở về mức bình thường. Bên cạnh đó, Trung Quốc có gói kích thích kinh tế trị giá 1.400 tỷ USD, bao gồm 800 tỷ USD dành cho các chính quyền địa phương mua tồn kho bất động sản. 

Các yếu tố này có thể giúp giá thép tăng. Trong khi đó, ở trong nước, giá thép có chu kỳ 3 - 4 năm tạo đáy đi lên, cộng với thị trường bất động sản và xây dựng bắt đầu phục hồi, sẽ thúc đẩy ngành thép đi lên.

Với ngành xây dựng, khối lượng công việc của các doanh nghiệp ngày càng tăng nhờ các chương trình đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, khoản nợ xấu các doanh nghiệp bắt đầu chững lại, nên triển vọng năm 2025 - 2026 là biên lợi nhuận cải thiện và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm do quá trình trích lập dự phòng đi đến hồi kết.

Có thể nói, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng liệu dòng tiền có chảy bớt sang kênh tiền gửi trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng?

Nhìn chung, kênh tiết kiệm không quá hấp dẫn, vì lãi suất huy động giai đoạn vừa qua chưa tăng nhiều. Kênh trái phiếu năm sau có thể sôi động hơn, nhưng dự kiến không quá thu hút bởi lợi suất không cao, do năm nay có khoảng 60% trái phiếu phát hành bởi ngân hàng. 

Vàng đã tăng giá mạnh nên năm tới có thể không mang lại hiệu suất cao. Trong khi đó, bất động sản cần vốn lớn nên cũng khó đầu tư. Chứng khoán vẫn là kênh linh hoạt để đầu tư nhất, vì vốn ít cũng có thể tham gia và định giá đang ở mức hấp dẫn.

KIỀU TRANG thực hiện
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement