Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chính phủ sẽ tiếp tục miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất

Chính sách - Hạ tầng

30/05/2024 13:27

Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ sẽ trình Quốc hội, nếu được thông qua giảm thuế 2%, quy mô giảm khoảng 24.000 tỷ đồng và cả năm có thể giảm, miễn giảm khoảng 190.000 tỷ đồng...

Liên quan việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 29/5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

"Triển khai giải pháp này, tổng quy mô hỗ trợ trong giai đoạn 2020-2023 khoảng 700.000 tỷ đồng", lãnh đạo Chính phủ cho hay.

Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), nếu được thông qua quy mô giải pháp hỗ trợ này sẽ tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng

Chính phủ sẽ tiếp tục miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trường hợp thực hiện đầy đủ các chính sách về miễn, giảm thuế, Phó thủ tướng cho biết trong năm 2024 tổng quy mô của các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất vào khoảng 190.000 tỷ đồng, trong đó gia hạn là 92.000 tỷ đồng, miễn giảm là 98.000 tỷ đồng.

Về việc triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, Phó thủ tướng thừa nhận gói này thực hiện không thành công.

"Chính phủ đã báo cáo đầy đủ trong báo cáo gửi Quốc hội. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhận thấy hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% không cao, năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép sử dụng để thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… nhờ đó tổng quy mô hỗ trợ đạt gần 200.000 tỷ đồng", lãnh đạo Chính phủ cho hay.

Đối với những gói liên quan tới đầu tư công của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đấy giải ngân để đạt được hiệu quả cao nhất có thể.

"Trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đến thời điểm hiện nay tuy còn một số khó khăn, nhưng có thể đánh giá tổng thể kết quả đạt được là tích cực. Chính việc triển khai hiệu quả gói này đã góp phần tăng GDP năm 2023 đạt 5,05%. Quý 1, GDP tăng 5,66%", Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận.

Đối với công tác quản lý thị trường vàng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thời gian qua giá vàng thế giới có xu hướng tăng và giá trong nước cũng biến động tăng theo. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới lại ở mức cao, theo Zing.

Từ tháng 6/2022 tới nay, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN tăng cường quản lý thị trường này. Đến nay, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã ban hành 25 văn bản chỉ đạo. Trong đó có việc triển khai những công cụ can thiệp để bình ổn, cũng như tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với thị trường vàng.

Vừa qua, NHNN đã triển khai một số giải pháp can thiệp, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Hiện nay, cơ quan này đang đánh giá lại và sẽ triển khai những phương án mới để bình ổn thị trường vàng trong ngắn hạn.

“Về lâu dài sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trước mắt, sẽ sử dụng công cụ quản lý Nhà nước là thanh tra, kiểm tra để đánh giá một cách thực chất về hoạt động của thị trường vàng, trên cơ sở đó có những giải pháp để xử lý theo quy định để bình ổn thị trường vàng bình ổn, đưa giá vàng miếng tiến sát với giá vàng trên thị trường thế giới”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Qua tình hình kinh tế xã hội các tháng đầu năm 2024, các đại biểu đề nghị bám sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, theo Vneconomy.

Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, có giải pháp để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển bền vững…

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả việc cải cách tiền lương, đảm bảo thống nhất, công bằng, đạt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người lao động...

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội trường, các ý kiến thảo luận tại Tổ để đưa các nội dung quan trọng vào Nghị quyết chung của kỳ họp.

AN LY (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement