06/04/2021 09:39
Chính phủ mới nên ưu tiên những gì?
Được bàn giao khi đã chống dịch thành công, kinh tế tăng trưởng là khởi đầu thuận lợi, nhưng cũng là áp lực với Chính phủ mới vì vẫn còn quá nhiều nhiệm vụ ngổn ngang.
Khắc phục hậu quả Covid-19
Chiều 5/4, ông Phạm Minh Chính trở thành tân Thủ tướng của Việt Nam, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới. Giờ này một năm trước, Việt Nam đang trong giai đoạn cách ly toàn xã hội, chống dịch như chống giặc, một loạt ngành nghề kinh tế đóng băng...
Khác với những lãnh đạo trên thế giới nhậm chức giữa tâm bão COVID-19 đang lây lan trong cộng đồng, nhiều nơi phong toả, Chính phủ mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính xem như có bước khởi đầu trong thời bình.
Điểm thuận lợi là họ được chuyển giao từ Chính phủ cũ một Việt Nam được thế giới công nhận vượt bão COVID-19 thành công, là nước hiếm hoi có GDP tăng trưởng dương năm 2020. Chưa đầy một tuần trước, Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố, GDP quý I vẫn tăng trưởng 4,48% - một con số tích cực nếu nhìn vào các nước khác.
Nhưng Chính phủ mới không thể chỉ nhìn vào những thống kê ấy. Dịch bệnh đã khiến nền kinh tế tăng thấp nhất trong thập kỷ, kéo tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 còn khoảng 5,9%.
Với một nước đang muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình như Việt Nam, GDP trung bình mỗi năm cần tăng trưởng khoảng 7%, thậm chí theo một số chuyên gia kinh tế, phải là 10%, mới được xem là đạt.
Cũng số liệu từ Tổng cục Thống kê đã chỉ ra, hơn 32 triệu lao động bị ảnh hưởng, hơn 69% giảm thu nhập, gần 40% giảm giờ làm và hàng triệu người phải tạm nghỉ vì Covid-19.
Chia sẻ với VnExpress, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cấp bách đầu tiên Chính phủ mới cần giải quyết là lo sinh kế cho người dân, khắc phục hậu quả COVID-19.
TS Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Mê Kông, cho rằng Chính phủ mới cần tính toán ngay các gói hỗ trợ, để vực dậy các ngành bị ảnh hưởng nặng nề và người lao động. Khả năng một lượng lớn lao động sẽ không thể quay về nghề nghiệp cũ, cần được trợ cấp, đào tạo để dịch chuyển việc làm nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
"Người dân có sinh kế tối thiểu mới tránh cho xã hội không xảy ra bất ổn", ông Tùng nói.
Dù vậy, việc thiết kế lại gói chính sách hỗ trợ lúc này không đơn giản khi dư địa trong tay Chính phủ mới đang hạn hẹp, cả về chính sách tài khoá lẫn tiền tệ.
Báo cáo mới nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra, dư địa tài khoá của Việt Nam đang thấp nhất trong khối ASEAN-5. Việt Nam cũng hụt thu ngân sách dai dẳng, chi tiêu ngân sách, tỷ lệ nợ công trên GDP cao. Điều này buộc Chính phủ mới đưa ra chính sách hỗ trợ phải đúng trọng tâm, tiết kiệm, trúng được các đối tượng cần thiết.
Để phục hồi kinh tế, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chính phủ mới cũng cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine toàn dân. Ông cho rằng, cuộc chiến chống COVID-19 bây giờ có điểm khác trước, bởi nhiều nước trên thế giới đang chạy đua tiêm vaccine nhanh chóng, tạo miễn dịch cộng đồng cho toàn dân.
Vaccine chính là chìa khóa để mở cửa lại nền kinh tế với thế giới, thúc đẩy giao thương, sản xuất, kinh doanh. "Nếu chậm trễ, Việt Nam có nguy cơ là nước chống dịch thành công, nhưng sẽ bị "chậm chân" trong cuộc đua hồi phục sau dịch bệnh", ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Bên cạnh đó, để phần nào hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, Việt Nam có thể cần xem xét tận dụng đà tăng trưởng của Mỹ đang quay trở lại, dự báo 5-6%.
"Theo tính toán, GDP Mỹ bật tăng có thể giúp Việt Nam hưởng lợi ít nhất 1,4% GDP trong 2 năm tới, nhờ vào nhu cầu nhập khẩu hàng hoá rất lớn của nước này", ông Phùng Đức Tùng nói.
Khối lượng công việc trong hoạt động xuất nhập khẩu gia tăng cũng sẽ giúp giải quyết được bài toán việc làm. Điều quan trọng là Chính phủ mới cần có chính sách thúc đẩy, từ phát triển logistics, nhân lực, giảm thủ tục, thời gian thông quan đến khéo léo về mặt chính trị, ngoại giao trong ứng xử với Mỹ.
Chính phủ nên có tâm thế của doanh nghiệp
Khác với giai đoạn trước khi các lợi thế cũ tăng trưởng cũ của Việt Nam như tài nguyên, lao động giá rẻ không còn, Chính phủ mới phải dựa nhiều hơn vào khoa học, công nghệ, chuyển đổi số để phát triển đất nước giai đoạn tiếp theo.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính (ĐH Kinh tế TP HCM) đánh giá, tư duy chính sách của Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ chịu áp lực phải cởi mở. "Chúng ta không thể dùng cách nghĩ cái gì chưa quản được thì cấm như ngày xưa, với nền kinh tế số mà áp dụng như vậy là thua", ông nói.
Theo ông, Chính phủ đôi lúc sẽ phải đặt mình như tâm thế của doanh nghiệp, có rủi ro mới có lợi nhuận. Thành tựu cũng đi kèm với việc có dám chấp nhận rủi ro hay không. Bài toán đặt ra lúc này, với Chính phủ mới, là sự dung hoà, cởi mở, gửi thông điệp đến doanh nghiệp trong nước và quốc tế thấy Việt Nam là quốc gia không bảo thủ, "bật đèn xanh" cho những mô hình kinh doanh sáng tạo.
Là người được đánh giá có tư duy mở, từng thành công trong chính sách phát triển của Quảng Ninh, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính càng nhận được nhiều kỳ vọng trong vấn đề này.
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công nhấn mạnh: "Việt Nam phải tập trung hạ tầng cho nền kinh tế số, gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Song song với tiếp tục đầu tư hạ tầng cứng truyền thống như điện, đường... là ưu tiên cho hạ tầng số như 5G, hệ thống băng thông rộng, điện toán đám mây...
"Chính phủ phải kéo được các doanh nghiệp tư nhân lớn, cả trong và ngoài nước vào cuộc cũng như các đối tác tài chính quốc tế như IFC, ADB để có những khoản vay ưu đãi nhằm thực hiện mục tiêu này", ông nói.
Trong nước, trước bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, việc phân bổ nguồn lực ưu tiên cho khối doanh nghiệp cũng cần cân nhắc lại. Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nói với VnExpress, Chính phủ cần có đột phá hơn trong việc xem lại vai trò trụ cột, đầu tàu của các doanh nghiệp nhà nước.
"Những gì chúng ta cần làm để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước Chính phủ các nhiệm kỳ trước đã làm. Nó như căn bệnh được áp dụng đủ thứ thuốc nhưng không có quá nhiều tiến triển tốt", ông Bảo nhận xét.
Ông cũng ví von, doanh nghiệp nhà nước như chiếc xe bus cồng kềnh, đang lấn hết các phương tiện giao thông khác. Do vậy, đến lúc Chính phủ cần xét đến việc để doanh nghiệp nhà nước nhường sân cho khối tư nhân.
Để thúc đẩy kinh tế số, ưu tiên hạ tầng là chưa đủ. Kinh tế số ra đời kéo theo hàng loạt mô hình kinh doanh, giao dịch mới đặt Chính phủ trong thách thức phải dung hoà trong quản lý, đảm bảo lợi ích nhà nước về thuế, ngân sách, các thành phần kinh tế nhưng không bóp nghẹt sức sáng tạo, vận động của doanh nghiệp.
Nói thêm, ông Đồng cho rằng, việc phát triển kinh tế số trong nước cũng liên quan mật thiết đến ưu tiên về nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Là quốc gia có 100 triệu dân, Việt Nam cần có tham vọng đảm đương vai trò một cường quốc bậc trung, phải tham gia kiến tạo những thể chế mới trong hợp tác quốc tế mà hầu hết liên quan đến thể chế kinh tế số.
Thời gian tới, các hiệp định sẽ chủ yếu về thương mại kỹ thuật số mà theo ông Đồng, nếu Việt Nam không có sự chuẩn bị tốt, sẽ không xử lý được. Việt Nam nên chủ động để dẫn dắt các sáng tạo chứ "không chờ các nước đàm phán xong xuôi mới nhảy vào". Với quy mô, tiềm lực của đất nước, ông cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải trở thành "anh cả" của ASEAN.
"Giai đoạn các Chính phủ trước chúng ta chỉ nhìn thấy cơ hội chứ chưa thực hiện được, còn giờ đây là lúc hành động", ông Đồng nói.
Advertisement
Advertisement