Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chìm trong thua lỗ, cổ phiếu những doanh nghiệp lâu đời phải rời sàn

Chứng khoán

05/04/2024 12:19

Nước giải khát Chương Dương và Thép Pomina là những thương hiệu nổi tiếng lâu đời của Việt Nam. Tuy nhiên cổ phiếu của hai doanh nghiệp này sẽ phải rời sàn chứng khoán do thua lỗ kéo dài, không nộp báo cáo kiểm toán. Một số doanh nghiệp cũng bị nhắc nhở vì chây ì báo cáo.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo hủy niêm yết cổ phiếu của CTCP Nước giải khát Chương Dương (mã SCD) do lỗ 3 năm liên tiếp. Quyết định được đưa ra sau khi HoSE nhận được báo cáo tài chính của công ty với mức lỗ sau thuế 119,25 tỷ đồng, kéo theo lỗ lũy kế hơn 200 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11,73 tỷ đồng

Trước khi nhận công văn về việc hủy niêm yết, cổ phiếu của công ty đã bị HoSE đưa vào diện kiểm soát từ ngày 24/8/2023 vì báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm ghi nhận lỗ lũy kế gần 120 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu SCD giao dịch quanh 13.650 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất trong 11 năm qua. Cổ phiếu này có thanh khoản rất hạn chế, thi thoảng mới phát sinh giao dịch khớp lệnh từ vài trăm đến vài nghìn đơn vị. Giá trị vốn hóa dao động ở mức gần 116 tỷ đồng.

Theo báo cáo giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2023 sau kiểm toán, ban lãnh đạo Sá xị Chương Dương cho biết dù nỗ lực cắt giảm và tối ưu hóa chi phí hoạt động, mức lỗ của năm 2023 vẫn cao hơn năm 2022.

“Hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào tăng cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu vẫn thấp hơn dự kiến với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng”, lãnh đạo doanh nghiệp lý giải.

Sá xị Chương Dương đang đối mặt với tình trạng chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm tăng. Song song, việc gia tăng chi phí thuê đất lẫn các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2009-2016 được xem là đỉnh cao của Sá xị Chương Dương khi chứng kiến doanh thu tăng cao hàng năm, chạm mức kỷ lục 417 tỷ đồng vào năm 2016. Song, kể từ đó đến nay, doanh thu của công ty liên tục suy yếu và chạm đáy 126 tỷ đồng vào năm ngoái.

Sá xị Chương Dương từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất nước giải khát phía Nam với sản phẩm sá xị con cọp nổi tiếng. Tuy nhiên, từ khi thị trường có sự xuất hiện của nhiều hãng nước giải khát nước ngoài, nước ngọt con cọp của Chương Dương đã nhanh chóng đánh mất thị phần, theo Zing.

Lãnh đạo công ty từng thừa nhận mạng lưới phân phối và bán hàng của Chương Dương đã suy giảm theo ngành hàng và công ty chưa có đủ nguồn lực, khả năng để phục hồi nhanh như các công ty đứng đầu thị trường. Những ông lớn trong ngành còn bán phá giá, ký hợp đồng độc quyền với điểm bán, gây áp lực cho công ty về giá, biên lợi nhuận và hệ thống phân phối.

Ngày 22/4 sắp tới, Sá xị Chương Dương sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 và trình cổ đông kế hoạch lỗ tiếp 73 tỷ đồng, đồng thời nâng lỗ lũy kế đến cuối năm lên mức 275 tỷ đồng.

Xá xị Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique, được xây dựng vào năm 1952 trực thuộc tập đoàn BGI của Pháp. Cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE cuối tháng 12/2006, và sau hơn 17 năm, SCD sắp bị hủy niêm yết.

Cổ phiếu khác cũng vừa bị HoSE thông báo hủy niêm yết bắt buộc là POM của CTCP Thép Pomina do chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp. Trước khi rời sàn, POM đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong hai năm liên tiếp.

Trước đó, ngày 28/3, POM gửi đơn xin gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE, thời gian gia hạn tới ngày 15/5. Doanh nghiệp cho biết đang tích cực làm việc với đối tác đầu tư cho phương án tái cấu trúc để cung cấp cho kiểm toán xem xét đánh giá khả năng giả định hoạt động liên tục, cùng với các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Về tình hình kinh doanh, công ty ghi nhận hai năm thua lỗ liên tiếp. Năm 2022 lỗ hơn 1.079 tỷ đồng, năm 2023 tiếp tục lỗ hơn 958 tỷ đồng. Doanh thu năm 2023 cũng ghi nhận sụt giảm gần 75% so với năm 2022, đạt hơn 3.281 tỷ đồng.

Thép Pomina là một trong những nhà máy sản xuất thép xây dựng lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, được thành lập vào năm 1999.

Sau khi nhận “án” hủy niêm yết, cả SCD, POM đều bị bán mạnh, cổ phiếu giảm sàn. SCD đang giao dịch ở mức 12.100 đồng/cổ phiếu, còn POM là 4.350 đồng/đơn vị.

Ngoài thông báo hủy niêm yết với 2 cổ phiếu trên, HoSE còn nhắc nhở nhiều doanh nghiệp chậm nộp báo cáo kiểm toán như: CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (SJF), DRH Holdings (DRH), CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNE), CTCP Tư vấn và Xây dựng Kiên Giang (SKG), CTCP Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC), CTCP Vạn Phát Hưng (VPH), CTCP Tiên Sơn Thanh Hóa (AAT) và CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), theo TPO.

Các doanh nghiệp trên chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 theo quy định. HoSE nhắc nhở và đề nghị các công ty tuân thủ quy định công bố thông tin.

AN LY (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement