14/04/2017 04:27
Chàng trai quản lý tiền tỉ bỏ Sài Gòn về làm "đầu đàn" của 300 heo cỏ
Anh chàng vốn có kinh nghiệm 10 năm làm môi giới chứng khoán kiêm quản lý quỹ đầu tư lên đến hàng chục tỉ của nhiều khách hàng ở Sài Gòn, giờ dám rời bỏ phố thị trở thành nông dân thứ thiệt, không nghi ngờ gì nữa.
Gã trai đen nhẻm đội chiếc mũ rộng vành chầm chậm bước đi dưới hàng cây mát rượi bên bờ ao phủ đầy lục bình. Bám sát phía sau là đàn heo cỏ từ nhỏ đến lớn ủn a ủn ỉ không rời bước "con đầu đàn".
Chúng vừa đi vừa phe phẩy đuôi ra chiều sảng khoái lắm, còn anh chàng chủ nhân thì vừa dẫn heo đi dạo mát vừa không ngừng nghĩ về chỉ số chứng khoán "nhảy nhót" khác thường những ngày gần đây...
Đi tìm 'nồi cơm Thạch Sanh' cho đàn heo 300 con
Hình ảnh thú vị vừa kể mô tả xác thực chân dung hiện tại của anh chàng Nguyễn Tấn Phát, vốn có kinh nghiệm 10 năm làm môi giới chứng khoán kiêm quản lý quỹ đầu tư lên đến hàng chục tỉ của nhiều khách hàng ở Sài Gòn.
Cách đây khoảng 5 năm, công việc đang lên như diều gặp gió, Phát bất ngờ mua miếng đất đồi 2,5ha ở tận Đắk Nông xa xôi với giá 130 triệu đồng rồi bỏ thêm hơn 700 triệu nữa cải tạo môi sinh để thử làm... nông dân. Phát xác định ngay từ đầu là sẽ làm nông nghiệp thuần tự nhiên.
Nhưng sau đó anh chàng thất bại khi hàng loạt đàn gà lẫn heo vừa nuôi chết dần, một phần do khí hậu vùng cao khắc nghiệt, phần khác do Phát thiếu kinh nghiệm trong việc nuôi trồng theo cách tự nhiên.
Dù sao, Phát cũng đã trả "học phí" tương đương cả một căn hộ chung cư giá rẻ ở Sài Gòn rồi còn gì, nên bù lại, chàng trai gốc Long An vẫn có được bài học quý báu của riêng mình: "nuôi heo ít rủi ro hơn nuôi gà"!
Phát quyết định để khu đất này lại cho người anh ruột của mình quản lý, còn cậu thì gom góp vốn liếng, vay mượn cho đủ vài tỉ rồi lang thang về vùng quê hẻo lánh ở Bình Thuận tìm mua tiếp một miếng đất 4,5ha để quyết làm cho được mô hình nông nghiệp thuần tự nhiên, đồng thời vẫn duy trì công việc quản lý quỹ cho các nhà đầu tư thân quen ở Sài Gòn.
Phát tìm mua 20 con heo cỏ từ đất võ Bình Định đem về mảnh vườn mới mua để nuôi thả tự nhiên. Đến nay, đàn heo đã tăng lên 300 con sau 3 năm và Phát chỉ vừa bán lứa thịt đầu tiên dịp tết Đinh Dậu với giá 300.000 đồng/kg, một cái giá cực kén khách hàng. Nhưng may thay, khách đặt mua chỉ toàn "nhà có điều kiện" bởi họ chính là giới đầu tư nhờ Phát quản lý quỹ bấy lâu.
"Điều tâm đắc nhất chính là từ kinh nghiệm nuôi trồng ở Đắk Nông, mình đã tìm ra được "nồi cơm Thạch Sanh" cho đàn heo, vốn ăn siêu khỏe. Nếu nuôi bằng cám như các chuồng trại công nghiệp khác thì mình trụ không nổi với chi phí hàng tháng đâu và làm vậy cũng không đúng với mô hình chăn nuôi bản thân đang theo đuổi", Phát chia sẻ kèm theo nụ cười hiền với đôi mắt trong hiếm thấy ở những gã đàn ông tuổi 36.
Diễn giải về "nồi cơm Thạch Sanh" bí hiểm, anh chàng bảo đó chính là việc tạo môi sinh rộng lớn với ao lục bình, cùng những vườn chuối rừng lấy giống từ Đắk Nông và hàng loạt bãi cỏ trong khuôn viên trang trại. "Đấy là những thức ăn thuần tự nhiên và sạch. Nhờ sức sống mãnh liệt, chúng đều tái tạo rất nhanh để cung ứng kịp nguồn thực phẩm cho đàn heo ăn như hạm", Phát nói với giọng hồ hởi.
Ở trang trại của Phát có nuôi cả gà nhưng không nhiều. Phát thích nuôi heo cỏ, giống heo truyền thống của người Việt. Phát tự gọi mình là "con đầu đàn" của lũ heo, bởi anh có thể điều khiển chúng. Mỗi chiều tắt nắng, đám heo 300 con lại đi thành đàn sang từng bãi cỏ tranh hay lội xuống ao xanh mướt màu lục bình để ăn tối và tắm "thư giãn". Chúng ăn và di chuyển theo tiếng huýt còi hiệu lệnh của "con đầu đàn".
Hình ảnh ấy chẳng khác nào hàng trăm chiếc xe dịch chuyển trật tự trong giờ cao điểm nhờ sự điều khiển tận tụy của viên "cảnh sát giao thông" rất có nghề giữa ngã tư đông đúc. Cũng chính nhờ nuôi heo bằng cỏ tranh, chuối rừng và lục bình nên Phát không tốn quá nhiều tiền để lo chi phí cho trang trại. Thi thoảng, anh chỉ cần mua bắp thêm để heo mẹ ăn có sữa cho con bú.
"Người ta hay đem giống heo ra để chửi nhau nhưng con heo khôn hơn chúng ta tưởng, ít nhất là heo cỏ mình nuôi ở đây. Mỗi sáng, đàn heo tranh thủ thức dậy sớm hơn nắng để đi ăn, còn chiều tối thì chờ mặt trời sắp lặn, chúng mới “dùng bữa” tiếp.
Tôi nghĩ rằng, bằng bản năng, con heo cảm nhận được đó là hai thời điểm cỏ mọng nước, xanh mướt do ít chịu tác động của ánh nắng mặt trời nên sẽ rất ngon để thưởng thức. Đó là chưa kể, loài heo cỏ còn biết tự tìm thức ăn để trị bệnh cho chúng", Phát tự hào nói về đàn heo của mình. Nhưng đó không phải là điều thú vị duy nhất của "đoàn quân háu ăn" dưới tay "con đầu đàn"...
‘Xử êm’ bệnh dịch mà không cần tiêm phòng suốt 3 năm
Anh chàng vốn sở hữu vẻ đỏm dáng của một môi giới chứng khoán kiêm quản lý quỹ đầu tư tiền tỉ từng xuất hiện trên báo Thanh Niên ngày nào giờ đã trở thành nông dân thứ thiệt rồi, không nghi ngờ gì nữa. Phát kể về đàn heo cỏ say sưa đến mức không tạo ra bất kỳ một khoảng trống nào đủ để người nghe chen ngang vào được.
Nói về chuyện bán thịt heo với giá 300.000 đồng/kg, Phát phân trần: “Heo mình nuôi là thịt heo thuần tự nhiên nhờ ăn cây cỏ sạch 100%, đúng với hương vị thịt heo mà ông bà mình ăn ngày trước. Đó là loại thịt heo vui vẻ, vì chúng không bị nhốt một chỗ và được cho ăn thúc để tăng trưởng nhanh, xuất chuồng sớm. Heo cỏ ở trang trại mình suốt ngày rong chơi, ăn uống, tắm ao thư giãn và ngủ nghỉ thoải mái, nên không bị stress”.
Để chứng thực điều này, Phát từng làm thử nghiệm với đàn heo của mình. Anh “nông dân” 8X cho bắt một con heo đang rong chơi vô tư rồi mổ thịt và cấp đông ngay. Phát lại bắt một con heo khác nhưng lần này anh nhốt nó một ngày trước khi mổ thịt.
Tiếp đó, khi mời mọi người trong nhà ăn thử hai loại thịt heo này sau khi chế biến xong, Phát bất ngờ vì thấy ai cũng khen thịt của con heo “cấp đông ngay” ngon hơn nhiều so với con heo bị nhốt trước khi mổ thịt. Và kiểu thực nghiệm này không chỉ diễn ra 1 lần duy nhất.
“Từ đó suy ra là con heo bị nhốt một chỗ dễ bị stress, và thịt không còn tươi ngon nữa. Và hầu hết chúng ta đang phải ăn loại thịt heo như vậy. Con heo phải được nuôi thả trong môi sinh đủ rộng lớn để chúng tự do phát triển theo bản năng. Chúng tự ủi và đào xới đất, "bón" phân để cỏ mọc tươi tốt trên đó, bảo đảm nguồn thức ăn luôn dồi dào”, Phát nói.
Phát dùng chính nhãn quan và tư duy của người chuyên tìm cơ hội trong khủng hoảng thị trường chứng khoán để giải quyết căn nguyên dịch bệnh của đàn heo.
Anh bảo, vấn đề gốc rễ ở đây chính là môi sinh. Bởi được nuôi thả tự nhiên và thoải mái nên suốt 3 năm qua, đàn heo của Phát không cần tiêm phòng dịch mà vẫn tuyệt đối an toàn dù các chuồng trại lân cận bị dịch bệnh đe dọa nghiêm trọng. “Nhưng tính ra, nuôi heo còn rủi ro hơn cả đầu tư chứng khoán đấy nhé”, Phát nửa đùa nửa thật bảo.
Hiện tại, Phát chỉ mổ heo mỗi năm một lần vào dịp tết, riêng số ít khách hàng thật thân thiết thì anh mới cung cấp thịt heo vào Sài Gòn cho họ hàng tháng. “Vậy thì biết khi nào mới lấy lại vốn?”, nghe tôi hỏi, Phát bật cười thành tiếng rồi nói: “Chưa biết được, quan trọng là mình thấy mô hình này thành công bước đầu vậy là vui rồi. Đang ném đá dò đường mà. Chuyện tương lai tới đâu hay tới đó.
Mình làm trang trại này vốn dĩ là để “lấy tĩnh chế động”, một sự cân bằng rất cần thiết cho công việc liên quan đến quản lý quỹ đầu tư của mình, nên chuyện nguồn thu trước mắt là chưa quan trọng lắm”. Phát tâm sự, trang trại nhỏ này tuy không mang lại quá nhiều tiền nhưng đã cho Phát những cái duyên thật lành, và đặc biệt hơn là sức khỏe của vợ chồng anh cải thiện rõ rệt từ khi chuyển về đó sống thường xuyên.
Đêm, khi đàn gà lục tục leo lên cây tìm chỗ ngủ an toàn và để tránh bệnh tật, thì đàn heo cỏ lại lững thững rúc vào những bãi đất hay bụi cây ưa thích để đánh giấc. Còn “con đầu đàn” thì mải miết chong đèn lướt mạng phân tích thị trường chứng khoán để có thể ra quyết định đầu tư chính xác cho khách hàng ruột của mình. Chốc chốc, anh chàng lại nheo mắt nhìn ra ngoài để xem đàn heo đã yên giấc chưa…
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp