Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Chàng trai bỏ máy tính cầm cuốc khởi nghiệp ‘ước mơ rau xanh’

Vĩ mô

17/05/2017 06:00

Tốt nghiệp ngành kĩ thuật máy tính ở Trường Đại học Bách khoa, Phạm Thế Tư đã từ bỏ công việc ổn định ở văn phòng để về vườn khởi nghiệp. Từ kinh nghiệm bằng con số không, Tư đã mày mò và thành công phương pháp trồng rau hữu cơ với tiêu chí không thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích…

Đêm ngày mày mògiải bài toán trừ sâu bệnh

Phạm Thế Tư (26 tuổi) đặt tên cho dự án của mình là “Uớc mơ rau xanh”. Người dân ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM quen gọi vườn rau với tên ngắn gọn Vườn rau Tư Đào. Đây là tên viết tắt của Phạm Thế Tư và cô gái Phạm Thị Đào (25 tuổi, cử nhân ngành Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).

Từ một kỹ sư máy tính, anh Phạm Thế Tư đã bỏ tất cả để khởi nghiệp "ước mơ rau xanh" và đã thành công. Ảnh: Hồ Trang.

Khởi nghiệp từ mảnh vườn rộng gần 3.000 mét vuông với hơn 18 loại rau: mồng tơi, cải ngọt, rau đay, rau muống… Tư và Đào không hề có chuyên môn, kinh nghiệm nông nghiệp gần như là con số không. Từ một kỹ sư máy tính tốt nghiệp đại học khá danh giá nên khi thấy Tư bỏ tất cả để đi trồng rau, bạn bè ngăn cản, gia đình làm ngơ.

Anh Tư nhớ lại lúc khởi sự tưởng chừng như khá dễ dàng vì không lo về vốn: “Ban đầu tôi cũng có bạn hùn vốn khởi nghiệp. Nhưng khi đất đã thuê, chòi đã cất, giấy tờ đã hoàn thành thì người bạn làm chung lại rút hết vốn. Trong tay tôi tất tần tật chỉ chưa tới 15 triệu đồng, mà vốn để làm dự án là trên 100 triệu đồng chưa kể vốn duy trì”.

Nói đến đây mắt hơi đỏ lên, anh kể tiếp: “Tôi nghĩ mình chưa bắt đầu mà đã muốn gục ngã, thời gian đó tôi rất khủng hoảng như đứng giữa vực thẳm “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Nhưng tôi cương quyết không bỏ mặc dù bao nhiêu lời can ngăn, tôi tìm cách vay mượn thêm từ bạn bè người thân”.

Vượt qua khủng hoảng về vốn, cộng với người bạn gái luôn đồng hành, động viên, Tư đã dành hết tâm trí vào chuyên môn trồng rau và không ngừng học hỏi các kỹ thuật từ sách vở, học từ những hộ nông dân xung quanh. Đặc biệt anh tìm đến nhiều nơi để hỏi cách diệt sâu rầy mà không dùng thuốc trừ sâu, tham gia các lớp tập huấn thanh niên làm nông nghiệp.

Thách thức lớn nhất là sâu bệnh trên vườn rau như các loại rầy nâu, rầy đen, rầy mềm, bướm, bọ nhảy, sâu xanh da láng... khiến Tư và Đào đêm ngày lo lắng. Tuy nhiên đôi bạn trẻ nhất quyết không sử dụng thuốc trừ sâu, mà mày mò tìm những phương pháp, hoặc dùng thiên địch tự nhiên để đuổi sâu bệnh. Ngoài ra, sau khi được tư vấn từ Chi cục Bảo vệ thực vật, Tư đi các đám ruộng, vườn rau khác tìm bắt bọ rùa, một loại thiên địch của rầy nâu. Chỉ trong vòng 2-3 ngày sau khi có sự hiện diện của bọ rùa, đám rầy đã bị tiêu diệt.

Tư cho biết thêm thời gian đầu có sử dụng một số loại phân vi sinh, nhưng sau cảm thấy không hiệu quả anh đã ngưng sử dụng. Nhiều lần anh đi đường vô tình nhìn thầy người ta bỏ bã mía đầy đường ruồi bu rất mất vệ sinh, anh suy nghĩ nhiều và thử đem về làm phân bón cho rau.

Sáng kiến dùng bã mía làm phân bón cho rau của anh Tư không chỉ giúp rau lớn nhanh mà còn bảo vệ môi trường. Ảnh: Hồ Trang.

“Tôi xin về ngâm nước, đập dập rồi xé nhỏ rải lên mặt đất cho rau thì thấy rau lớn nhanh hơn. Lấy bã mía làm phân cho rau vừa chống thoát nước tốt và bảo vệ được môi trường” – anh Tư phấn chấn trước sáng kiến của mình đã có hiệu quả.

Nhất quyết không “chữa bệnh” cho rau bằng thuốc hóa học

Giữa năm 2015, mẻ rau đầu tiên của anh chàng kĩ sư máy tính được tung ra thị trường thì lại lao đao về đầu ra của sản phẩm. Rau đã lớn lại ko bán được, những người bạn thời đại học của Tư và Đào đến động viên và mỗi người mua 1 đến 2 kg rau gọi là ăn ủng hộ.

Nhưng về lâu về dài Tư lúng túng chưa biết làm thế nào để khách hàng tin vào nguồn gốc của sản phẩm. Khó khăn chồng chất khó khăn. Khó khăn từ vốn, sâu bệnh hoành hoành, khí hậu… đã thử thách ý chí của anh kỹ sư máy tính.

Năm 2015 Việt Nam bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino (hiện tượng biến đổi khí hậu, khí hậu khô hạn kéo dài), thiếu nước cho rau, rau chết khô hàng loạt. Năm 2016 lại ảnh hưởng của hiện tượng Lanina (xuất hiện bão gây mưa nhiều) khiến rau bị ngập úng, môi trường ẩm ướt lâu ngày sinh ra nhiều loại sâu bệnh phá hoại.

Nhớ lại thời đưa rau đi “chữa bệnh”, anh tâm sự: “Thời gian đó tôi đi tìm các chuyên gia nông nghiệp nhờ giúp đỡ thì họ đều lắc đầu không chữa được nữa. Chỉ còn cách dùng thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng cao may ra mới giảm bớt phần nào. Nhưng làm như vậy thì ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tôi thà nhắm mắt mà bỏ hết tất cả ở vụ đó chứ không dùng thuốc hóa học”.

Theo thời gian, những khó khăn ban đầu dần qua, vườn rau Tư - Đào được nhiều người biết đến.

Mỗi ngọn rau được Tư lựa chọn kỹ lưỡng, loại bỏ những sản phẩm bị úng, chất lượng kém trước khi xuất ra khỏi vườn nên nhiều khách hàng khá hài lòng. Anh vừa kể vừa cười: “Khi tôi mang rau đi bán, chào hàng người ta chê rau của tôi, nói rau của tôi nhìn như cỏ bò ăn, nào là lá cứ lỗ chỗ như lưới đánh cá, đã vậy cây rau chỉ khô khốc chả mập gì cả, nhìn không muốn mua. Nhưng khi tôi cho mang về dùng thử thì hết mực khen rau nhà tôi vừa ngon vừa ngọt, tôi vui lắm”.

Anh Tư tại buổi tọa đàm "Tuổi trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp" do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức ngày 23/3/2017. Ảnh: Hồ Trang.

Tư cho biết: “Khách của mình ở các quận 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh… khá đông. Mỗi khi khách gọi điện giao hàng, dù ít, mình cũng cố gắng chạy từ Hóc Môn lên trung tâm thành phố giao cho khách. Đôi khi có lỗ chút tiền xăng, đường sá xa xôi cũng phải chấp nhận. Bây giờ quen rồi, có nhiều khách rất tin tưởng và đặt rau đều đều”.

Chị Hiệp, công tác tại Đại học Y dược TP.HCM là khách hàng “ruột” của anh Tư chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ mô hình của ước mơ rau xanh. Rau hữu cơ nhìn không đẹp, không mượt, không búng ra sữa như rau mua ngoài chợ, nó xơ, nó cứng và nó cằn, không bao giờ dài quá một gang tay nên tôi khá yên tâm”.

Bà Nguyễn Thị Bình (ngụ quận Bình Thạnh) dù bán quán cơm từ thiện, nhưng vẫn quyết mua rau của Tư dù đắt hơn rau chợ. Bà Bình cho biết: “Rau của Tư ăn rất ngon và thơm. Cứ mỗi tuần tôi đều đặt 3 lần, mỗi lần như vậy là khoảng 400 đến 500 ngàn đồng, được giao đến nhận nhà mà lại tươi xanh”.

Cuộc sống đã ổn định, số nợ khởi nghiệp đã dần trả hết. Giờ đây Phạm Thế Tư đang xây dựng thương hiệu cho vườn rau an toàn của mình. Từ giai đoạn ban đầu chuyên trồng rau ăn lá, sau đó anh Tư thí điểm trồng thêm các loại rau leo như mướp, bầu… và đã thành công. Đồng thời anh cũng nhân rộng mô hình rau sạch này đến các hộ dân lân cận.

"Một túp lều tranh, hai quả tim vàng" thời hiện đại

Anh Tư và chị Đào quen nhau qua mạng hồi cấp 3, hẹn cùng vào học ở Sài Gòn. Hai người chính thức yêu nhau từ đó đến năm 2016 thì cưới nhau. Căn nhà hiện tại của anh chị có vẻ giống cái chòi hơn là nhà, diện tích chỉ khoảng 12m2, bằng khung tre, cây nhỏ và lợp lá. Căn nhà chỉ đủ ngăn một tấm vách thành phòng cho Đào, một cái bếp nhỏ nấu ăn, cái máy cày nhỏ làm đất và lỉnh kỉnh cuốc xẻng. Nhưng cuộc sống bình yên, hạnh phúc của hai vợ chồng đều tốt nghiệp đại học làm không ít nhiều gia đình khen ngợi.

Anh Tư và chị Đào sáng dậy sớm, người tưới rau, người đánh luống, cày xới đất, bắt sâu, nhổ cỏ, ngày nào anh có đơn hàng nhiều thì anh đi giao rau theo địa chỉ. Hai bạn trẻ Tư - Đào đã khởi đầu ước mơ lập nghiệp như thế, giản dị nhưng đầy quyết tâm, ý nghĩa. Và câu chuyện tình yêu của họ cũng là một câu chuyện vô cùng dễ thương, bởi bây giờ hiếm ai còn dám tin vào “một túp lều tranh, hai quả tim vàng” giữa biết bao lo toan về cơm áo, gạo tiền.

HỒ TRANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement