27/06/2022 16:06
Cha mẹ không phân biệt được sốt xuất huyết và rối loạn tiêu hóa, con nguy kịch
Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhi 7 tháng tuổi, trú tại Đồng Tháp bị sốc sốt xuất huyết nặng mà gia đình tưởng rối loạn tiêu hóa.
Trước nhập viện 4 ngày, bệnh nhi bị sốt, tiêu chảy. Bệnh nhi được đưa đi khám tại phòng khám tư và cho uống thuốc không rõ loại.
Khi về nhà, bệnh nhi đang ngủ thì co giật, tím môi, người nhà đã đưa bệnh nhi đến phòng khám đa khoa gần nhà và được xử trí thở oxy, chống co giật, rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Trên đường chuyển viện, bệnh nhi tiếp tục co giật.
Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhi còn co giật toàn thân, tím tái, huyết áp khó đo được. Bệnh nhi được chẩn đoán: Sốc giảm thể tích, tiêu chảy nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa; chẩn đoán phân biệt với sốc nhiễm trùng, sốc sốt xuất huyết dengue nặng.
Bệnh nhi được xử trí đặt nội khí quản thở máy, truyền dịch chống sốc, chống co giật, kháng sinh, điều chỉnh nước điện giải toan chuyển hóa máu. Xét nghiệm máu cho kết quả test nhanh kháng nguyên NS1, các bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết dương tính, tổn thương gan nặng, men gan tăng cao, rối loạn đông máu nặng, albumin máu giảm nặng.
Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, được cai máy thở, tỉnh táo, bú được.
Bác sĩ khuyến cáo, miền Nam đang vào mùa mưa, là lúc muỗi vằn phát triển, truyền bệnh sốt xuất huyết. Trẻ em là "mồi ngon" của muỗi do chưa biết cách tự phòng tránh muỗi đốt. Phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, như diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng...
Khi thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu, gồm bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, ói; tay chân lạnh; lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống... cần đưa trẻ nhập viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ tháng 4, khi dịch bệnh sốt xuất huyết xuất hiện, ngành y tế TP.HCM đã tổ chức tập huấn cho tất cả nhân viên, y bác sĩ. Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 3, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM,... đã chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về điều trị tới các phòng mạch tư, y tế cơ sở, từ đó phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh nhằm cảnh báo kịp thời, tránh nhập viện trễ.
Về chuyên môn, trong thời gian tới, sở sẽ giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến cuối tiếp tục bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm thông qua tập huấn. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là sự thiếu kinh nghiệm của các bác sĩ tại tuyến dưới. Sau dịch Covid-19, sự chuyển đổi nhân sự trong ngành y tế cũng là một vấn đề.
Theo vị lãnh đạo, trước tình hình sốt xuất huyết gia tăng, khả năng các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1, 2,... quá tải là có thể xảy ra.
Do đó, các bệnh viện nên có phương án để sẵn sàng tiếp nhận số lượng bệnh nhân được chuyển về.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp