05/10/2017 09:58
CEO Fahasa: Nhu cầu đọc sách và tìm tòi kiến thức rất lớn
40 năm hoạt động, năm 2016 doanh thu đạt 2.400 tỷ đồng và với 100 nhà sách ở nhiều tỉnh - thành, lại không nợ ngân hàng, với Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phát hành sách TP.HCM (Fahasa), đó là thành tích đáng tự hào chứ không tự mãn.
"Bởi tự mãn tức là tụt lại, trong khi Fahasa còn rất nhiều mục tiêu phía trước, chẳng hạn năm 2017, doanh thu phải đạt 2.700 tỷ đồng và phải vượt con số 100 nhà sách", ông Phạm Minh Thuận chia sẻ.
Fahasa đang là thương hiệu dẫn đầu trong ngành phát hành sách. Lý do gì ông phải đặt ra mục tiêu cao như vậy?
- Hơn 10 năm qua, mỗi năm Fahasa đều tăng trưởng cao, hầu hết ở mức 2 con số, đó là niềm vui rất lớn đối với tập thể Fahasa. Tuy nhiên, chúng tôi không thể dừng lại bởi thị trường sách đang có nhiều thay đổi, đặc biệt thay đổi theo phát triển công nghệ, thói quen tiêu dùng. Từ đó, Fahasa phải có chiến lược kinh doanh mới để tiếp tục phát triển.
Trong đó, quan trọng nhất là phải phát hành được nhiều hơn nữa những cuốn sách hay, đem nhiều kiến thức bổ ích đến với bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ vùng xa. Một trong những biện pháp đầu tiên mà Fahasa thực hiện là đã số hóa toàn bộ hệ thống sách.
Cụ thể, Fahasa sẽ làm thế nào, thưa ông?
- 10 năm qua, Fahasa là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình "Xe sách lưu động" đưa sách đến vùng sâu, vùng xa - nơi bạn đọc ít có điều kiện tiếp xúc với sách. Hiện nay, do việc dùng xe sách trở nên lạc hậu, bị hạn chế về số sách cũng như khó khăn trong khâu tổ chức nên chúng tôi đã chuyển sang mô hình "Hội sách cơ động", tổ chức các hội sách ở khuôn viên trường học, nhà máy, bệnh viện. Trung bình mỗi năm Fahasa tổ chức hơn 200 hội sách như vậy và sẽ tiếp tục phát huy.
Cùng với đó, Fahasa tập trung đầu tư phát triển thương mại điện tử.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Fahasa sẽ có 100 nhà sách nhưng đến nay đã vượt dự kiến 3 năm. Phải chăng thị trường sách không quá khó để Fahasa đạt mục tiêu này?
- Trong kinh doanh, thông thường khi đã xây dựng được chiến lược phát triển đúng, trong đó có dự báo biến động thị trường thì sẽ thành công. Nhưng chiến lược đúng chưa đủ mà còn phải có nhiều thế mạnh khác mới tạo được sức mạnh tổng hòa. Cụ thể, khi có chiến lược phát triển hệ thống nhà sách, chúng tôi đã tập trung phát triển nguồn nhân lực, tài lực đến tổ chức bộ máy và quản lý hệ thống một cách linh hoạt và phù hợp. Một yếu tố đem lại thành công cho Fahasa là thị trường sách tại các tỉnh phát triển rất nhanh.
Qua khảo sát cho thấy, trình độ dân trí ở các tỉnh phát triển mạnh, nhu cầu đọc sách và tìm tòi kiến thức rất lớn, nên nhiều năm qua, Fahasa tập trung đẩy mạnh hệ thống nhà sách và gần như chiếm lĩnh thị trường bán lẻ sách ở các địa bàn này. Thực tế, sức mua của người dân nơi đây rất mạnh nên chúng tôi không khó đạt con số 100 nhà sách trước kế hoạch.
Cũng phải kể đến một lợi thế khác là những đối tác chiến lược như Aeon, Big C, Lotte, Co.opmart, Vincom,... khi mở trung tâm thương mại đều mời chúng tôi hợp tác và mở nhà sách trong hệ thống của họ.
Đến thời điểm này, ông đã hài lòng với những gì đã làm được cho Fahasa?
- 40 năm làm việc cho Fahasa và 12 năm là CEO, tôi vẫn tâm huyết với công việc và luôn dành những tình cảm cho Công ty ở mức cao nhất. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, những gì tôi làm được cho Fahasa chính là xây dựng được chiến lược phát triển đúng, tổ chức bộ máy khoa học, chuyên nghiệp và quản lý hệ thống hiệu quả, đặc biệt là xây dựng môi trường làm việc thân thiện và công bằng, tạo được động lực cho mọi người cống hiến, ai cũng được tạo điều kiện thăng tiến, thu nhập xứng đáng với đóng góp.
Như đã nói, mong muốn của tôi với Fahasa chính là hướng đến những mục tiêu cao hơn. Vì vậy, tôi và các thành viên Công ty tiếp tục làm việc với tinh thần luôn mới như ngày đầu, dù thị trường sách hiện rất nhiều cạnh tranh.
Trong thị trường đó, áp lực lớn nhất của ông là gì?
- Thị trường sách hiện không chỉ có sự canh tranh giữa các nhà sách truyền thống, mà cạnh tranh giữa nhà sách truyền thống với doanh nghiệp thương mại điện tử, cạnh tranh giữa sách giấy và sách điện tử.
Là người đứng đầu Fahasa, lúc nào tôi cũng phải tỉnh táo để nhìn thấy xu thế tiêu dùng và hướng phát triển của thị trường sách để sẵn sàng đưa ra kế hoạch ứng phó. Trong bối cảnh luôn phải cạnh tranh cao, muốn doanh nghiệp thành công thì người đứng đầu phải tự đổi mới, có nhiều ý tưởng và giải pháp kinh doanh để phục vụ khách hàng tốt nhất. Đó là bí quyết quản trị nói thì dễ nhưng làm không dễ.
Theo ông, kinh doanh sách khó hay dễ? Kinh nghiệm của ông về quản trị bán lẻ?
- Bán lẻ là một ngành kinh doanh khó, chi phí cố định lại rất lớn. Ví dụ như mặt bằng, điện, lao động, vốn hàng hóa. Cách phục vụ khách hàng cũng không đơn giản vì bán lẻ là nghề làm dâu trăm họ mà tỷ lệ hài lòng của khách hàng lại lệ thuộc vào đội ngũ bán hàng trực tiếp.
Kinh doanh bán lẻ các ngành hàng khác đã khó, kinh doanh bán lẻ sách còn khó hơn vì đó là sản phẩm mà nội dung lại ở bên trong, nhìn qua thì không biết tốt hay xấu. Đối với sách, người cần thì sẵn sàng mua, người không cần thì tặng chưa chắc họ nhận. Rủi ro trong kinh doanh sách cũng lớn hơn các ngành kinh doanh bán lẻ khác, ví dụ sách học mà có thay đổi nội dung, dù chỉ một phần nhỏ, thì toàn bộ sách loại này trước đó sẽ bị thanh lý.
Để quản trị hệ thống bán lẻ nhà sách, đòi hỏi phải có đội ngũ giỏi chuyên môn và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Phải có chương trình quản lý thống nhất toàn hệ thống nên đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin, từ hàng hóa, tồn kho, giá cả, nhân sự... Công tác kiểm tra, kiểm soát quy trình kinh doanh và quản trị cũng phải chuyên nghiệp và khoa học.
Có người cho rằng, Fahasa tuy có số lượng nhà sách đứng đầu nhưng không tạo được nét mới, như không có hội trường, cà phê, phòng đọc. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
- Trong kinh doanh nhà sách, có nhiều quan điểm đầu tư. Đầu tiên là đầu tư nhà sách phù hợp với trình độ, sức mua của thị trường và phát triển nhiều nhà sách ở các tỉnh. Thứ hai là số lượng sách bán không nhiều nhưng nhà sách vẫn lớn, vẫn hoành tráng vì có nhiều công năng như bạn vừa nói. Fahasa chọn quy mô nhà sách từ 300 - 2.000m2, tùy theo từng thị trường, được đầu tư với tiêu chuẩn thống nhất: đẹp, hiện đại, chuyên nghiệp và có điều kiện phục vụ khách hàng tốt nhất.
Hệ thống nhà sách Fahasa luôn có đầy đủ các loại sách đáp ứng nhu cầu bạn đọc cùng nhiều văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh và quà tặng, có các khu vực giải trí cho trẻ em, khu đọc sách và không gian giao lưu, giới thiệu sách mới giữa tác giả và bạn đọc. Fahasa có gần 30 năm kinh doanh sách nhập khẩu nên có mối quan hệ với hơn 200 nhà xuất bản hàng đầu thế giới như OUP, CUP, Pearson,... được họ tín nhiệm giao làm nhà phân phối nhiều mảng sách quan trọng và đang chiếm thị phần khoảng 60% sách nhập khẩu của Việt Nam.
Không ít doanh nghiệp có bề dày hoạt động gặp tình trạng bất đồng thế hệ. Ông có gặp mâu thuẫn này?
- Trong các lĩnh vực kinh doanh và trong ngành xuất bản, phát hành sách nói riêng, thế hệ già và thế hệ trẻ có những mặt mạnh riêng. Thế hệ già hiểu rõ nhu cầu, tâm lý và thói quen tiêu dùng của nhiều phân khúc khách hàng, hiểu rõ về thị trường, có nhiều kinh nghiệm quản lý và điều hành. Còn thế hệ trẻ hiện nay giỏi công nghệ nên dễ dàng ứng dụng kỷ thuật số để truyền thông, marketing, chăm sóc khách hàng, phát triển kinh doanh. Riêng tại Fahasa không xảy ra mâu thuẫn giữa 2 thế hệ, ngược lại, chúng tôi luôn có sự phối hợp thuận chiều.
Mỗi thế hệ được giao những nhiệm vụ phù hợp với năng lực, chuyên môn để cùng lúc phát triển cả 2 lĩnh vực kinh doanh bán lẻ truyền thống và kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Đây cũng chính là cái khó của người lãnh đạo, phải nhìn được thế mạnh, sở trường của đội ngũ để tạo điều kiện cho họ phát huy. Bản thân người đứng đầu cũng phải vượt qua rào cản của quy luật lão hóa để tự làm mới mình, luôn cập nhật kiến thức và sáng tạo. Hiện, Fahasa đang từng bước chuyển giao các chức vụ quan trong cho thế hệ trẻ.
Làm thế nào để ông tạo được sức sáng tạo?
- Say mê với công việc đang làm và luôn đọc đủ loại sách.
Được xem là đơn vị mở ra một trang mới với nhiều thành quả khả quan sau khi cổ phần hóa. Nhưng với nhiều doanh nghiệp trong ngành phát hành sách, cổ phần hóa đang là nỗi trăn trở...
- Sau cổ phẩn hóa năm 2006, Fahasa đã phát triển mạnh, đến tháng 9/2017, chúng tôi đã khai trương thêm 82 nhà sách, tăng gấp 6 lần, doanh thu tăng gấp 5 lần, lợi nhuận tăng 10 lần.
Phải thẳng thắn nhìn nhận, sau giai đoạn cổ phần hóa, một số doanh nghiệp phát hành sách mà tư nhân mua lại đã chuyển qua kinh doanh những sản phẩm khác có lợi nhuận cao hơn sách, dẫn đến khoảng trống phát hành, hệ lụy là ngành phát hành sách đang có sự phân hóa mạnh.
Nước ta có các nhà phát hành sách chuyên nghiệp tầm cỡ châu lục, nhưng đồng thời cũng tồn tại những địa phương mà nhà phát hành sách lại không theo kịp thời đại. Cũng từ hạ tầng chưa thống nhất trong cơ cấu phát hành sách nên ngành phát hành sách hiện có phần thiếu cân đối.
Ví dụ ở các nước, sau khi nhà xuất bản làm sách sẽ chuyển qua cho nhà phân phối, nhà phân phối chuyển đến nhà bán lẻ để đưa sách đến tay bạn đọc qua các nhà sách. Việc tổ chức phát hành theo dạng trung tâm bán sỉ như vậy hiệu quả hơn. Trong khi đó ở Việt Nam, vai trò của nhà phân phối sách có khi do các nhà bán lẻ đảm nhận, cũng có khi do chính các nhà xuất bản trực tiếp thực hiện.
Ông có cảm thấy áp lực khi sách điện tử và thương mại điện tử đang "lấn sân" sách giấy và ngành phát hành sách truyền thống?
- Người ta có thói quen lo sợ trước cái mới vì cho rằng cái mới sẽ giết cái cũ. Như hồi sách điện tử (ebook) bùng phát, ai cũng bảo sách giấy đã hết thời, hay như khi nghe sẽ có những "đại gia" phát hành thế giới vào Việt Nam như Amazon chẳng hạn, ai cũng lo ngại vì cho rằng họ hơn ta mọi mặt, từ chuyên môn đến kinh nghiệm, vốn liếng.
Tuy nhiên, sau thời điểm phát triển nóng vì mới mẻ thì hiện nay, ebook và sách giấy vẫn tồn tại song song, bổ sung cho nhau. Cũng nhờ "cảnh giác" với đối thủ mạnh mà nước ta đã có những nhà phát hành đủ kinh nghiệm, tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc.
Với bất cứ mô hình kinh doanh nào thì thói quen của người dân cũng không dễ thay đổi, nhất là nhiều thói quen đã trở thành nét văn hóa đặc thù, gắn với thú vui tinh thần. Chẳng hạn, dù ngành thời trang phát triển mạnh qua mua bán online nhưng nhiều người vẫn thích đến các cửa hàng thời trang mua sắm, đến các nhà may đo. Và sách cũng vậy, đọc sách không chỉ để mở mang kiến thức mà còn là một cách giải trí, một cách thư giãn và cảm nhận sự thú vị riêng. Rất nhiều người nói rằng, họ vẫn thấy thích khi cầm trên tay cuốn sách để đọc. Ở các nước tiên tiến, trong lúc chờ xe buýt, trên xe điện, nơi công cộng, rất nhiều người chăm chú đọc sách. Điều đó cho thấy, sách giấy vẫn có giá trị.
Tại Việt Nam cũng vậy, dù thương mại điện tử phát triển thì nó cũng chỉ là một loại hình bổ sung cho sách đọc kiểu truyền thống.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Advertisement
Advertisement