29/08/2018 08:51
Cảnh báo nguy cơ sạt lở vào mùa lũ ở Đồng Tháp
Mùa lũ đang đến, nguy cơ sông Tiền tiếp tục sạt lở, đặc biệt là đoạn chảy qua tỉnh Đồng Tháp.
Theo TTXVN, tính từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Đồng Tháp vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông Tiền và sạt lở tại 19 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố. Tổng chiều dài sạt lở 24,7 km, diện tích sạt lở hơn 4 ha.
Hiện đang là mùa lũ, mực nước dâng cao kết hợp với dòng chảy xiết đã khiến tình hình sạt lở bờ sông tại một số địa bàn trong tỉnh diễn biến phức tạp, nhất là ở huyện Hồng Ngự, huyện đầu nguồn lũ, từ đầu mùa lũ đến nay chưa được 1 tháng đã xảy ra sạt lở bờ sông Tiền ở khu vực ấp Long Thạnh, xã Long Thuận với hơn 10 điểm sạt lở. Dù chỉ là những vụ sạt lở nhỏ, nhưng vẫn đe dọa hơn 300 ha hoa màu của người dân. Nhiều nơi sạt lở ăn sâu vào đất liền và chỉ còn cách đất canh tác từ 1-3 mét.
Nguy cơ sạt lở ở sông Tiền tăng cao trong mùa lũ năm nay. Ảnh: TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Bình ở ấp Long Thạnh, xã Long Thuận cho biết, nguyên nhân sạt lở nhiều ở nơi đây là do mưa to và mực nước lũ lên nhanh, khiến hiện tượng sạt lở xảy ra liên tục khi nước lũ chảy mạnh. Tại xã Thường Phước, 1 vụ sạt lở nhấn chìm hơn một nửa ngôi nhà của 1 hộ dân tại ấp Chòm Xoài. Song, khu vực này hiện vẫn còn hơn 100 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở. Đây là những hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm nhưng chưa chịu di dời. Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết, toàn huyện vẫn còn hơn 200 hộ dân sống trong vành đai sạt lở nhưng chưa có đất nền để bố trí di dời. Nguyên nhân là do huyện thiếu đất nền ở các cụm, tuyến dân cư.
Tại thị xã Hồng Ngự ngày 23/8 đã xảy ra vụ sạt lở ở Khu 10, thuộc ấp Bình Lý, xã Bình Thạnh nhấn chìm ao nuôi cá của ông Nguyễn Ngọc Ẩn, thiệt hại gần 400 triệu đồng. Ông Ẩn cho biết, gia đình ông đã thả nuôi hơn 7 tấn cá tra, cá hô, trong đó cá hô có trọng lượng từ 6-12kg. Nước lũ về, ông đã rào lưới cước để bảo vệ ao cá nhưng dòng chảy mạnh khiến bờ bao Khu 10 bị sạt lở, ao cá của ông thiệt hại hoàn toàn.
Trạm bơm nước Đông Bình có công suất 20.000 m3/ngày đêm, nằm bên bờ sông Tiền, thuộc ấp Đông Bình, xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, cung cấp nước cho khoảng 70% dân số của thành phố Cao Lãnh. Do ảnh hưởng nước lũ chảy mạnh từ thượng nguồn đổ về đã gây hư hỏng nặng đến trạm bơm. Ngày 15/8, nước lũ đã làm trụ bê tông cao 18 mét, nặng hàng chục tấn để giữ phao và máy bơm của trạm bơm bị sụt lún và 1 trụ chống va của trạm bơm nước ở phía thượng nguồn tiếp tục bị sạt lở và chìm xuống sông Tiền. Tại khu vực cầu phao, bị xói lở sâu vào 4 mét so với ban đầu, Công ty Nước Đông Bình tiến hành tháo dỡ phần nhịp cầu bê tông dài 8m phục vụ cho việc lấy nước để xử lý an toàn trạm bơm.
Xuống hạ nguồn lũ thuộc địa phận thành phố Sa Đéc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc Huỳnh Thanh Chiến tại buổi kiểm tra thực tế vào giữa tháng 8/2018 về tình hình sạt lở khu vực phường 4 cho biết, có hàng chục hộ dân đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, đã có hơn 20 hộ dân bị ảnh hưởng nặng do tình trạng sụt lún và sạt lở, xuất hiện nhiều vết nứt ở nhà dân, có đoạn sụt lún vào sâu hơn 5 mét, người dân sống trong nơm nớp lo sợ.
Để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa lũ năm 2018 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Trung ương sớm hỗ trợ xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư trên địa bàn 7 huyện, thị xã và thành phố để bố trí ổn định chỗ ở cho 2.440 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở; đồng thời, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai cho các địa phương./.
Advertisement