17/11/2019 02:11
Canh bạc bầu cử của thủ tướng Anh Boris Johnson
Tờ Thời báo Tài chính của Anh ngày 6/11 cho rằng canh bạc nhằm chấm dứt tình trạng Brexit bế tắc của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khiến nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ lo sợ.
Chiến lược của đảng Bảo thủ đòi hỏi phải giành được ghế từ Công đảng ở những khu vực của tầng lớp lao động, nhưng sự biến động của cử tri có thể khiến kế hoạch này của đảng Bảo thủ bị thất bại.
Một nghị sĩ đảng Bảo thủ đang chán nản với việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đầu tiên vào tháng 12 trong gần một trăm năm qua nói: “Nó giống như một đám mây đen. Bạn có thể cho vào rất nhiều thành phần, nhưng bạn không biết kết quả sẽ như thế nào. Có thể nó sẽ nổ tung trước mặt bạn”.
Nhóm cố vấn của ông Johnson cũng thừa nhận họ không biết cuộc bầu cử quan trọng nhất của Anh trong một thế hệ này sẽ diễn ra như thế nào, nhưng có một sự thống nhất rộng rãi rằng kết quả của cuộc bầu cử này sẽ định hình sâu sắc tương lai nền kinh tế, vị trí và thậm chí là sự tồn vong của nước Anh trên thế giới.
Thủ tướng Johnson, mới lên cầm quyền được hơn ba tháng, đang chuẩn bị mọi thứ cho cuộc bầu cử vào ngày 12/12, diễn ra trong bối cảnh đất nước bị chia rẽ sâu sắc, cử tri dao động và hệ thống hai đảng truyền thống bị Brexit làm cho suy yếu. S
au khi ông Nigel Farage đe dọa đảng Brexit sẽ có ứng cử viên tranh cử trên toàn quốc để cạnh tranh với đảng Bảo thủ và chống lại thỏa thuận mới của Thủ tướng Johnson với EU, một đồng minh của ông Johnson nói: “Tất nhiên, đó là một canh bạc”.
Đối với ông Johnson, chỉ có một con đường dẫn đến chiến thắng rõ ràng: làm lung lay các ghế vốn rất vững chắc của Công đảng ở các khu vực tầng lớp lao động ở vùng Midlands, Wales và Bắc Anh. Cuộc chiến sẽ đặc biệt căng thẳng ở Tây Midlands, thành phố công nghiệp ở Birmingham: Tất cả các ghế ở 59 đơn vị bầu cử thuộc khu vực này đều do Công đảng hoặc đảng Bảo thủ nắm giữ.
Nếu ông Johnson có thể đánh sập thành trì vững chắc này, thì chắc chắn số cử tri ủng hộ ông sẽ tăng lên. Khi chiến dịch tranh cử bắt đầu, có một số tín hiệu tích cực đối với ông Johnson ở khu vực Tây Nam Wolverhampton, một chiến trường mà Công đảng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2017 với mức chênh lệch chỉ là 2.000 phiếu.
Steve Perry, cử tri từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit năm 2016, đã cho thấy mức độ trung thành chính trị ở một thành phố vốn là một trong những nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong cả nước và chấp nhận tình trạng thiếu thốn, và cũng là nơi mà đời sống chính trị bị đảo lộn sau những lập luận về Brexit.
Steve Perry nói: “Tôi thường bỏ phiếu cho Công đảng. Tuy nhiên, ông Jeremy Corbyn lại không có một tư tưởng nhất định. Ông ấy bị mắc kẹt trong những năm 1970. Tôi sẽ không bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ, nhưng ông Johnson đã làm những gì đã nói. Ông ấy đang tiến đến một cuộc bầu cử để triển khai điều này”.
Một trong những điều mà đảng Bảo thủ đặt cược là ông Corbyn, bất chấp toàn bộ năng lực vận động tranh cử của mình, cuối cùng sẽ là một trở ngại trong bầu cử đối với nhiều nghị sĩ Công đảng. Ông Perry nói: “Tôi không muốn nói rằng họ thích Johnson, nhưng quả thực mọi người ở đây thích ông ấy hơn ông Corbyn”.
Theo một cuộc khảo sát của Populus, có đến 40% cử tri cho biết sẽ thay đổi phiếu bầu so với cuộc bầu cử năm 2017. Dễ hiểu tại sao đây là cuộc bầu cử phức tạp nhất trong nhiều năm qua.
Will Tanner, từng là cố vấn của cựu Thủ tướng Theresa May và hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Onward của đảng Bảo thủ, thừa nhận những rủi ro lớn khi tổ chức bầu cử trong một môi trường đầy biến động như thế này. Ông nói: “Không ai biết những gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử. Cử tri dao động hơn so với những thập kỷ trước”.
Ông Johnson bước vào cuộc bầu cử này với kết quả thăm dò ý kiến cho thấy ông đang dẫn trước ứng cử viên Công đảng với số phiếu chênh lệch ở mức hai con số, nhưng trở ngại mà ông phải vượt qua vẫn đáng sợ. Trong cuộc bầu cử năm 2017, bà May đã giành được 318 ghế, không đủ con số 326 cần thiết để giành thế đa số, dù đã giành được 42% số phiếu bầu và có được những kết quả tích cực tại các khu vực trung tâm phía Bắc của Công đảng.
Trong cuộc bầu cử này, các nhà phân tích dự báo đảng Bảo thủ có thể sẽ mất gần như toàn bộ 13 ghế họ đang nắm giữ ở Scotland vào tay đảng Dân tộc Scotland đang hồi sinh - một đảng chống Brexit và hy vọng lợi dụng cuộc bầu cử này làm bàn đạp để thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý độc lập khác cho Scotland.
Trong khi đó, đảng Dân chủ tự do ủng hộ ở lại đang đe dọa sẽ chiếm một số ghế từ đảng Bảo thủ của ông Johnson, đặc biệt là ở các khu vực giàu có ủng hộ ở lại ở London và miền Nam. Jo Swinson, lãnh đạo mới của đảng này, tuyên bố bà ta có thể là thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh, nhưng ngay cả khi chỉ giành được 40-50 ghế thì đảng này cũng có thể làm cho đảng Bảo thủ mất đi thế đa số.
Gary Streeter, một nghị sĩ kỳ cự đảng Bảo thủ, nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ mất 20 và giành được 60”.Phần lớn vùng trung tâm của Công đảng mà đảng Bảo thủ đang nhắm đến là khu vực có truyền thống thù địch với đảng này. Anthony Wells, Giám đốc nghiên cứu chính trị của công ty chuyên thăm ý kiến YouGov, nói: “Đối với nhiều người, đảng Bảo thủ vẫn là đảng đã bóp chết miền Bắc và tàn phá ngành công nghiệp của chúng ta”.
Nhưng đây cũng là khu vực bỏ phiếu ủng hộ ra đi và Johnson tin rằng ông có thể đạt được những tiến bộ lớn ở khu vực ủng hộ cốt lõi của ông Corbyn bằng việc khai thác sự bất đồng quan điểm về vấn đề Brexit trong nội bộ Công đảng – vồn mong muốn một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai nhưng lại không thể hiện rõ là ủng hộ ra đi hay ở lại – và sự ác cảm của các cử tri truyền thống cánh tả đối với nhà lãnh đạo Công đảng.
Ông Johnson cần thuyết phục các cử tri Công đảng trước đây rằng ông sẽ thực hiện Brexit và sau đó bắt tay vào việc giúp đỡ những thị trấn “bị bỏ lại phía sau” của Anh. Ông Johnson hy vọng sẽ biến cuộc bầu cử này là thành một cuộc chiến giữa người dân và Quốc hội, mà trong đó ông đứng về phía người dân.
Ông Will Tanner lập luận rằng ông Johnson có thể vừa đưa ra một thông điệp về Brexit cứng vừa cam kết giúp đỡ các thị trấn đang gặp khó khăn và giải quyết cuộc khủng hoảng dịch vụ chăm sóc xã hội, nhưng điều đó đòi hỏi phải có sự linh hoạt chính trị.
Khả năng thuyết phục các cử tri dao động của ông Johnson đã bị hủy hoại sau khi ông đưa ra quyết định thanh trừng nhiều nghị sĩ ôn hòa trong đảng Bảo thủ vì họ đã chỉ trích chiến thuật chính trị mà ông đã áp dụng. Nicholas Soames, cháu trai của Winston Churchill và là một trong số 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ bị ông Johnson khai trừ, đã tuyên bố rằng đảng này đang áp dụng phiên bản cực hữu của chủ nghĩa bảo thủ và đã trở thành cái gọi là giáo phái Brexit.
Đồng thời, ông Johnson có thể đối mặt với một thách thức từ đảng Brexit của ông Farage nếu đảng này thực hiện tuyên bố trước đó là đưa ứng cử viên ra tranh cử ở khắp mọi nơi. Bên cạnh Tây Nam Wolverhampton là một khu vực bầu cử dễ dao động khác, Walsall North, nhưng trong trường hợp này đảng Bảo thủ đã giành chiến thắng trong gang tấc.
Nếu những người ủng hộ đảng Brexit phải chia phiếu bầu, thì điều đó có thể mở đường cho Công đảng chiếm được ghế nghị sĩ của đảng này.Don Gwinnett, thành viên nhóm chiến dịch cánh tả Momentum và là nhà hoạt động Công đảng ở khu vực này, nói: “Điều không thể lường trước được trong cuộc bầu cử này sẽ là đảng Brexit. . . và việc liệu họ sẽ thực hiện một hiệp ước với đảng Bảo thủ hay sẽ chia phiếu”.
Rất nhiều cử tri trong khu vực này vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai - và hết sức nghi ngại về các nhà lãnh đạo của cả hai đảng Bảo thủ và Công đảng. Blossom Vassel, một cư dân lâu năm của thành phố Wolverhampton, nói: “Có những vấn đề xung quanh lời lẽ và cách xử sự của Johnson. Mặt khác, người ta cũng tin rằng Corbyn sẽ không trở thành một thủ tướng tốt”.
Ông Neil, một người bán khoai tây nướng trên một chiếc xe van ở trung tâm thành phố Wolverhampton và là người lạc quan về Thủ tướng Johnson, nói: “Người dân đấu với Quốc hội - người dân không muốn điều đó ở đây - nhưng ông Johnson đang cố gắng hết sức”.
Về tình thế khó khăn lien quan đến Brexit, Kindan Birhah, hiện đang làm việc cho Hội đồng thành phố Wolverhampton, nói: “Nếu ra đi, thì chúng ta sẽ mất nhiều thời gian để trở lại trạng thái bình thường. Nếu ở lại, thì chúng ta cũng sẽ rơi vào tình thế đúng như vậy vì cả nước đang trong tình trạng hỗn loạn”.
Nỗ lực của Công đảng nhằm khắc họa hình ảnh ông Johnson như một người bám đuổi ông Trump, sẵn sàng bán rẻ nước Anh trong một thỏa thuận thương mại với Mỹ thời hậu Brexit, dường như đang gây được tiếng vang ở Tây Midlands. Việc ông Trump vừa can thiệp vào cuộc bầu cử của Anh - ông đã phát biểu trên chương trình phát thanh của ông Farage rằng chiến thắng của ông Corbyn sẽ là điều rất bất lợi đối với nước Anh, vừa chỉ trích thỏa thuận Brexit của ông Johnson sẽ chỉ có lợi cho Công đảng.
Diana, một người cung cấp thực phẩm đã nghỉ hưu sống trong một căn nhà xã hội ở Wolverhampton và trước đây đã bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ, nói bà có kế hoạch bỏ phiếu cho Công đảng, một phần vì nghị sĩ Công đảng ở địa phương đã giúp đỡ cá nhân bà và một phần vì bà đã bỏ phiếu ủng hộ nước Anh ở lại EU. Bà nói “Bây giờ, chúng tôi sẽ phải mua các vật tư y tế của Mỹ và chúng tôi sẽ rơi vào tình cảnh còn tồi tệ hơn”.
Cuộc bầu cử này, ở nhiều phương diện khác nhau, đang đặt ra một câu hỏi với các cử tri là liệu họ cảm thấy thoải mái với châu Âu hay Mỹ hơn. Bà nói rằng ông Johnson rất thân với ông Trump, vốn là một người nguy hiểm.Ian Humphries, một nghệ sĩ, cũng bày tỏ mối lo ngại về thỏa thuận thương mại với Mỹ khi nói: “Chúng tôi sẽ không thể tự bảo vệ mình trước thực phẩm được tẩy trắng và dâu tây biến đổi gen”.
Stuart Anderson, một cựu quân nhân hiện đang điều hành một công ty an ninh tư nhân, là ứng cử viên của đảng Bảo thủ ở khu vực Tây Nam Wolverhampton. Ông đã chuyển đến thành phố này sau khi được chọn làm ứng cử viên vào năm 2018 và đã bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử kể từ đó bằng việc như ông nói là tham gia các vấn đề địa phương cũng giúp mọi người hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến Brexit.
Ông nhận được sự ủng hộ của các ủy viên hội đồng, trong đó có các đồng minh người Hindu, Hồi giáo và đạo Sikh, vốn cho rằng Công đảng không thể tiếp tục phụ thuộc vào lá phiếu của cộng đồng châu Á trong khu vực này. Họ chỉ trích hội đồng do Công đảng kiểm soát quản lý yếu kém và trong hơn 50 năm qua đã không thể tái thiết được thành phố.
Các nhà hoạt động Công đảng đến lượt mình lại chỉ trích đảng Bảo thủ cắt giảm ngân sách của hội đồng trong 10 năm qua. Ông Anderson nói: “Khi nhìn quanh đất nước, anh sẽ thấy chúng ta đang ở trong tình trạng bất ổn nhất từ trước tới nay. Điều này còn được thể hiện rõ hơn ở Wolverhampton”.
Ông Johnson hy vọng ngày 12/12 sẽ khép lại giai đoạn đầu của Brexit, nâng cao tinh thần của người dân trước lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, trong tình hình bầu cử phức tạp như vậy, nhiều nghị sĩ lo ngại cuộc bầu cử này chỉ dẫn đến một quốc hội treo khác, khiến tình hình nói chung và Brexit nói riêng bế tắc hơn.
Ông Ken Clarke, một nghị sĩ đảng Bảo thủ đã nghỉ hưu sau 49 năm phục vụ trong Hạ viện, nói: “Sẽ là một cuộc khủng hoảng khi có một quốc hội treo, nhưng tôi nghĩ rằng đó là kết cục dễ xảy ra nhất”.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement